Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh - PCI: Giảm gánh nặng kiểm tra cho DN

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Hiệu quả, chất lượng thực thi tại cấp huyện, thị và sở, ngành là điểm nghẽn lớn trong việc cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI). Nhiều ý kiến cho rằng, năm 2021, các địa phương nên ưu tiên tháo gỡ điểm nghẽn này.
Muốn tăng năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, cần tăng cường giám sát thực thi, lắng nghe doanh nghiệp nhiều hơn. Ảnh: Lê Tiên
Muốn tăng năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, cần tăng cường giám sát thực thi, lắng nghe doanh nghiệp nhiều hơn. Ảnh: Lê Tiên

Theo Báo cáo PCI 2020 khảo sát từ gần 12.300 doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài vừa được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố, chất lượng điều hành kinh tế cấp tỉnh năm 2020 có xu hướng cải thiện theo thời gian. Những chuyển động tích cực được ghi nhận là: chi phí không chính thức tiếp tục giảm, an ninh trật tự được giữ vững, chính quyền cấp tỉnh năng động và tiên phong hơn, cải cách hành chính có cải thiện đáng kể và môi trường kinh doanh ngày càng bình đẳng.

Tuy nhiên, kết quả khảo sát cũng cho thấy, chính quyền địa phương cấp tỉnh cần cải thiện mạnh mẽ tính minh bạch của môi trường kinh doanh, nâng cao chất lượng thực thi của hệ thống chính quyền cấp cơ sở, tiếp tục thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính, giảm gánh nặng thanh tra, kiểm tra và cắt giảm chi phí không chính thức cho doanh nghiệp.

Trong đó, mối lo ngại lớn nhất hiện nay, theo ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng ban Pháp chế thuộc VCCI, là tính minh bạch và chi phí không chính thức. Báo cáo PCI 2020 cho thấy, chỉ số tính minh bạch ít được cải thiện hay có cải thiện nhưng tốc độ vẫn chậm, nhất là các thông tin về quy hoạch, kế hoạch, đất đai, đấu thầu, khiến doanh nghiệp khó tiếp cận. Chi phí không chính thức mặc dù có sự thay đổi tích cực, giảm theo thời gian nhưng vẫn còn ở mức cao, gây phiền hà cho doanh nghiệp.

Theo cảm nhận chung của đa số doanh nghiệp, chất lượng thực thi cấp huyện, thị và sở, ngành vẫn là một trong những điểm nghẽn lớn nhất hiện nay. Cụ thể, năm 2020, có tới 73,5% số doanh nghiệp được khảo sát đồng ý với nhận định là “có những sáng kiến hay ở cấp tỉnh nhưng chưa được thực thi tốt ở các sở, ngành”. Tương tự, 60% số doanh nghiệp được khảo sát cho biết “lãnh đạo tỉnh có chủ trương, chính sách đúng đắn nhưng không được thực hiện tốt ở cấp huyện”.

Theo dõi sự thay đổi thứ hạng của các địa phương, ông Tuấn nhận thấy, một số địa phương mặc dù có rất nhiều ưu thế về hạ tầng, dịch vụ…, nhưng chỉ số PCI vẫn lẹt đẹt. Tại một số địa phương, người đứng đầu rất quan tâm và sốt ruột với việc cải thiện chỉ số PCI nhưng mãi vẫn không bứt phá được.

Theo bảng xếp hạng PCI 2020, Quảng Ninh, Đồng Tháp, Long An, Bình Dương, Đà Nẵng lần lượt là các địa phương có chất lượng điều hành kinh tế được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao nhất. Trong đó, đáng chú ý là Quảng Ninh, Đồng Tháp đã vượt qua kỷ lục của chính mình trước đó. Nhóm tỉnh đứng cuối bảng là Bắc Kạn, Đắk Nông, Hà Giang, Kiên Giang, Bạc Liêu. Mặc dù đứng cuối bảng nhưng điểm số PCI của các địa phương này có sự cải thiện đáng kể.

Lấy TP.HCM làm ví dụ, ông Tuấn cho rằng, đây là một trong những địa phương có sự quyết tâm cao của người đứng đầu, thực hiện nhiều chương trình cải cách đầy tham vọng đưa Thành phố lọt vào top 5 địa phương dẫn đầu của bảng xếp hạng PCI. Mặc dù TP.HCM vẫn giữ nguyên vị trí thứ 14 của năm 2019, nhưng điểm số có sự sụt giảm từ 67,16 điểm năm 2019 xuống 65,7 điểm. Kết quả này không như kỳ vọng của lãnh đạo TP.HCM và không tương xứng với những thế mạnh của địa phương này.

“Phải xem năm 2021 là năm trọng điểm về cải cách môi trường đầu tư kinh doanh. Muốn tăng năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, các địa phương nhất thiết phải có một lực đẩy mạnh mẽ và năng động hơn. Không chỉ là sự quyết tâm của người đứng đầu mà còn là sự vận hành trơn tru, đồng hành của cả bộ máy các sở, ngành, quận, huyện. Ban hành một chính sách, định hướng, kế hoạch hành động là không quá khó, nhưng để thay đổi được những hành động nhỏ của từng cán bộ, công chức thì không dễ dàng chút nào. Do đó, cần chuyển sức nóng bên trên xuống chính quyền các cấp cơ sở. Muốn làm được điều này, cần phải tăng cường giám sát thực thi, lắng nghe doanh nghiệp nhiều hơn”, ông Tuấn gợi ý.

Chia sẻ bí quyết giữ ổn định vị trí trong top 5 địa phương dẫn đầu bảng xếp hạng PCI nhiều năm qua, ông Phạm Thiện Nghĩa - Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết, do Đồng Tháp có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất vùng Đồng bằng sông Cửu Long nên đây là động lực thúc đẩy địa phương quyết tâm cải cách, sáng tạo, đổi mới và phát triển toàn diện từ nông thôn cho tới thành thị. Trọng tâm là cải cách hành chính để chuyển từ chính quyền mệnh lệnh sang chính quyền phục vụ nhân dân, lấy sự hài lòng và hạnh phúc của người dân làm trung tâm. Đồng Tháp đã áp dụng mô hình một cửa, mở nhiều kênh để lắng nghe người dân và doanh nghiệp như: cafe doanh nghiệp, thứ Sáu nghe dân nói, hội quán tổ dân quân tự quản... Từ đó, Tỉnh kiểm soát các vấn đề còn tồn tại, điểm nghẽn trong hệ thống chưa đáp ứng yêu cầu của người dân và tìm cách giải quyết hiệu quả.