Ngân hàng chật vật thanh lý tài sản bảo đảm, nợ xấu

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Tài sản bảo đảm của các khoản nợ như nhà đất, ô tô, máy móc, thiết bị đều rất khó bán ở thời điểm hiện nay. Trong đó, nhiều tài sản đã được mời đấu giá đến lần thứ 12 mà vẫn chưa tìm được người mua. Điều này khiến nỗ lực xử lý nợ xấu của ngành ngân hàng càng thêm áp lực.
VietinBank đang rao bán khoản nợ hơn 500 tỷ đồng của Descon với giá rao bán giảm 62 tỷ đồng so với lần rao vào tháng 7/2023 Ảnh: Nhã Chi
VietinBank đang rao bán khoản nợ hơn 500 tỷ đồng của Descon với giá rao bán giảm 62 tỷ đồng so với lần rao vào tháng 7/2023 Ảnh: Nhã Chi

Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) vừa phát đi thông báo tìm người mua quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất tại số 5 Kinh Dương Vương, Phường 12, Quận 6, TP. Hồ Chí Minh. Thửa đất có diện tích 1.136 m2, là đất thương mại, dịch vụ, thuộc sở hữu của Công ty TNHH Than Khoáng sản Ngoại thương Sài Gòn. Mức giá khởi điểm đưa ra là 72,8 tỷ đồng, thấp hơn 37,5% so với lần đấu giá đầu tiên (tương đương 43,7 tỷ đồng). Đây là lần thứ 12 BIDV mang ra đấu giá tài sản này. Cuộc đấu giá dự kiến diễn ra vào ngày 23/10 tới đây.

Ngân hàng Công thương Việt Nam (VietinBank) tiếp tục đăng thông tin rao bán khoản nợ hơn 500 tỷ đồng của Công ty CP Xây dựng Công nghiệp (Descon). Giá rao bán giảm 62 tỷ đồng so với lần rao vào tháng 7/2023. Đây là lần thứ 4 VietinBank rao bán khoản nợ này. Bên nợ là Descon có địa chỉ tại Quận 1, TP. HCM. Dư nợ của khoản nợ tạm tính đến ngày 13/9 là hơn 561 tỷ đồng. Trong đó, dư nợ gốc hơn 327 tỷ đồng, số còn lại là dư nợ lãi trong hạn và lãi quá hạn cộng dồn.

Khoản nợ của Descon được hình thành từ các hợp đồng tín dụng ký kết giữa Công ty với VietinBank Chi nhánh Bắc Sài Gòn trong giai đoạn 2016 - 2018. Tài sản bảo đảm cho khoản vay là 20 quyền sử dụng đất tại Nhơn Trạch (Đồng Nai) cùng các quyền tài sản phát sinh từ các hợp đồng thi công công trình, quyền tài sản khác và quyền sử dụng đất.

Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) - Sở giao dịch vừa phát đi thông báo bán tài sản bảo đảm cho khoản vay của Công ty CP Ô tô Xuân Kiên (Vinaxuki) - Chi nhánh Đắk Nông.

Các tài sản bảo đảm cần phát mại bao gồm 2 lò bằng hoàn nguyên luyện Antimon; 1 lò luyện Antimon; 1 dây chuyền tuyển quặng Antimon; máy nghiền bi ướt, máy cấp liệu rung điện tử, máy phân cấp xoắn ốc, máy sàng bàn, máy tuyển từ, máy đập hàm mịn, bộ hàm dự phòng; thiết bị tuyển quặng Antimon; 1 dây chuyền tuyển quặng Antimon. Đây là lần thứ 6 Vietcombank rao bán loạt máy móc thiết bị này. Mức giá khởi điểm đã giảm 455 triệu đồng so với lần đấu giá gần nhất, chỉ còn chưa tới 4,1 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, Vietcombank còn rao bán lần thứ 3 toàn bộ hệ thống máy luyện Antimon của Vinaxuki tại địa chỉ trên với giá khởi điểm 281 triệu đồng, giảm 100 triệu đồng so với lần đấu giá gần nhất.

Khảo sát trên chuyên mục đấu giá của Ngân hàng Quốc tế (VIB) cho thấy, hơn 120 xe ô tô được đăng đấu giá từ cuối năm 2021, nhưng chỉ có chưa đầy 10 xe đã được bán.

Chia sẻ với Báo Đấu thầu, đại diện Công ty Đấu giá hợp danh Thuận Phát cho biết: “Trước đây, việc đấu giá các tài sản như máy móc, ô tô thường được quan tâm ngay lần đăng tin đầu tiên. Song hiện nay, do kinh tế khó khăn nên rất ít khách quan tâm, dù đã nhiều lần giảm giá. Riêng đấu giá các khoản nợ càng khó có hy vọng”.

Ông Ngô Gia Cường - Giám đốc Công ty TNHH Thẩm định giá và Giám định Việt Nam (VAI) cho biết, ở lần đầu tiên chào bán tài sản bảo đảm/khoản nợ, thông thường ngân hàng đưa mức giá tương đương mức định giá của tài sản/khoản nợ, nếu đấu giá không thành công thì sẽ tiếp tục giảm giá ở những lần sau. Việc đấu giá tài sản bảo đảm gặp khó khăn do nhiều yếu tố. Trong đó, bất động sản riêng lẻ thường ít nhận được sự quan tâm của người mua sử dụng trực tiếp do lo ngại tài sản có lý lịch xấu. Bất động sản phát triển dự án thường có hồ sơ pháp lý chưa đầy đủ hoặc chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất đai cũng khiến nhiều người e ngại.

Theo số liệu mới nhất từ Ngân hàng Nhà nước, đến tháng 7/2023, tỷ lệ nợ xấu nội bảng ở mức 3,56%, cao hơn mức 2% cuối năm 2022 và mức 1,69% cuối năm 2020. Tỷ lệ nợ xấu nội bảng, nợ bán mà Công ty TNHH MTV Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (TCTD) Việt Nam chưa xử lý và nợ tiềm ẩn của hệ thống các TCTD ở mức 6,16% so với tổng dư nợ. Việc xử lý nợ xấu thời gian qua gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, ý thức trả nợ của một bộ phận khách hàng còn thấp, thiếu chủ động, không hợp tác, chây ì, chống đối trong việc trả nợ và bàn giao tài sản bảo đảm khiến quá trình thu hồi, xử lý nợ xấu của TCTD kéo dài và kém hiệu quả.

Tin cùng chuyên mục