Trong bối cảnh nền kinh tế phục hồi tích cực sau dịch, nhu cầu tín dụng tăng nhanh đang khiến các ngân hàng cần nhiều vốn hơn để đáp ứng. Bên cạnh việc tăng lãi suất huy động để thu hút nguồn tiền nhàn rỗi từ cư dân, các nhà băng cũng liên tục phải đẩy mạnh công tác xử lý nợ xấu thông qua bán đấu giá khoản nợ và tài sản đảm bảo.
Thậm chí, nhiều nhà băng chấp nhận mất toàn bộ tiền lãi trong các khoản nợ, chỉ để thu hồi nợ gốc. Tuy nhiên, những khoản nợ giá trị lớn đang khiến các ngân hàng gặp khó dù đã hạ giá nhiều lần.
BIDV đại hạ giá khoản nợ nghìn tỷ
Mới đây, BIDV lần thứ 11 mang khoản nợ nghìn tỷ phát sinh tại Công ty TNHH Ngọc Linh ra bán đấu giá.
Theo đó, khoản nợ tính đến ngày 30/4 có tổng dư nợ 2.198,4 tỷ đồng và hơn 20 triệu USD (khoảng 463 tỷ đồng). Trong đó, dư nợ gốc là 1.110 tỷ đồng và 11,8 triệu USD, dư nợ lãi, phí phạt là hơn 1.088 tỷ đồng và 8,1 triệu USD.
Trong lần đầu rao bán vào cuối năm 2020, BIDV đưa ra giá khởi điểm lên tới 2.100 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau 10 lần bán bất thành, Ngân hàng đã chấp nhận đại hạ giá gần một nửa xuống còn 1.154 tỷ đồng. Điều này đồng nghĩa với việc BIDV chấp nhận bỏ hơn 1.000 tỷ đồng tiền lãi phát sinh trong khoản vay này để thu hồi nợ gốc.
Đáng chú ý, dù ế ẩm nhưng khoản vay này lại có tài sản đảm bảo rất đa dạng, từ bất động sản, phương tiện di chuyển, cho tới máy móc thiết bị…
Cụ thể, khoản nợ trên được bảo đảm bằng Nhà máy Điện phân chì kẽm Bắc Kạn tại thôn Bản Cuôn 2, xã Ngọc Phái, huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn với diện tích gần 64,4 ha. Tất cả công trình bên trong dự án đều được tính là tài sản đảm bảo, bao gồm nhà máy, các tòa nhà, mỏ nguyên liệu, bất động sản gắn liền với đất và các phương tiện, máy móc, thiết bị...
Một công trình nằm trong Dự án Nhà máy Điện phân chì kẽm Bắc Kạn đang được BIDV rao bán |
Bên cạnh đó, khoản vay còn có tài sản đảm bảo là 1 xe Lexus LS 460 đời 2007; quyền khai thác mỏ chì kẽm Bó Liều (huyện Chợ Đồn, Bắc Kạn); 14.500 m2 đất tại xã Lạc Hồng, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên; nhà đất tại số 381 Giải Phóng, phường Phương Liệt, quận Thanh Xuân, Hà Nội.
Không riêng khoản nợ nghìn tỷ này, trước đó, BIDV cũng nhiều lần bán đấu giá khoản nợ 1.035,5 tỷ đồng của Công ty CP Tập đoàn Khải Vy nhưng đều không thành công.
Khoản nợ này cũng có tài sản đảm bảo là hàng loạt bất động sản giá trị như Trung tâm hội nghị tiệc cưới, khách sạn Crystal Palace (số 13 Nguyễn Lương Bằng, Quận 7, TP.HCM); 367 ha rừng tại Lâm trường Đắk Hà (huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông); hơn 8,7 triệu cổ phần Công ty CP Hòn Tằm biển Nha Trang (chủ đầu tư Dự án Resort Hòn Tằm 114 ha); 2 nhà máy sản xuất đồ gỗ và máy móc đi kèm tại Khu công nghiệp Long Mỹ (TP. Quy Nhơn)…
Khoản nợ này đã được rao bán nhiều lần, giảm giá liên tục nhưng thường xuyên rơi vào tình trạng không có nhà đầu tư quan tâm. Trong lần thứ 7 rao bán, Ngân hàng đưa ra giá khởi điểm là 624 tỷ đồng, thấp hơn 40% số dư nợ gốc và giá khởi điểm trong lần rao bán đầu tiên.
Ngân hàng chỉ mong thu hồi nợ gốc
Không riêng BIDV, Agribank cũng nhiều lần rao bán khoản nợ của Nông trường Sông Hậu (TP. Cần Thơ) bất thành.
Khoản vay này có tổng dư nợ đến 30/3/2021 là 349 tỷ đồng, bao gồm 97 tỷ đồng nợ gốc. Sau nhiều lần rao bán không thành, giá khởi điểm đã giảm từ 349 tỷ xuống 99 tỷ đồng, giảm gần 72%.
Đáng chú ý, khoản nợ cũng có tài sản đảm bảo là hàng loạt bất động sản thuộc sở hữu của Nông trường Sông Hậu tại TP. Cần Thơ.
Tương tự, VietinBank mới đây cũng lần thứ 5 rao bán khoản nợ của Công ty TNHH Lợi Nguyên. Trong đó, tổng dư nợ của khoản vay này là hơn 66 tỷ đồng, gồm 21 tỷ nợ gốc, còn lại là nợ lãi và phí phạt. Tài sản đảm bảo cho khoản vay là một loạt bất động sản tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, quyền khai thác mỏ đá và một số máy móc, dây chuyền nghiền đá...
Tòa nhà PV Gas Tower nơi Vietcombank đang rao bán 20% vốn góp của Tổng công ty Tư vấn Thiết kế Dầu khí (PV Engineering) để thu hồi nợ |
Trong lần rao bán đầu tiên hồi tháng 4, VietinBank ra giá khởi điểm là 66 tỷ đồng, tuy nhiên, giá khởi điểm khoản nợ đã giảm nhanh trong các lần rao bán sau đó, đến lần thứ 5 chỉ còn 43 tỷ đồng, giảm 34%.
Vietcombank cũng đang rao bán đấu giá tài sản thế chấp của Công ty Tư vấn Thiết kế Dầu khí với giá khởi điểm 271 tỷ đồng để thu hồi nợ vay.
Tài sản bán đấu giá là 20% phần vốn góp của Tổng công ty Tư vấn Thiết kế Dầu khí (PV Engineering) trong dự án cao ốc văn phòng Dragon Tower (nay là tòa nhà PV Gas Tower) tại TP.HCM.
Trước đó, Vietcombank từng nhiều lần rao bán khoản nợ liên quan dự án này nhưng đều bất thành. Gần nhất, Ngân hàng rao bán với giá khởi điểm hơn 340 tỷ đồng.
Kế toán trưởng một ngân hàng thương mại lớn tại Hà Nội cho biết, với những khoản nợ xấu giá trị vài nghìn tỷ, việc đưa ra giá khởi điểm bằng tổng dư nợ (gốc và lãi) chỉ mang tính thủ tục, bởi thực tế đã là nợ xấu thì khách hàng không còn khả năng trả nợ.
Tuy nhiên, ngân hàng không được phép bán rẻ các khoản nợ mà phải giảm giá dần theo nguyên tắc và đảm bảo không thấp hơn giá trị nợ gốc.
Vị này cho biết, trường hợp thu hồi được nợ gốc đã là thành công với ngân hàng. Nguyên nhân vì các khoản nợ này đều đã được trích lập dự phòng theo nhóm nợ. Trường hợp thu hồi được nợ gốc, ngân hàng vừa có nguồn tiền từ số nợ thu hồi được để mang đi cho vay mới vừa có nguồn thu từ hoàn nhập dự phòng với khoản nợ xấu đó.
“Tuy nhiên, việc thanh lý các khoản nợ giá trị lớn vài nghìn tỷ đồng rất khó. Đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 vừa mới qua đi, các doanh nghiệp đều không có nhiều vốn nhàn rỗi để tham gia cơ cấu các khoản nợ do ngân hàng thanh lý”, vị kế toán trưởng chia sẻ.