Ngành công nghiệp điện tử Việt Nam: Bài toán gia tăng giá trị

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Công nghiệp điện tử là ngành sản xuất có vị trí then chốt trong nền kinh tế, chiếm tỷ trọng khoảng 18% toàn ngành công nghiệp và ngày càng đóng vai trò quan trọng trong sản xuất công nghiệp và xuất khẩu. Tuy nhiên, để gia tăng giá trị của ngành, vẫn còn nhiều việc phải làm!
Hàng chục triệu sản phẩm thiết bị điện tử cho hộ gia đình đã được các kỹ sư của VNPT nghiên cứu, thiết kế và được sản xuất tại nhà máy của VNPT
Hàng chục triệu sản phẩm thiết bị điện tử cho hộ gia đình đã được các kỹ sư của VNPT nghiên cứu, thiết kế và được sản xuất tại nhà máy của VNPT

Bức tranh đa màu sắc

Ngành công nghiệp điện tử của Việt Nam hình thành chậm nhưng có tốc độ tăng trưởng khá nhanh và dự báo tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng cao trên 20% những năm tiếp theo. Tỷ trọng đóng góp cho nền kinh tế đang nghiêng về các doanh nghiệp (DN) đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), vai trò của DN trong nước còn khiêm tốn. Phần lớn các DN tham gia ở các công đoạn gia công lắp ráp, sản xuất tích hợp sản phẩm, vốn có tỷ trọng giá trị gia tăng thấp trong chuỗi giá trị công nghiệp điện tử, chủ yếu đóng góp giá trị nhân công trong quá trình sản xuất.

Bên cạnh sản xuất thiết bị máy tính, thiết bị viễn thông, thiết bị điện tử dân dụng và thiết bị gia dụng, Việt Nam đã có doanh nghiệp sản xuất và cung cấp linh phụ kiện phục vụ sản xuất công nghiệp điện tử, tuy nhiên mới chỉ đáp ứng được các phụ kiện giá trị gia tăng thấp, các chi tiết, bán thành phẩm phục vụ gia công lắp ráp như sản phẩm nhựa, thủy tinh, dây cáp, bao bì…

Một vài DN trong nước như Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT), Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) đã đầu tư xây dựng đội ngũ và triển khai hoạt động nghiên cứu phát triển, thiết kế và phát triển sản phẩm, đồng thời triển khai nhà máy sản xuất các thiết bị điện tử. Tuy nhiên các sản phẩm này chưa vươn ra cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Để mở rộng quy mô, tạo sức cạnh tranh trên thị trường, bên cạnh việc nghiên cứu, thiết kế, làm chủ công nghệ tạo lợi thế khác biệt của sản phẩm, nhiều chuyên gia cho rằng, các DN cần đầu tư xây dựng đội ngũ nghiên cứu phát triển chuyên sâu và quy mô sản xuất đủ để đảm nhận đặt hàng sản phẩm của các đối tác thương mại quốc tế, trở thành các nhà sản xuất thiết kế gốc (ODM)/sản xuất thiết bị gốc (OEM).

Ngoài ra, cần xây dựng và phát triển cộng đồng DN sản xuất linh kiện điện tử nhằm tạo hệ sinh thái và chuỗi cung ứng sản xuất công nghệ, giảm lệ thuộc vào nhập khẩu linh kiện, khi đó sẽ nâng cao niềm tin, giảm thiểu rủi ro trong triển khai các đơn đặt hàng.

Hướng đi nào gia tăng giá trị ngành công nghiệp điện tử?

Người Việt Nam được đánh giá là thông minh, chăm chỉ. Rất nhiều người Việt, các chuyên gia Việt Nam đang làm việc trong các hãng công nghệ hàng đầu cũng như tại các trường đại học nổi tiếng, có uy tín trong lĩnh vực khoa học công nghệ quốc tế. Tuy nhiên ở trong nước rất khan hiếm nhân lực có đủ năng lực tham gia và đảm nhận các công đoạn mang lại giá trị gia tăng cao; thiếu đội ngũ kỹ sư có thể xây dựng sản phẩm mới, xây dựng kiến trúc sản phẩm, thiết kế sản phẩm.

Đầu tư thích đáng cho các hoạt động đổi mới sáng tạo, nghiên cứu phát triển, từ các trường đại học, các tổ chức nghiên cứu khoa học công nghệ, đến các DN kỹ thuật, công nghệ trong các lĩnh vực liên quan là một quyết sách chiến lược. Trên cơ sở đó mới có thể xây dựng được đội ngũ nghiên cứu phát triển đủ mạnh cả về năng lực lẫn quy mô, tạo ra các phát minh sáng chế công nghệ, góp phần phát triển nền công nghiệp công nghệ điện tử có giá trị gia tăng cao.

Hiện nay, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, và các bộ, ngành rất tích cực thúc đẩy đổi mới sáng tạo, đầu tư phát triển công nghiệp công nghệ bán dẫn trong nước với mong muốn xây dựng và phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, thiết kế vi mạch tích hợp, tập trung xây dựng các trung tâm đổi mới sáng tạo, các trung tâm nghiên cứu phát triển, hình thành các DN thiết kế vi mạch tích hợp.

Song song đó, cần thu hút đầu tư và phát triển nhiều hơn nữa các DN thiết kế phát triển các thiết bị điện tử bên cạnh DN sản xuất thiết bị điện tử, phát triển các DN này thành các nhà ODM/OEM trong lĩnh vực công nghiệp công nghệ điện tử. Đây sẽ là các trung tâm thu hút và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao về thiết kế vi mạch bán dẫn, thiết kế điện tử, phát triển phần mềm hệ thống, phần mềm nhúng cho các vi mạch, bộ vi xử lý, SoC… Chỉ khi đó mới xây dựng được hệ sinh thái thiết kế, phát triển các vi mạch bán dẫn, thiết kế phát triển và sản xuất các thiết bị điện tử.

Để có được các IC Design House (trung tâm hỗ trợ thiết kế và đo kiểm vi mạch quốc gia) trong lĩnh vực công nghệ bán dẫn, cũng như các ODM/OEM trong lĩnh vực công nghiệp công nghệ điện tử, các bên liên quan cần xây dựng, xác định mục tiêu dài hạn, xây dựng và kiên định triển khai các chiến lược tương ứng.

VNPT nỗ lực phát triển công nghiệp điện tử

Kinh nghiệm cho thấy, thế giới càng toàn cầu hóa, thì vấn đề độc lập, tự chủ đối với mỗi quốc gia, dân tộc càng nổi lên như một nhiệm vụ cấp thiết. Trong thời đại bùng nổ công nghệ hiện nay, độc lập, tự chủ của quốc gia, dân tộc còn bao gồm độc lập, tự chủ trên không gian mạng. Ở đó, ranh giới vật lý bị xóa nhòa, sự tự chủ về công nghệ, về các sản phẩm chi phối và quyết định sự độc lập, tự chủ của mỗi quốc gia, dân tộc.

VNPT với bề dày lịch sử nghiên cứu phát triển và sản xuất các thiết bị trong lĩnh vực viễn thông đang tiếp tục phát huy, đóng góp vào nền sản xuất của đất nước. Nhà máy Thiết bị bưu điện hình thành từ năm 1954 tiếp tục phát triển trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ những năm qua. Viện Khoa học kỹ thuật Bưu điện thành lập và phát triển từ năm 1966, liên doanh với các hãng sản xuất thiết bị viễn thông như Alcatel CIT, Siemens, LG, NEC, Fujitsu… mang lại nhiều thành quả. Trong giai đoạn hội nhập toàn cầu, VNPT đã chủ động chuyển dịch, điều chỉnh hợp tác với các nhà sản xuất trong các liên doanh, chuyển từ các đối tác hợp tác trong các liên doanh thành các đối tác kinh doanh phát triển thị trường. Bằng cách đó, VNPT đã xây dựng và triển khai chiến lược kế thừa thành quả của thời kỳ liên doanh, hợp tác với các hãng công nghệ nguồn, xây dựng đội ngũ làm chủ công nghệ thiết kế và sản xuất sản phẩm.

Hàng chục triệu sản phẩm thiết bị điện tử cho hộ gia đình đã được các kỹ sư của VNPT nghiên cứu, thiết kế và được sản xuất tại nhà máy của VNPT, cung cấp ra thị trường trong nước, thay thế hoàn toàn các sản phẩm nhập khẩu, đồng thời xuất khẩu sang các thị trường khu vực, từng bước đưa sản phẩm Việt ra thị trường quốc tế.

Song song với đó, VNPT đã triển khai hợp tác trong vai trò nhà sản xuất ODM/OEM với các đối tác quốc tế để thiết kế và sản xuất, tham gia vào cộng đồng các nhà sản xuất ODM/OEM trong khu vực cung cấp hàng chục triệu thiết bị đến các thị trường quốc tế những năm gần đây.

Bằng việc triển khai đồng thời các bước đi chiến lược, VNPT tự tin xây dựng trở thành một nhà sản xuất thiết bị điện tử, một ODM/OEM tin cậy của các đối tác thương mại quốc tế, là đối tác tin tưởng của các hãng công nghệ nguồn, các nhà sản xuất lớn.

Bên cạnh đầu tư phát triển lĩnh vực sản xuất công nghiệp công nghệ điện tử, VNPT đang tích cực hợp tác cùng các trường đại học trong và ngoài nước, các trung tâm đổi mới sáng tạo của các nước phát triển để xây dựng và phát triển đội ngũ kỹ sư, từng bước hình thành và tham gia vào lĩnh vực công nghệ bán dẫn, góp phần xây dựng VNPT thành tập đoàn công nghệ hàng đầu khu vực, hiện thực hóa chiến lược phát triển đến năm 2030.

Tin cùng chuyên mục