Ngành sản xuất ASEAN khởi đầu năm 2025 với tốc độ tăng trưởng chậm hơn

0:00 / 0:00
0:00

(BĐT) - Theo S&P Global, ngành sản xuất khu vực ASEAN có mức tăng trưởng nhẹ vào đầu năm 2025. Động lực tăng trưởng của cả sản lượng và số lượng đơn đặt hàng mới yếu đi khiến hoạt động mua hàng chỉ tăng nhẹ và hạn chế. Ở một khía cạnh tích cực, sau 2 tháng sụt giảm, tình hình việc làm đã ổn định. Ngoài ra, áp lực giá cả tiếp tục giảm khi chi phí hoạt động và giá cả đầu ra tăng với tốc độ thấp nhất trong lần lượt 18 tháng và 4 tháng.

Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) ngành sản xuất ASEAN đạt 50,4 điểm trong tháng 1/2025, giảm so với 50,7 điểm của tháng 12/2024 và là mức thấp nhất trong gần 1 năm.

Báo cáo của S&P Global cho biết, sự cải thiện về điều kiện hoạt động được thể hiện qua mức tăng nhẹ của khối lượng đơn đặt hàng và sản lượng. Trong bối cảnh nhu cầu sản xuất đã chậm lại một chút, hoạt động mua hàng hóa đầu vào của các nhà sản xuất khu vực ASEAN tăng với tốc độ thấp hơn trong tháng 1/2025.

Tuy nhiên, lượng công việc tồn đọng tiếp tục tăng, từ đó cho thấy áp lực đối với công suất đang tăng. Lần tăng thứ mười một liên tiếp của lượng công việc tồn đọng này là mức tăng mạnh nhất kể từ tháng 9/2024. Các nhà sản xuất cũng ghi nhận một sự thay đổi nhỏ trong hoạt động tuyển dụng sau khi có sự cắt giảm nhẹ trong tháng 11 và tháng 12/2024.

Theo S&P Global, các công ty giảm nhẹ tồn kho hàng mua và hàng thành phẩm để đáp ứng nhu cầu sản xuất trong bối cảnh nhiều thách thức về nguồn cung đang diễn ra. Hiệu suất hoạt động của người bán hàng giảm tháng thứ chín liên tiếp trong tháng 1/2025, mặc dù mức giảm này là ít nghiêm trọng nhất trong 6 tháng.

Dữ liệu tháng 1 cho thấy áp lực lạm phát tiếp tục giảm. Tốc độ tăng giá đầu vào chậm lại tháng thứ hai liên tiếp, đánh dấu mức tăng chi phí hoạt động yếu nhất kể từ tháng 7/2023. Mức tăng giá cả đầu ra cũng giảm khi chỉ tăng khiêm tốn và với tốc độ yếu nhất trong 4 tháng.

Cuối cùng, niềm tin kinh doanh của các nhà sản xuất ASEAN hầu như không thay đổi so với tháng 12/2024. Trong khi các công ty dự đoán sản lượng sẽ tăng trong 12 tháng tới, sự lạc quan vẫn giảm so với dữ liệu lịch sử.

"Đầu năm 2025, ngành sản xuất ASEAN ghi nhận mức tăng trưởng khiêm tốn tháng thứ mười ba liên tiếp, dù cho mức cải thiện kỳ này là chậm nhất kể từ tháng 2/2024. Số lượng đơn đặt hàng mới và sản lượng tăng chậm hơn, thị trường xuất khẩu tiếp tục kìm hãm mức tăng tổng số lượng đơn đặt hàng mới. Ở khía cạnh tích cực, áp lực lạm phát đã giảm bớt và sau 2 tháng cắt giảm việc làm, tháng 1/2025 đã ghi nhận mức tăng nhẹ của số lượng nhân công”, Maryam Baluch, chuyên gia kinh tế tại S&P Global Market Intelligence nhận xét.

Tin cùng chuyên mục