Ảnh Internet |
Theo Bloomberg, Bắc Kinh vẫn chưa tìm ra giải pháp đột phá cho khủng hoảng bất động sản, đồng thời chưa có sự bùng nổ trong chi tiêu cho cơ sở hạ tầng - vốn là động lực chính tiêu thụ thép. Trong khi giới chức Trung Quốc đang hướng tới thúc đẩy tiêu dùng nội địa và phát triển công nghệ cao, nhu cầu thép lại có dấu hiệu giảm mạnh trong năm nay.
"Triển vọng ngành thép không mấy sáng sủa và thị trường bất động sản tại Trung Quốc còn phải đối mặt với nhiều khó khăn trong những năm tới", Tomas Gutierrez, nhà phân tích tại Kallanish Commodities Ltd nhận định.
Sự suy giảm của thị trường thép Trung Quốc đang gây ảnh hưởng toàn cầu, với giá quặng sắt giảm mạnh và tình trạng xuất khẩu thép gia tăng của quốc gia này dẫn đến căng thẳng thương mại.
Dưới đây là 4 vấn đề cho thấy sự ảm đạm của ngành thép Trung Quốc, theo Bloomberg.
Nhu cầu lao dốc
Nguyên nhân chính của tình trạng này là sự suy giảm kéo dài của thị trường bất động sản Trung Quốc. Theo Kallanish, nhu cầu thép từ lĩnh vực xây dựng dự kiến giảm 10% trong năm nay, khiến tỷ trọng của ngành này trong tổng tiêu thụ thép giảm xuống còn khoảng 25% - một mức rất thấp so với 2 thập kỷ qua.
Mặc dù các lĩnh vực khác như điện tử tiêu dùng và đóng tàu vẫn đang tăng trưởng, nhưng quy mô của chúng quá nhỏ để bù đắp cho sự sụt giảm từ bất động sản. Kallanish dự báo, nhu cầu nội địa tổng thể sẽ giảm 1% trong năm 2024.
"Nhu cầu thép rất yếu. Với việc các tỉnh nợ nhiều tập trung giảm nợ và thiếu hụt các dự án tốt, đầu tư cơ sở hạ tầng không đạt được như kỳ vọng", Wei Ying, nhà phân tích tại China Industrial Futures Ltd cho biết.
Giá thép sụt giảm
Nhu cầu lao dốc đã dẫn đến sự sụt giảm giá thép trong những tháng gần đây. Giá thép thanh vằn dùng trong xây dựng ở mức thấp nhất kể từ năm 2017, trong khi cuộn thép cán nóng dùng trong sản xuất ô tô và đồ gia dụng đạt mức thấp nhất trong 4 năm. Nhiều nhà sản xuất có chi phí cao đang lỗ trên mỗi tấn thép được sản xuất.
Một số yếu tố khác cũng tác động tiêu cực đến giá thép. Chính phủ đang áp dụng các tiêu chuẩn chất lượng mới cho thép thanh vằn, gây khó khăn cho việc vận chuyển hàng tồn kho hiện tại. Điều này đã dẫn đến tình trạng bán tháo trước khi các quy định mới có hiệu lực vào tháng 9, theo nghiên cứu của Mysteel Global.
Ảnh hưởng tới ngành thép toàn cầu
ArcelorMittal SA - nhà sản xuất thép lớn nhất ngoài Trung Quốc - cho biết, hoạt động xuất khẩu "tăng mạnh" của Trung Quốc đang gây ra nhiều khó khăn cho ngành thép toàn cầu, đẩy giá thép ở Mỹ và châu Âu xuống dưới giá thành sản xuất. Xuất khẩu thép của Trung Quốc đang ở mức cao nhất kể từ năm 2016.
Nguồn: Bloomberg |
Tác động đến giá nguyên vật liệu
Sự suy giảm của ngành thép đã tác động đến giá quặng sắt trong năm nay, ảnh hưởng đến lợi nhuận của các "ông lớn" khai khoáng như BHP Group Ltd và Rio Tinto Group. Giá quặng sắt trên hợp đồng tương lai ở Singapore đã giảm gần 30% kể từ cuối năm 2023 và giao dịch dưới mức 100 USD/tấn vào hôm 8/8.
Tồn kho quặng sắt tại cảng thường giảm vào giữa năm, nhưng thay vào đó, nó đã tăng lên hàng tháng trong năm 2024 lên hơn 150 triệu tấn. Điều này sẽ gây áp lực lên giá quặng sắt, đặc biệt khi áp lực giảm sản lượng thép gia tăng, bao gồm cả từ chính phủ nhằm hạn chế phát thải.
"Một số nhà sản xuất gần đây đã cắt giảm sản lượng mạnh mẽ, giúp cân bằng cung và cầu. Tuy nhiên, nhìn về tương lai, khó có thể thấy nhu cầu được hỗ trợ trừ khi có các biện pháp kích thích mới", Vicky Wei, nhà phân tích trưởng về sắt thép tại Horizon Insights cho biết.