Ngày 15/2, Quốc hội thảo luận Đề án bổ sung về phát triển kinh tế - xã hội năm 2025

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Ngày 15/2, Quốc hội tiếp tục ngày làm việc thứ tư tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn. Quốc hội thảo luận về Dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương; Đề án bổ sung về phát triển kinh tế - xã hội năm 2025; chủ trương đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng.
Quốc hội thảo luận Đề án bổ sung về phát triển kinh tế - xã hội năm 2025
Quốc hội thảo luận Đề án bổ sung về phát triển kinh tế - xã hội năm 2025

Buổi sáng, tại nội dung thứ nhất, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Quốc hội thảo luận ở hội trường về Dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi).

Tại phiên thảo luận, có 19 lượt đại biểu Quốc hội phát biểu ý kiến, 1 đại biểu Quốc hội tranh luận.

Các ý kiến đại biểu cơ bản tán thành sự cần thiết sửa đổi Luật Tổ chức chính quyền địa phương và nhiều nội dung trong Tờ trình của Chính phủ, Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội.

Tổng Bí thư Tô Lâm trao đổi cùng Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại phiên họp
Tổng Bí thư Tô Lâm trao đổi cùng Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại phiên họp

Bên cạnh đó, nhằm góp phần hoàn thiện Dự thảo Luật, các đại biểu đã tập trung thảo luận về các nội dung: đơn vị hành chính, phân loại đơn vị hành chính và phân định đơn vị hành chính thuộc khu vực miền núi, vùng cao, hải đảo;

Nguyên tắc tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương; nguyên tắc tổ chức đơn vị hành chính và điều kiện thành lập, giải thể, nhập, chia đơn vị hành chính, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính; hội đồng nhân dân; ủy ban nhân dân; quan hệ công tác giữa chính quyền địa phương với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội ở địa phương…

Kết thúc thảo luận, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.

Các đại biểu tại phiên họp

Các đại biểu tại phiên họp

Sang nội dung thứ hai, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội nghe Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng trình bày Tờ trình và Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy trình bày Báo cáo thẩm tra Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số chính sách để tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Sau đó, Quốc hội thảo luận ở tổ về nội dung này.

Buổi chiều, tại nội dung thứ nhất, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội thảo luận ở hội trường về Đề án bổ sung về phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên.

Tại phiên thảo luận có 13 lượt đại biểu Quốc hội phát biểu ý kiến

Tại phiên thảo luận có 13 lượt đại biểu Quốc hội phát biểu ý kiến

Tại phiên thảo luận có 13 lượt đại biểu Quốc hội phát biểu ý kiến. Các ý kiến đại biểu cho rằng, việc trình Quốc hội điều chỉnh tăng mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2025 từ 8% trở lên thể hiện quyết tâm, nỗ lực của Chính phủ trong việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025, góp phần củng cố, tạo nền tảng vững chắc để đạt tăng trưởng 2 con số trong thời gian đủ dài, đưa đất nước bước vào kỷ nguyên phát triển thịnh vượng.

Bên cạnh đó, các đại biểu tập trung thảo luận về các nội dung: căn cứ, sự cần thiết xây dựng Đề án; đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; bối cảnh, tình hình, khó khăn, thách thức; yêu cầu tăng trưởng năm 2025; kịch bản tăng trưởng đạt 8% trở lên năm 2025; điều kiện để thực hiện kịch bản tăng trưởng đạt 8% trở lên.

Quang cảnh phiên thảo luận

Quang cảnh phiên thảo luận

Về nhiệm vụ và giải pháp, các ý kiến đại biểu cơ bản đồng tình với nhóm nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu đã nêu trong Tờ trình của Chính phủ, Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội.

Ngoài ra, các ý kiến đại biểu đề nghị cần có giải pháp đối với các dự án tồn đọng, ban hành gói hỗ trợ nhằm khơi thông các nguồn lực; quan tâm, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; xây dựng chỉ tiêu đánh giá năng lực của cán bộ, công chức để có chế độ, chính sách phù hợp; xây dựng lộ trình cải cách tiền lương; có cơ chế, chính sách đặc thù đối với những địa phương có thế mạnh riêng; giao chỉ tiêu tăng trưởng cho các địa phương; có chính sách thu hút vốn đầu tư nước ngoài; tăng nguồn lực đầu tư ở cả khu vực công và khu vực tư nhân; phát triển kinh tế phải bảo đảm giữ vững quốc phòng, an ninh.

Kết thúc thảo luận, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu

Sang nội dung thứ hai, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội thảo luận ở hội trường về chủ trương đầu tư Dự án Đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng; Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt để phát triển hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị tại TP. Hà Nội, TP.HCM.

Tại phiên thảo luận có 5 đại biểu Quốc hội phát biểu ý kiến.

Về chủ trương đầu tư Dự án Đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, các ý kiến đại biểu cơ bản thống nhất với sự cần thiết thông qua chủ trương đầu tư xây dựng tuyến đường sắt này, coi đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng, vừa cấp bách vừa chiến lược, đòi hỏi sự quyết tâm rất lớn để sớm khởi công và hoàn thành đưa vào khai thác.

Bên cạnh đó, các đại biểu đã tập trung thảo luận về phạm vi, quy mô, hình thức đầu tư; thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư; sơ bộ tổng mức đầu tư và nguồn vốn; tiến độ thực hiện; các cơ chế, chính sách đặc thù; công nghệ để triển khai Dự án.

Về Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt để phát triển hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị tại TP. Hà Nội, TP.HCM, các ý kiến đại biểu cho rằng, việc xây dựng và ban hành Nghị quyết là rất cần thiết và cấp bách để giải quyết “điểm nghẽn” về thể chế, góp phần thực hiện mục tiêu đầu tư hoàn thành mạng lưới đường sắt đô thị tại hai thành phố.

Bên cạnh đó, các đại biểu đã tập trung thảo luận về các nội dung: giải thích từ ngữ; huy động nguồn vốn; trình tự, thủ tục thực hiện đầu tư; phát triển công nghiệp đường sắt, chuyển giao công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực; vấn đề kết nối hệ thống toàn tuyến đường sắt đô thị; chính sách về vật liệu xây dựng và bãi đổ thải; tổ chức thực hiện.

Kết thúc thảo luận, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Trần Hồng Minh phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Trần Hồng Minh phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Trần Hồng Minh phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu

Ngày 17/2/2025 (thứ Hai), buổi sáng, Quốc hội thảo luận ở hội trường về Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số chính sách để tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; các cơ chế, chính sách đặc thù đầu tư xây dựng Dự án Điện hạt nhân Ninh Thuận; Quốc hội họp riêng, nghe Tờ trình, Báo cáo thẩm tra một số cơ chế, giải pháp cấp bách cần thiết để triển khai Dự án Cải tạo, sửa chữa, nâng cấp, xây mới trụ sở làm việc cơ quan Chủ tịch nước tại số 2 Lê Thạch, Hoàn Kiếm, Hà Nội và thảo luận ở hội trường về nội dung này.

Buổi chiều, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội; Quốc hội nghe Tờ trình, Báo cáo thẩm tra về phương án đầu tư bổ sung vốn điều lệ giai đoạn 2024 - 2026 của Công ty mẹ-Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) và thảo luận ở hội trường về nội dung này; Quốc hội họp riêng, nghe Tờ trình, Báo cáo thẩm tra về cơ cấu tổ chức của Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV; nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về cơ cấu số lượng thành viên Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV; sau đó thảo luận tại đoàn về các nội dung trên.

Tin cùng chuyên mục