Ngày 3/11, Quốc hội sẽ dành cả ngày thảo luận Luật Đất đai (sửa đổi) |
Vào đầu giờ phiên họp, Quốc hội sẽ nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).
Tiếp đó, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Cơ quan trình và cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.
Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) đã được Quốc hội cho ý kiến hai lần tại Kỳ họp thứ 4, thứ 5 và được tổ chức lấy ý kiến rộng rãi của các tầng lớp nhân dân, được Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ tổ chức họp nhiều lần để tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo và đã được đưa ra xin ý kiến tại Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách.
Về cơ bản, Dự án Luật đã được điều chỉnh, bổ sung và ngày càng hoàn thiện hơn, nhiều nội dung khó, mới, phức tạp từng bước được xác định cụ thể.
Tuy nhiên, hiện Dự án Luật vẫn còn một số nội dung, vấn đề quan trọng chưa được thống nhất, vẫn còn 2 phương án để các vị đại biểu Quốc hội tiếp tục cho ý kiến.
Tại phiên thảo luận tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ tập trung góp ý sâu vào những vấn đề lớn, trọng tâm hoặc còn ý kiến khác nhau được nêu trong báo cáo tiếp thu, giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Đối với các nội dung có thiết kế 2 phương án, Quốc hội tiếp tục phân tích rõ ưu, nhược điểm, tác động của từng phương án, xem xét khách quan, toàn diện để lựa chọn phương án tối ưu, đảm bảo chất lượng, tính ổn định, dài hạn của Luật khi được Quốc hội thông qua.
Trước đó, trong phiên họp ngày 2/11, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội làm việc tại Hội trường, thảo luận về: Đánh giá giữa nhiệm kỳ thực hiện Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025; Kế hoạch tài chính quốc gia và vay, trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021 - 2025. Tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2023, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2024.
Kết thúc phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.
Sau đó, Quốc hội nghe Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình bày Tờ trình về việc điều chỉnh Chương trình Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV.
Tiếp sau đó, Quốc hội thảo luận, biểu quyết thông qua Chương trình Kỳ họp được điều chỉnh, kết quả như sau: có 439 đại biểu tham gia biểu quyết (bằng 88,87% tổng số đại biểu Quốc hội), trong đó có 432 đại biểu tán thành (bằng 87,45% tổng số đại biểu Quốc hội); 3 đại biểu không tán thành (bằng 0,61% tổng số đại biểu Quốc hội); 4 đại biểu không biểu quyết (bằng 0,81% tổng số đại biểu Quốc hội).
Theo Chương trình được điều chỉnh, Kỳ họp sẽ bế mạc vào sáng 29/11/2023 (tăng 0,5 ngày làm việc); bổ sung 2 nội dung, gồm: trình Quốc hội xem xét, thông qua dự thảo Nghị quyết về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu; trình Quốc hội xem xét quyết định việc tiếp tục thực hiện giảm thuế giá trị gia tăng nhằm kịp thời hỗ trợ người dân, doanh nghiệp.
Buổi chiều, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội họp phiên toàn thể tại Hội trường, nghe: Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về Dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi); Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh trình bày Báo cáo thẩm tra Dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi).
Sau đó, Quốc hội thảo luận ở tổ về Dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi).