Ngày xuân kể cội nguồn của cồng chiêng

(BĐT) - Một ngày cuối năm 2007, biết tin ở Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam trên đường Nguyễn Văn Huyên, Hà Nội có cuộc trưng bày: “Chúng tôi ăn rừng; George Condominas ở Sar Luk”, tôi tìm đến liền.
Ngày xuân kể cội nguồn của cồng chiêng

Chả là trong 3 nội dung trên, thì tôi đã biết 2. “Chúng tôi ăn rừng”, tên một cuốn sách mà tôi đang có trong tay, do Nhà xuất bản Thế giới và Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam xuất bản năm 2003. “Sar Luk”, cái làng nhỏ chon von bên sườn núi cạnh sông Krông Nô hùng vĩ, tôi từng theo bộ đội làm cầu đường thuộc Sư đoàn 470 đến đó và được nghe câu chuyện cảm động về nhà dân tộc học Pháp. Chỉ còn một điều, đó là chưa được gặp George Condominas.

Hồi ức về người đầu tiên phát hiện ra đàn đá

Một lần tôi đến nhà của Nhà văn Nguyên Ngọc ở số 8 Lý Nam Đế, Hà Nội, đặt một bài viết về rừng với các dân tộc thiểu số Tây Nguyên mới biết Nhà văn có mối quan hệ khá thân thiết với Nhà dân tộc học Pháp George Condominas. Ông kể là, gần 30 năm trước lần đầu tiên ông được gặp George Condominas và hai người đã trò chuyện suốt một buổi chiều.

Tôi còn nhớ, đầu năm 1990, tôi đến làng Sar Luk, chuyến đi ngoài dự kiến trong một lần công tác. Con đường kết hợp kinh tế - quốc phòng do Sư đoàn 470, Binh đoàn Trường Sơn mở, chạy dưới chân núi Chư Yang Sin cao 2.406 mét, phía Nam tỉnh Đắk Lắk. Hôm đó vào đầu giờ chiều, Thượng úy Nam, một kỹ sư cầu đường trẻ của Sư đoàn 470 đứng giữa con đường đất đỏ au vừa được xe máy san ủi, bảo tôi: Chính tại chỗ này, 41 năm trước, đã có một phát hiện khảo cổ học chấn động thế giới, tìm thấy bộ đàn đá 3.000 năm tuổi! Tôi cứ nghĩ anh nói cho vui. Nhưng anh nhìn thẳng vào mắt tôi, như muốn hỏi lại: Nhà báo không tin ư? Rồi anh bảo, nếu muốn biết tường tận sự việc thì đến làng Sar Luk cách đây chục cây số.

Mấy hôm trước đến Buôn Ma Thuột, thủ phủ của tỉnh Đăk Lắk, tôi đã đi thăm bản Đôn của người Mnông có nghề săn và thuần dưỡng voi nổi tiếng. Sar Luk nhỏ hơn bản Đôn nhiều, còn nguyên nét hoang sơ.

Anh Nam giới thiệu tôi với Trưởng làng Y Oăn Rơ Tun, ông trạc 50 tuổi, rắn rỏi, nước da đồng hun. Ông có may mắn là người 41 năm về trước đã chứng kiến việc tìm thấy bộ đàn đá. Ông kể: “Lúc đó mình nhỏ tuổi thôi, theo các anh chị mở con đường chạy qua làng Nduk Liêng Krak mà lúc nãy anh và Nam đến đó. Có một mô đất lớn phải san phẳng đi, mọi người dùng cuốc xẻng đào bới. Bất ngờ lưỡi cuốc bị khựng lại. Vùng này thiếu gì đá ngầm. Nhưng bới đất chỗ đó, không phải đá tảng, mà là thanh đá màu xám, bên cạnh còn lộ các thanh khác. Bới được 11 thanh. Thanh ngắn nhất khoảng nửa mét, dài nhất hơn 1 mét; còn bề dầy từ 3 - 6 phân. May mà lưỡi cuốc không làm hư hại thanh đá. Mọi người bê từng thanh ra, cẩn thận phủi sạch đất, xếp thành hàng dài, mặt thanh nào cũng nhẵn bóng, cạnh thẳng tắp, hẳn nó đã được bàn tay của thần linh hay con người dày công mài dũa. Không ai biết các thanh đó dùng làm gì? Chỉ nghĩ, đây là vật cổ thiêng của người Chàm, nên gọi là “Mau Prun”, tức Đá Chàm. Sáng hôm sau, Yoo Condo từ làng Sar Luk được tin báo, đến liền.

Đúng 1 năm trước ngày tìm thấy những thanh đá Chàm lạ đó, mùa xuân năm 1948, Yoo Condo đến làng mình. Lúc đó mình đã 9 tuổi rồi, nên giờ vẫn nhớ rõ. Ông nở nụ cười rất lành khi đứng trước cửa nhà mình và nói với mẹ mình bằng tiếng Mnông Gar ngọng ngịu: Tôi người Pháp; thích dân tộc Mnông Gar, muốn ở lại đây”. Mẹ mình cười, gật đầu, đưa ông đến nhà già làng. Ông thành dân làng Sar Luk, chỉ không cà răng, căng tai thôi. Từ dạo đó gọi tên ông, có thêm “Yoo” - Yoo Codo, tức là người ở xa đến đã được coi như người nhà. Về sau mới biết, ông có dòng máu Việt chảy trong người: cha Pháp, mẹ Việt, thời nhỏ sống ở Việt Nam, lớn lên sang Paris học ngành Dân tộc học. Ông ở lại làng mình 2 năm, tìm hiểu mọi điều về cách sống của dân tộc mình.

Mình vẫn nhớ buổi sáng hôm đó ở Nduk Liêng Krak. Yoo Codo ào đến như một cơn gió, quỳ gối xuống bên các thanh đá, sờ ngắm hồi lâu. Rồi  ông bảo dựng từng thanh đá lên, lấy cái búa nhỏ trong túi ra gõ nhẹ, phát ra những tiếng nghe rất lạ tai, trong và vang. Ông gõ thử nhiều lần các thanh, lắng nghe, mỉm cười. Ông đang rất vui. Mấy ngày nữa, sau khi nói chuyện với già làng, với dân làng, ông xin phép được đóng các thanh đá vào hòm cẩn thận, gửi về Pháp để tìm hiểu xem là cái gì, dùng làm gì…

G. Condominas (bên trái) và nhà văn Nguyên Ngọc, tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, tháng 12 năm 2007

“Thổi hồn” cho đàn đá

Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam. Tôi đến khá sớm, nhưng phải chen mãi mới đến được gần vị khách nước ngoài mình đã ngưỡng mộ từ lâu. Đúng như tôi hình dung qua lời kể của Y Oăn Rơ Tun, nay đã là già làng Sar Luk, một ông Tây cao lớn, mặc bộ âu phục cũ vải mềm, hơi rộng, môi luôn nở nụ cười thân thiện. Giờ ông đã ngoài 80 tuổi, lưng hơi còng, song đôi mắt vẫn còn tinh anh, bước đi khá nhanh nhẹn. Đứng cạnh ông là người bạn lâu năm, cũng có tình yêu Tây Nguyên cháy bỏng như ông - Nhà văn Nguyên Ngọc. Ông cao lớn, Nhà văn thì thấp đậm, song mọi người đến dự cuộc trưng bày hôm đó đều biết, đó mới thực là một “cặp đôi hoàn hảo”.

Ông Giám đốc Bảo tàng khai mạc cuộc trưng bày, đã trân trọng giới thiệu về George Condominas, nhà dân tộc học lớn không chỉ của nước Pháp mà của cả thế giới. Cuộc đời và sự nghiệp hơn nửa thế kỷ cống hiến, tìm hiểu các phong tục tập quán của các bộ tộc Tây Nguyên đã nói lên điều đó. Đặc biệt, ông là người đầu tiên phát hiện bộ đàn đá ở Tây Nguyên 3.000 năm tuổi, vào loại nhạc cụ cổ nhất của thế giới mà đến nay đã tìm được…

Đến lượt Nhà văn Nguyên Ngọc phát biểu. Ông nói, rất may là bộ đàn đá G. Condominas phát hiện vào mùa xuân năm 1949, không phải là duy nhất. Sau ngày nước nhà thống nhất, người ta còn tìm được nhiều bộ đàn đá nữa ở Lâm Đồng, Ninh Thuận, Khánh Hòa, Đồng Nai và Sông Bé. Tức là trên một khu vực tương đối tập trung của Nam Tây Nguyên, Nam Trung Bộ và Đông Nam Bộ. Bộ đàn đá được tìm thấy gần đây nhất ở Đăk Kar, Tây Nguyên khiến ta đặc biệt chú ý, nó gồm có 3 thanh, hoàn toàn tương ứng với bộ chiêng ba nổi tiếng của người Mnông. Từ đó, qua nhiều nghiên cứu công phu, người ta nhận ra cấu trúc chính của tất cả các bộ đàn đá đều dựa trên nhóm cơ bản gồm 3 thanh, hoặc tiếp nối giữa hai nhóm 3 thanh tạo thành những bộ 6 thanh (như vậy bộ đàn đá tìm thấy ở Nduk Liêng Krak bị thiếu mất 1 thanh). Và cấu trúc này hoàn toàn phù hợp với cấu trúc phổ biến của những dàn chinh chiêng của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên.

Có một sợi chỉ đỏ xuyên suốt, từ những đàn đá nghìn năm đến những dàn cồng chiêng Tây Nguyên. Nhạc đá, qua hàng vài nghìn năm, đã chuyển sang nhạc đồng của cồng chiêng, vẫn giữ nguyên được cái hồn hoang dã, phóng khoáng mà con người sống trên cao nguyên thời xưa muốn gửi gắm vào đó. Và cồng chiêng Tây Nguyên đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới, trở thành của quý của toàn nhân loại. Những người am hiểu đều nhìn thấy một cách rõ ràng, đằng sau di sản bằng đồng đó còn bao hàm cả di sản bằng đá mà ta đã có rất nhiều bằng chứng trong tay.

Ngày 17/7/2011, nhà dân tộc học lớn người Pháp qua đời. Già làng Y Oăn Rơ Tun biết được tin dữ, đã xúc động nói: Yoo Condo là người Mnông Gar. Ta rất muốn làm lễ bỏ mả cho ông ấy!                                                    

Tin cùng chuyên mục