Ngày xuân tản mạn chuyện kinh doanh tâm linh

(BĐT) - Cuối xuân năm trước, tôi được cấp trên điều về phụ trách một đơn vị sự nghiệp nhà nước đang ngập trong bết bát, khó khăn. 
Ngày xuân tản mạn chuyện kinh doanh tâm linh

Những ngày đầu phải đánh vật với đám giấy tờ, sổ sách bàn giao từ thời giám đốc cũ, số liệu chỗ trật, chỗ khớp như đánh đố, lại phải làm quen với rất nhiều thuật ngữ mới của lĩnh vực kinh doanh chuyên ngành. Đang từ nghề cũ có phần phóng khoáng, tung tẩy, bất ngờ rẽ ngoắt sang lĩnh vực mới với không ít ngóc ngách, nhiều khái niệm lần đầu tiếp cận cứ như học trò tiếp nhận những con chữ đầu tiên I, T.

Một buổi sáng, đang ngán ngẩm nghe ông kế toán “tố” phòng kinh doanh dùng “chiêu” tính tăng chi phí để “rút ruột” công quỹ thì chiếc điện thoại ring reng đổ chuông. Đầu máy bên kia, giọng một cô gái cất lên trong veo: “Chú ơi, con báo với chú một tin vui, chú vinh dự được lựa chọn là một trong 200 doanh nhân tiêu biểu về dâng hương ở chùa X xuân này. Con thông báo ngày, giờ để chú đến, sẽ có xe của Ban tổ chức đưa đón, sắp xếp, tiền chi phí ăn ở chỉ phải đóng 2 triệu, còn lại Ban tổ chức hỗ trợ. Đây là sự kiện đặc biệt, rất tốt cho chú và công ty ta, chú nhớ tham gia chú nhé”.

Một thoáng băn khoăn tự hỏi, mình mới gắn cái mác Giám đốc được vài tuần mà đã trở thành “doanh nhân tiêu biểu” nhanh đến thế sao? Lại được mời hành hương, vãn cảnh, lễ Phật đầu năm đầy trọng thị, hoá ra trở thành doanh nhân với mình đâu chỉ có gian khó, nhọc nhằn! Đúng rồi, giờ chẳng phải là thời cả xã hội trọng vọng, tôn vinh doanh nhân là gì? Vậy là tặc lưỡi, vứt béng đám chứng từ sổ sách với tồn kho, công nợ đi hưởng chút “lộc” của nghề mới cho thư thái đầu óc. Thế là giờ ấy, ngày ấy, tại địa điểm đã được thông báo, tôi khoác ba lô có mặt.

Đó là sảnh một khách sạn hạng sang ở Hà Nội, khi tôi đến đã có khoảng trên trăm người, kẻ đứng, người ngồi với ngổn ngang đồ đoàn, hành lý bên mấy dãy bàn trà, cà phê. Những gương mặt xa lạ, trang phục đủ kiểu, người comple lịch sự, kẻ bảnh bao, nhẵn nhụi, có người còn phảng phất nét tá điền quê mùa. Lại có nhóm nói giọng miền Tây, đi tốp 3, tốp 5 như vừa từ sân bay tập kết về đây. Vừa thấy tôi, hai cô thiếu nữ môi đỏ, mắt xinh, tóc uốn bồng bềnh đã đon đả ra đón, kéo ghế mời ngồi rồi thi nhau hỏi tôi dùng cà phê hay dùng trà. Sau khi ân cần hỏi tên, chức danh, cô gái da trắng bóc, tóc nâu đỏ, cằm đúng mốt chẻ nhỏ, chuyển cho tôi tờ lịch trình của chuyến đi trong hai ngày, rồi điệu đà giải thích cặn kẽ, không quên chuyển xưng hô từ chú sang anh. Có thế chứ, chẳng gì mình cũng đang là lực lượng tiên phong của thời nay chứ đùa! 

Không ít công ty tổ chức sự kiện đã kết hợp với một số cơ sở tín ngưỡng lợi dụng chữ tín và thói háo danh của nhiều người để thu lời không chính đáng
Chẳng có nhiều điều để phàn nàn về chuyến hành hương 2 ngày khá trang trọng, chu đáo, nơi cả đoàn hơn chục xe 24 chỗ ngồi “đổ quân” về một ngôi chùa nổi tiếng phía Bắc, chiều có chiêu đãi cơm chay, tối nghỉ khách sạn 3 sao. Ngay cả hình ảnh mấy cô nàng tóc đỏ, cằm chẻ, trong sắc áo nâu sồng yểu điệu đội lễ để cả đoàn dâng hương có không hợp cảnh thì người bạn đồng hành được ghép cùng phòng - ông chủ một hồ cá ở Vĩnh Phúc cũng đem cho tôi ối chuyện vui rồi. Anh hẹn kỳ tới, tôi lên anh sẽ thết món cá lăng câu và nướng ngay trên hồ. Hỏi anh là giám đốc thuỷ sản đã được mấy năm thì anh cứ ngường ngượng, lảng lảng, bảo là quy mô làm ăn còn nhỏ, không ngờ lại được… tôn vinh. Tôi cũng giấu nhẹm chuyện mình mới ngồi ghế giám đốc chưa ấm chỗ, tự nhủ đây đâu phải chỗ so ngôi, chia đẳng bởi nước mình có đến gần 2 triệu doanh nhân cơ mà.

Tuy nhiên, đến ngày thứ 2, khi Ban tổ chức mà tới giờ tôi mới biết do một công ty chuyên tổ chức sự kiện lập nên đi trao quà lưu niệm - một bộ ảnh của đoàn lồng trong khung có biểu tượng nhà Phật, một chiếc khánh lớn bằng đồng khắc chữ “Doanh nhân tiêu biểu” kèm mức vận động tài trợ thì tôi thực sự choáng. 20 triệu đồng là mức tối thiểu cho “phần thưởng” mà Ban tổ chức đã sắp sẵn cho từng người. Ai đóng 50 triệu sẽ có thêm bức tượng đồng đã được Ban tổ chức đặt trước để về thờ trong nhà. Đã là “doanh nhân tiêu biểu”, chẳng lẽ không có nổi 20 triệu đồng ủng hộ! Vậy là như mọi người, tôi cũng chấp nhận “nghiến răng”. Anh bạn chủ ao thở dài vì đi vài tấn cá. Trên đường về thật ít tiếng cười nói như lúc đi.

Đem “danh hiệu” mà mình đã được trải nghiệm chia sẻ với mấy người bạn, nào ngờ anh bạn là Tổng biên tập một tờ tạp chí ngành cũng cho biết từng rơi vào cảnh dở khóc dở cười này. Đi sâu tìm hiểu, tôi thêm vỡ lẽ về một hình thức kinh doanh tâm linh mới đang nở rộ và liên tục phát triển. Điều đáng nói là có không ít công ty tổ chức sự kiện đã kết hợp với một số cơ sở tín ngưỡng lợi dụng chữ tín và thói háo danh của nhiều người để thu lời không chính đáng. Thôi thì hộ kinh doanh cá thể, bà chủ đầm, ông chủ vựa, cứ chấp nhận nộp tiền là có ngay cái danh “doanh nhân tiêu biểu”, “trí thức ưu tú” tại hội này, lễ kia. Không ít người, khi đưa chân mới vỡ lẽ, mới hiểu thêm quy luật “chẳng có bữa sáng nào là miễn phí” nhưng rồi cũng chỉ biết “ngậm bồ hòn làm ngọt”. Lại có không ít ông sếp, nghề nghiệp chẳng liên quan gì đến doanh nhân nhưng thời gian công tác không còn nhiều, muốn sưu tầm đủ các danh hiệu, thậm chí cả tư tưởng “phá kho thóc Nhật” trước khi “hạ cánh” nên cứ duyệt chi bừa phứa cho cá nhân, kể cả biết đó là mấy cái danh vớ vẩn. Vậy nên có ông giám đốc thư viện tỉnh nọ cũng có bằng “doanh nhân tiêu biểu”, ông trạm trưởng thuỷ nông huyện kia cũng có bằng “trí thức ưu tú”…, hầu hết do các tổ chức viện, trường tư nhân và công ty truyền thông đứng ra trao.

Một mùa xuân đã đến gõ cửa từng nhà, với mỗi người là biết bao kỳ vọng tốt lành trong năm mới. Đầu tư phát triển du lịch tâm linh là một xu hướng mới, đáng trân trọng nếu nó gắn với phát triển dịch vụ cho những địa phương nghèo khó và góp phần nuôi dưỡng truyền thống văn hoá tốt đẹp của người Việt Nam. Nhưng sẽ hay hơn nếu những công trình đó ít “huy động vốn” kiểu “xã hội hoá” từ xu hướng tín ngưỡng có phần thái quá của người Việt. Lại càng không nên tồn tại kiểu kinh doanh mù mờ, chộp giật của một số tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân qua hình thức trao bằng này, danh hiệu kia dựa trên sự tín ngưỡng, sự háo danh và kể cả sự thiếu hiểu biết của không ít người.

Xuân 2016 vừa bước qua nhưng đã 3 lần tôi nhận được những cuộc điện thoại báo tin mình được vinh danh gắn với sự kiện tâm linh. Gần nhất, là một cô gái lảnh lót báo tin: “Thầy con báo chú có tên trong danh sách các doanh nhân về dâng hương ở Yên Tử xuân này”. Chẳng biết vì cái ví tiền chưa nhiều, hay vì chiếc khánh đồng có dòng chữ “doanh nhân tiêu biểu” từ ngày nhận, tôi cất kỹ, chẳng dám treo lên hay đem khoe với ai mà tôi trả lời nhẹ bẫng: “Cảm ơn thầy con, với chú một lần đã là quá đủ!”.