Năm 2020, Chính phủ đặt quyết tâm ít nhất đạt mục tiêu tăng trưởng GDP 6,8% được Quốc hội thông qua và nỗ lực cao hơn phấn đấu đạt 7%. Ảnh: Lê Tiên |
Nghị quyết đề ra các trọng tâm chỉ đạo, điều hành, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, có tính đột phá để phấn đấu thực hiện thành công Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020.
Hai chữ mới trong phương châm hành động của Chính phủ
Nhìn lại công tác điều hành của Chính phủ trong những năm qua, nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng, chính sách, giải pháp được Chính phủ ban hành khá đầy đủ, kịp thời. Lãnh đạo Chính phủ sâu sát, quyết liệt trong chỉ đạo điều hành. Tuy nhiên, tình trạng “trên nóng dưới lạnh, giữa lừng chừng” vẫn còn, dẫn đến chính sách chưa được thực thi hiệu quả.
Đơn cử, về vấn đề giải ngân vốn đầu tư công, bên cạnh những nguyên nhân về chính sách, nguyên nhân khách quan cố hữu, thì tại Kỳ họp thứ 8 vừa qua, nhiều đại biểu Quốc hội chia sẻ nguyên nhân mới là dường như một số cơ quan, một số bộ, ngành do dự, chần chừ trong việc giải quyết, tháo gỡ một số cơ chế, chính sách, cố tình làm chậm các thủ tục thực hiện dự án vì sợ trách nhiệm. “Quản trị thì yếu kém, cán bộ tham mưu thiếu chuyên môn, yếu nghiệp vụ, năng lực lãnh đạo của người đứng đầu có hạn chế, lại trong bối cảnh "lò lúc nào cũng nóng", do đó không dám quyết, dám làm, sợ chịu trách nhiệm”, đại biểu Tạ Văn Hạ (đoàn Bạc Liêu) nhận xét.
Thủ tướng Chính phủ cũng đã nhiều lần nêu rõ, nhiều bộ, nhiều địa phương chưa tập trung thực hiện các giải pháp, không sát sao, trực tiếp tháo gỡ khó khăn, và chưa phân cấp phân quyền hợp lý, thậm chí còn nhũng nhiễu.
Tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng chỉ ra tinh thần trách nhiệm của một bộ phận cán bộ công chức còn hạn chế, còn tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm. Thực thi công vụ còn là điểm nghẽn khi vẫn còn tình trạng việc gì có lợi thì kéo về cho cơ quan, đơn vị, cá nhân mình, khó khăn thì đùn đẩy, giao cho cơ quan khác, ngành khác. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đề nghị Chính phủ cần tiếp tục cải cách hành chính, nâng cao hiệu quả, hiệu lực của bộ máy quản lý nhà nước, đổi mới lề lối làm việc. “Làm đúng vai, không đùn đẩy trách nhiệm, không lôi kéo, ôm đồm quyền lực, lợi ích nhóm, đồng thời có cơ chế khuyến khích, bảo vệ những cán bộ dám nghĩ dám làm”, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh.
Ngay ngày đầu tiên của năm 2020, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2020. Vấn đề trách nhiệm đã được nêu ra tại phương châm hành động của Chính phủ trong năm 2020. So với phương châm hành động của năm 2019, hai chữ mới được bổ sung là “trách nhiệm”, thay cho “bứt phá”. Nghị quyết nêu rõ, tinh thần khẩn trương, quyết liệt, trách nhiệm, hành động từ Chính phủ đến các cấp, các ngành, các địa phương cần được phát huy mạnh mẽ, lan tỏa rộng khắp cả nước.
Chỉ tiêu cụ thể cho từng ngành, lĩnh vực
Nghị quyết 01 lồng ghép việc giao chỉ tiêu Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội đã được Quốc hội thông qua trong Nghị quyết điều hành năm 2020 trong 4 phụ lục: Phụ lục 1 về 12 chỉ tiêu chủ yếu của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội đã được Quốc hội thông qua; Phụ lục 2 về kịch bản tăng trưởng năm 2020 để phấn đấu và theo dõi, cập nhật định kỳ, chủ động có giải pháp ứng phó với các tình huống phát sinh; Phụ lục 3 về dự kiến một số mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể của các ngành, lĩnh vực để phấn đấu; Phụ lục 4 về một số nhiệm vụ chi tiết phân giao cho các cơ quan để tập trung thực hiện, theo dõi, đánh giá.
Theo một cán bộ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư - cơ quan chủ trì xây dựng Nghị quyết 01, việc bổ sung Phụ lục 3 và đổi mới Phụ lục 4 giúp lượng hóa một số mục tiêu quan trọng của các bộ, ngành thành mục tiêu phấn đấu cần phải đạt được trong năm 2020, xác định các nhiệm vụ quan trọng cần phải triển khai thực hiện để đảm bảo các mục tiêu. Từ đó cũng nâng cao trách nhiệm của mỗi bộ, ngành trong thực thi nhiệm vụ.
Đặc biệt, mặc dù mục tiêu tăng trưởng năm 2020 được Quốc hội thông qua là 6,8%, nhưng tại Nghị quyết 01, Chính phủ đặt quyết tâm ít nhất đạt mục tiêu 6,8% và nỗ lực cao hơn phấn đấu đạt 7%. Kịch bản tăng tưởng GDP từng quý được vạch ra cụ thể: Quý I là 6,52 - 6,77%, quý II là 6,65 - 6,87%, 6 tháng là 6,59 - 6,83%, quý III đạt 7,11 - 7,37%, 9 tháng từ 6,79 - 7,03%, quý IV là 6,81 - 6,93% và cả năm từ 6,8 - 7%. Để đạt được kịch bản tăng trưởng nói trên, công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục là động lực quan trọng. Cụ thể, năm 2020, khu vực công nghiệp và xây dựng phải đạt tốc độ tăng trưởng 8,5%, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 11%. Khu vực dịch vụ là 6,74 - 7,24%, còn khu vực nông - lâm nghiệp - thủy sản là 2,91 - 3%.