Nghiên cứu định hướng phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp vật liệu

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Đề án “Chủ trương, chính sách công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, dự kiến trình Hội nghị Trung ương lần 6 vào năm 2022 là đề án lớn, có phạm vi nghiên cứu rộng, liên quan đến tất cả các ngành, lĩnh vực của nền kinh tế. Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với một số đơn vị vừa tổ chức Hội thảo quốc tế “Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp vật liệu đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.
Ông Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương phát biểu tại Hội thảo

Ông Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương phát biểu tại Hội thảo

Đối với các quốc gia trên thế giới, công nghiệp vật liệu có vai trò hết sức quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Việc làm chủ công nghệ sản xuất vật liệu là một trong các nền tảng cơ bản để làm chủ sản xuất công nghiệp.

Chính vì vậy, các quốc gia trên thế giới đều tập trung nguồn lực, đặc biệt phát triển nguồn nhân lực để nghiên cứu phát triển các vật liệu có giá trị chiến lược nhằm tạo lợi thế cạnh tranh và nâng cao giá trị gia tăng cho sản xuất, đảm bảo an ninh và quốc phòng.

Tại Việt Nam, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị đã giao Ban Kinh tế Trung ương chủ trì, phối hợp các bộ, ngành, địa phương, cơ quan liên quan và các chuyên gia trong nước và quốc tế nghiên cứu, xây dựng Đề án “Chủ trương, chính sách công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

Ông Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế trung ương cho biết, Việt Nam có nhiều tiềm năng và lợi thế phát triển ngành công nghiệp vật liệu. Tuy nhiên, phải thừa nhận một thực tế là ngành công nghiệp vật liệu của nước ta phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, mong muốn và yêu cầu đặt ra. Nguyên vật liệu trong nước vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của nhiều ngành, lĩnh vực sản xuất quan trọng, dẫn đến phụ thuộc nguyên vật liệu nhập khẩu, do đó ảnh hưởng đến năng lực tự chủ, tự cường của nền kinh tế. Sức cạnh tranh của nhiều ngành vật liệu còn hạn chế cả về trình độ công nghệ, năng lực sản xuất, chất lượng và chi phí.

Do đó, những vấn đề then chốt mà ông Trần Tuấn Anh gợi mở tại Hội thảo là Việt Nam cần những thay đổi trong tư duy và cách tiếp cận mới trong phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp vật liệu trong thời gian tới, nhận diện rõ vai trò của khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo trong phát triển công nghiệp vật liệu ở nước ta.

Việc làm rõ các rào cản, vướng mắc về cơ chế, chính sách trong phát triển nguồn nhân lực công nghiệp vật liệu; nút thắt Nhà nước cần tháo gỡ để phát triển nguồn nhân lực chất lượng, giải phóng nguồn lực và năng lực sáng tạo phục vụ phát triển ngành công nghiệp vật liệu… là những vấn đề được ông Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.

Ông Huỳnh Thành Đạt, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ KH&CN cho biết, thời gian qua, Bộ KH&CN luôn chú trọng phát triển công nghệ vật liệu mới với vai trò là một trong bốn công nghệ cao được ưu tiên. Từ năm 2001, luôn có 1 chương trình KH&CN trọng điểm cấp quốc gia về nghiên cứu, ứng dụng và phát triển vật liệu mới. Theo ông, việc phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp vật liệu đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước có vai trò quyết định đến sự thành công của phát triển ngành.

Theo kế hoạch, Đề án “Chủ trương, chính sách công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, dự kiến trình Hội nghị Trung ương lần 6 vào năm 2022. Để có thêm luận cứ xây dựng Đề án, thời gian tới, Ban Kinh tế trung ương sẽ phối hợp với các cơ quan tổ chức các tọa đàm, hội thảo theo từng chủ đề chuyên sâu nhằm làm rõ, sáng tỏ cơ sở, luận cứ lý luận, khoa học và thực tiễn cho các chủ trương, chính sách đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045.