Nghiên cứu từ Israel: Mũi vaccine thứ tư vẫn chưa đủ chống lại Omicron

0:00 / 0:00
0:00
“Chúng ta biết rằng lượng kháng thể cần thiết để bảo vệ và không bị lây nhiễm Omicron là quá cao và khó tạo ra được nhờ vaccine, kể cả loại vaccine tốt”...
Một y tá chuẩn bị mũi vaccine Covid-19 thứ tư trong khuôn khổ cuộc nghiên cứu tại Trung tâm Y tế Sheba của Israel vào tháng 12/2021 - Ảnh: Reuters
Một y tá chuẩn bị mũi vaccine Covid-19 thứ tư trong khuôn khổ cuộc nghiên cứu tại Trung tâm Y tế Sheba của Israel vào tháng 12/2021 - Ảnh: Reuters

Theo một nghiên cứu sơ bộ của Trung tâm y tế Sheba (Israel), mũi tiêm thứ tư của vaccine Covid-19 giúp tăng lượng kháng thể lên mức cao hơn so với tiêm mũi thứ ba, nhưng chưa đủ để ngăn chặn việc lây nhiễm biến thể Omicron.

Gili Regev-Yochay, giám đốc bộ phận dịch bệnh truyền nhiễm của Trung tâm y tế Sheba, cho biết trung tâm đã tiêm mũi vaccine thứ tư cho nhân viên của mình và đang nghiên cứu tác dụng của việc này với 154 người tiêm vaccine Pfizer/BioNTech sau 2 tuần tiêm, 120 người tiêm vaccine Moderna sau một tuần tiêm. Những người trong nhóm tiêm vaccine Moderna là người đã tiêm 3 mũi trước đó bằng vaccine Pfizer.

Vaccine Pfizer và Moderna là hai loại vaccine dùng công nghệ mRNA phổ biến hàng đầu tiên nay với liệu trình cơ bản tiêm 2 mũi. Trên thế giới, khoảng 100 quốc gia đang triển khai tiêm mũi vaccine thứ ba – còn gọi là mũi nhắc đầu tiên lại cho người dân.

Kết quả theo dõi tác dụng của những người trên được đem so sánh với những người không tiêm mũi thứ tư.

“Kết quả cho thấy những người tiêm mũi thứ tư có lượng kháng thể cao hơn một chút. Tuy nhiên, điều này vẫn chưa đủ để chống lây nhiễm Omicron”, bà Regev-Yochay cho biết. “Chúng ta biết rằng lượng kháng thể cần thiết để bảo vệ và không bị lây nhiễm Omicron là quá cao và khó tạo ra được nhờ vaccine, kể cả loại vaccine tốt”.

Nghiên cứu của Trung tâm y tế Sheba là nghiên cứu đầu tiên thuộc loại này trên thế giới và các kết quả trên mới chỉ là sơ bộ, chưa được công bố.

Israel là quốc gia đầu tiên triển khai chiến dịch tiêm vaccine Covid-19 khoảng một năm trước và cũng là quốc gia có tốc độ bao phủ vaccine nhanh nhất thế giới. Vaccine được sử dụng chủ yếu tại nước này là vaccine Pfizer và Moderna. Tháng trước, nước này đã bắt đầu tiêm mũi vaccine thứ tư – tức mũi nhắc lại thứ hai – cho các nhóm người dễ tổn thương và có nguy cơ mắc Covid-19 cao.

Các loại vaccine Covid-19 được phát triển nhắm mục tiêu vào protein gai trên một chuỗi di truyền nhất định của virus. Protein gai là phần gắn vào các thụ thể trên bề mặt của tế bào cơ thể người. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng protein gai của biến thể Omicron có sự khác biệt ở nhiều phần quan trọng, khiến cho hệ miễn dịch khó nhận diện virus hơn.

Theo bà Regev-Yochay, dù mũi tiêm thứ tư mang lại các kết quả hạn chế, việc Israel tiêm mũi này cho những người bị suy giảm hệ miễn dịch vẫn mang lại một số lợi ích nhất định. Tuy nhiên, bà không khuyến nghị tiêm mũi thứ tư cho toàn bộ dân số.

“Nếu một người có rủi ro cao, tốt hơn hết họ nên đi tiêm mũi nhắc lại ngay. Còn nếu không, họ có thể đợi”, bà nói.

Trong một diễn biến khác, ông Stéphane Bancel, CEO của hãng dược Moderna, ngày 17/1 cho biết Moderna có thể ra mắt mũi tiêm nhắc lại kết hợp chống cả Covid-19, bệnh cúm và RSV – một loại virus đường hô hấp phổ biến – tại một số quốc gia sớm nhất vào mùa thu năm sau.

“Mục tiêu của chúng tôi là đưa ra một loại vaccine tiêm nhắc lại hàng năm để chúng ta không gặp phải các vấn đề về mặt tuân thủ khi mà nhiều người không muốn tiêm 2-3 mũi trong một mùa đông. Trong trường hợp khả quan nhất, vaccine này sẽ ra mắt vào mùa thu năm 2023”, ông Bancel nói tại một phiên thảo luận trực tuyến trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos.

Cũng tại sự kiện này, cố vấn y tế hàng đầu của Chính phủ Mỹ Anthony Fauci nhấn mạnh rằng liên tục tiêm mũi nhắc lại không phải ý hay, cách tốt nhất là tiêm một mũi nhắc lại có thể kích hoạt miễn dịch chống lại nhiều biến thể tiềm năng.

Tin cùng chuyên mục