Một anh bạn đồng nghiệp của tôi ở miền Nam, mỗi lần có dịp về Thủ đô, rất thích dạo bộ lững thững quanh hồ Gươm. Đặc biệt là mùa Thu, anh bảo được thả bộ bên những vườn hoa đầy sắc màu, lặng ngắm mặt hồ “lung linh mây trời” mà như thấy “lắng hồn núi sông ngàn năm”… Đã hơn một lần, anh kể với tôi cái cảm xúc thiêng liêng lần đầu ghé thăm Văn Miếu - Quốc Tử Giám, đứng dưới mái ngói rêu phong của Khuê Văn Các mà như lắng nghe được trong mạch đất, thớ đá nghìn năm văng vẳng tiếng người xưa: “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia…”.
Nói vậy để thấy Hà Nội gắn bó một cách tự nhiên với mỗi người dân đất Việt, chẳng kể họ có phải là người sinh ra và lớn lên ở mảnh đất này hay không! Chẳng thế mà “Thi tướng rừng xanh” Huỳnh Văn Nghệ từ năm 1946 ở Chiến khu Đ (Nam Bộ) đã viết: “Từ độ mang gươm đi mở cõi/Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long”.
Điều dễ nhận thấy là Hà Nội của chúng ta đẹp từ những nét bình dị nhất như tán bàng đỏ rực làm duyên cho mùa Đông trên khắp phố phường. Đẹp từ những “phố xưa nhà cổ mái ngói thâm nâu” đến các làng quê ngoại thành… với biết bao sự tích, huyền thoại và làng nghề truyền thống mà với những người đi xa, mỗi khi nhắc đến không khỏi khắc khoải nhớ nhung.
Theo thống kê, Hà Nội có 1.350 làng nghề và làng có nghề, hội tụ 47/52 nghề trong tổng số nghề truyền thống của cả nước. Để bảo tồn và phát triển làng nghề, UBND TP. Hà Nội đã chỉ đạo triển khai công nhận danh hiệu “Làng nghề”, “Làng nghề truyền thống Hà Nội”; đồng thời, xét đề nghị Nhà nước phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú”, “Nghệ nhân Hà Nội”.
Đặc biệt, nhắc tới Hà Nội, không thể không kể tới 36 phố phường. Hà Nội 36 phố phường từ lâu đã trở thành biểu tượng đặc trưng của lịch sử, văn hóa Thủ đô. Những con phố này không chỉ là nơi diễn ra cuộc sống hàng ngày của người dân mà còn chứa đựng nhiều câu chuyện lịch sử, văn hóa của vùng đất Kẻ Chợ. Trải qua thăng trầm của thời gian, khoảng 100 công trình gồm đền, chùa, đình, hội quán… vẫn chất chứa những câu chuyện đặc biệt của kinh thành Thăng Long xưa.
Đi trên đường phố Hà Nội hôm nay, ta gặp bao nhiêu con người bình thường từ mọi miền Tổ quốc chọn đất lành tu thân, lập nghiệp. Cũng như cổ kim muôn thuở, không mấy ai được đề tên bia đá, bảng vàng, nhưng với trí lực của mình, mỗi con người bình thường ấy đã góp từng viên đá nhỏ dựng nên một thế đứng vững vàng của chốn kinh kỳ ngàn năm văn hiến.
Nếu xưa kia Thăng Long được gọi là Kẻ Chợ với ý nghĩa là nơi hội họp, buôn bán đông đúc, có mạng lưới chợ ở khu phố cổ và các vùng lân cận thì ngày nay, Hà Nội ngày càng xứng đáng với vai trò trung tâm lớn về kinh tế và giao dịch quốc tế, một động lực phát triển của vùng Đồng bằng sông Hồng và cả nước. Mặc dù chỉ chiếm 1% về diện tích, 8,5% về dân số nhưng Hà Nội đóng góp gần 13% GDP của cả nước; đóng góp 43% GRDP, 43,8% thu ngân sách của vùng Đồng bằng sông Hồng. Đời sống nhân dân Hà Nội đã cải thiện đáng kể. Năm 2022, thu nhập bình quân đầu người toàn Thành phố đạt 141,8 triệu đồng, tương đương 5.991 USD (tỷ giá hiện tại), gấp hơn 3,5 lần năm 2008 (1.697 USD), là năm mở rộng địa giới Thủ đô. Theo kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, Hà Nội đặt mục tiêu tốc độ tăng GRDP từ 6,5 đến 7%; thu nhập bình quân đầu người đạt 160 - 162 triệu đồng (tăng 10 triệu đồng so với năm 2023).
Với vị thế Thủ đô của đất nước 100 triệu dân, với tầm nhìn và ý chí vươn xa để hiện thực hoá khát vọng “rồng bay”, Hà Nội hôm nay đang đứng trước những vận hội mới.
Trong hành trang vươn tới tương lai, Hà Nội có cẩm nang là Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị về “Phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, khẳng định mục tiêu phát triển Thủ đô Hà Nội “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”.
Để vươn tới đích đó, Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2025, phát triển Thủ đô nhanh, bền vững theo hướng đô thị xanh, thành phố thông minh, hiện đại, có sức cạnh tranh cao trong nước và khu vực; cơ bản hoàn thành mục tiêu công nghiệp hóa. Đến năm 2030, Hà Nội trở thành thành phố “xanh - thông minh - hiện đại”; phát triển năng động, hiệu quả, có sức cạnh tranh khu vực và quốc tế; hoàn thành công nghiệp hóa Thủ đô. Đến năm 2045, Hà Nội có chất lượng cuộc sống cao; kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển toàn diện, bền vững; là thành phố kết nối toàn cầu, có sức cạnh tranh quốc tế.
Bên cạnh việc tập trung phát triển kinh tế, Hà Nội cũng xác định phát triển văn hóa, xã hội, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, phát triển toàn diện với những giá trị nhân văn và tinh thần yêu nước sâu sắc, tôn trọng pháp luật, kỷ cương; giàu lòng tự hào dân tộc; có ý chí và khát vọng vươn lên.
Chắc chắn rằng, dù Hà Nội có mở mang, phát triển đến đâu thì vẫn còn đó 36 phố phường với những Hàng Đào, Hàng Bạc, Hàng Đường, Hàng Ngang… đã đi vào thơ ca, nhạc họa. Hà Nội vẫn sẽ còn mãi “Thăng Long tứ trấn”, còn mãi Hoàng thành Thăng Long - Di sản văn hoá thế giới, còn mãi hàng nghìn di tích lịch sử và danh thắng…, bởi tất cả đó là hồn cốt của Thủ đô ngàn năm văn hiến!
Để giữ gìn vẻ đẹp ngàn năm văn hiến ấy, chính quyền Thành phố cần thực hiện rất nhiều việc. Đầu tiên là xây dựng quy hoạch, quản lý quy hoạch. Quy hoạch của một thành phố, nhất là Hà Nội, không phải là bản vẽ kỹ thuật mà là tổng hòa các yếu tố kinh tế, môi trường, văn hóa để tạo ra nhiều không gian phát triển mới, đồng thời tôn lên những giá trị, những vẻ đẹp riêng có, ngàn năm...
Với quyết tâm chính trị cao và bằng lộ trình rõ ràng, khoa học cùng những bước đi thận trọng, chắc chắn, Hà Nội sẽ phát triển xứng tầm, góp phần cùng cả nước hoàn thành khát vọng Việt Nam hùng cường, vươn lên sánh vai với thủ đô các nước trong khu vực và trên thế giới như di nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu: “Cả nước nhìn về Thủ đô ta. Thế giới trông vào Thủ đô ta. Tất cả chúng ta phải ra sức giữ gìn trật tự, an ninh, làm cho Thủ đô ta thành một Thủ đô bình yên, tươi đẹp, mạnh khỏe cả về vật chất và tinh thần”.
Một mùa xuân mới đã về. Tin tưởng và hy vọng xuân mới Giáp Thìn sẽ tiếp thêm động lực cho Thủ đô Hà Nội vươn tầm cao mới, hiện thực hóa khát vọng “Rồng bay”!
Hà Nội, những ngày đón xuân sang!
Giáp Thìn 2024