Ngọa hổ tàng long

(BĐT) - Đây là tên một bộ phim nổi tiếng. Nhưng chợt nghĩ nó là cách diễn tả phù hợp nhất đối với Việt Nam, không chỉ ở hiện tại.
Sẽ không có gì đáng ngạc nhiên nếu trong tương lai, với cải cách thật sự, Việt Nam sẽ thành “con hổ mới”. Ảnh: Lê Tiên
Sẽ không có gì đáng ngạc nhiên nếu trong tương lai, với cải cách thật sự, Việt Nam sẽ thành “con hổ mới”. Ảnh: Lê Tiên

Tại Đại hội lần thứ XII của Đảng Cộng sản Việt Nam hồi tháng 1/2016 có một tham luận chỉ ra rằng: “Đầu thế kỷ XIX, vào năm 1820, Việt Nam đã có vị thế rất đáng nể trong khu vực về dân số cũng như quy mô kinh tế, lớn hơn cả Philippines và Myanmar gộp lại, gấp hơn 1,5 lần Thái Lan, thu nhập bình quân đầu người khi đó xấp xỉ mức trung bình của thế giới”.

Không chỉ vậy, đã từng có những thời kỳ, Việt Nam, mà cụ thể là Sài Gòn được mệnh danh là “hòn ngọc Viễn Đông”, là niềm ao ước của cả những quốc gia thời đó như Nhật Bản, Thái Lan.

Điều đó hình như là “ngược đời” khi cách đây gần 20 năm, cụ thể là năm 2001, cuốn sách “Đánh thức con rồng ngủ quên”, viết về những vấn đề kinh tế Việt Nam làm khuấy động dư luận và những chính sách phát triển đất nước. Những tác giả của cuốn sách đã khẳng định nếu năm 2000, Việt Nam là con rồng ngái ngủ, thì năm 2010, Việt Nam đã là con rồng tỉnh ngủ.

Hoàn toàn có cơ sở để khẳng định điều đó khi năm 2010 kinh tế thế giới có nhiều khó khăn và kinh tế Việt Nam cũng vì thế mà gặp nhiều trở ngại. Điều đáng nói chỉ là Việt Nam vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng, thu hút được đầu tư nước ngoài dù tốc độ thu hút không hẳn tương xứng với mong đợi.

Cũng bởi khi đó, doanh nghiệp nhà nước tiếp tục bộc lộ những kém cỏi và tỷ suất lợi nhuận của các nhà đầu tư không cao, đặc biệt đối với những dự án có đầu tư từ ngân sách. Hào quang quá khứ vì thế không thể xóa đi được những thực tại không phải ai cũng muốn nhìn thẳng.

Cũng kể từ đó đến nay, dường như thế “ngọa hổ tàng long” lại trở thành thường trực trong cả tư thế bên ngoài và tâm thế bên trong. Mới đây nhất, khi sắp bước vào xuân Mậu Tuất, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ít nhất hai lần đề cập đến khát vọng biến Việt Nam thành “con hổ mới” của châu Á. Điều đáng trân trọng là Thủ tướng khẳng định: “Việt Nam chưa phải là “con hổ”, nhưng tại sao không?”. 

Không chỉ là khát vọng

Con rồng ngủ quên, hay tình trạng “chưa phải là con hổ mới” mà Thủ tướng đề cập chắc chắn nếu nhìn ở góc độ tích cực, sẽ cho thấy đây là một khát vọng. Cũng phải thôi, vì nếu chỉ tính trong khoảng 30 năm mà Việt Nam đổi mới, thì các nước xung quanh đã bứt phá rất ngoạn mục. Những Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Thái Lan… trái ngược với tình cảnh trước đó, đã trở thành niềm ao ước của Việt Nam. Nhiều người đã tiếc nuối bởi Việt Nam lẽ ra cũng hoàn toàn có thể bứt phá, thành “rồng”, thành “hổ” chứ không mãi là “ngọa hổ tàng long”.

Tuy vậy, niềm hy vọng lớn lao trong hiện tại đã hiện rõ khi đưa đất nước thành “hổ”, thành “rồng” có lẽ không chỉ là khát vọng, mà còn là những hành động, kế hoạch không chỉ của Chính phủ.

Nhưng trước tiên, khát vọng ấy không chỉ đơn thuần là khát vọng, mà còn phải là trách nhiệm của những người lãnh đạo, của đảng cầm quyền. Bởi cũng đơn giản, khi người lãnh đạo có tham vọng và trách nhiệm thì sẽ có hành động để khơi dậy được nhiệt huyết, ý thức sáng tạo trong từng người dân để các sáng kiến được áp dụng, các cơ hội được tận dụng và các nguồn lực được sử dụng hiệu quả cho phát triển.

Sẽ phải qua thời Việt Nam loanh quanh và tự hào với những con số tăng trưởng từ 5 - 7%, bởi dù sao đi nữa thì tỷ lệ tăng trưởng ấy cũng ít nhiều giảm đi ý nghĩa khi quy mô nền kinh tế vẫn chỉ từ 200 đến 250 tỷ USD. Điều đó khiến Việt Nam, nếu nhìn nhận rõ hơn, sẽ không thể hài lòng với việc là một quốc gia có tỷ lệ tăng trưởng GDP cao, năm này cải thiện hơn năm khác, mà tổng thể thì kinh tế chưa thể bứt phá. 

Hóa giải điểm nghẽn phát triển

Sứ mệnh đưa đất nước thành “hổ”, thành “rồng” không chỉ là trách nhiệm và khát vọng của lãnh đạo đất nước. Thành “hổ”, thành “rồng” cũng không phải chỉ do người dân, doanh nghiệp. Nó phải thật sự thấm nhuần vào tâm khảm của cả dân tộc.
Tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ 2 do Ban Kinh tế Trung ương tổ chức mới đây, GS. Trần Văn Thọ khắc họa lại câu chuyện “6.000 ngày thay đổi Nhật Bản”. Câu chuyện ấy là một lăng kính để Việt Nam soi rọi lại chính mình. 30 năm đổi mới, tức khoảng gần 10.000 ngày, mà Thủ tướng mới đây khẳng định Việt Nam chưa phải là “con hổ” là điều đáng suy nghĩ.

Tăng trưởng, phát triển hài hòa, bền vững, không ai bị bỏ lại phía sau… Đây là những tuyên bố không chỉ mang tính chính trị của Thủ tướng, của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT). Nó đã trở thành yêu cầu tất yếu trong bối cảnh Việt Nam không còn nhiều thời gian để bứt phá.

Nguồn lực phát triển của Việt Nam có thể chưa lớn, nhưng cái lớn hơn là vị trí địa chính trị, lợi thế tự thân, năng lực cạnh tranh… dường như đang gặp những điểm nghẽn. Chẳng vậy mà Thủ tướng gần đây nhiều lần trích dẫn Cuốn sách: “Tại sao các quốc gia thất bại” để nhấn mạnh hơn nữa đến điểm nghẽn phát triển là: “Thể chế, thể chế và thể chế”.

Không khó hình dung ra những điểm nghẽn ấy khi gần đây, chính sách phát triển kinh tế của Chính phủ, mà Bộ KH&ĐT là một trong những đơn vị tiên phong đề xuất cải cách đã chú trọng đến điều này. Hẳn nhiên, khắc phục những chi phí cơ hội đã mất từ những khuyết tật của thể chế là điều rất khó khi di chứng từ Vinashin, Vinalines hay những đại án đang được xét xử là rất lớn. Nhưng vấn đề cần phải suy nghĩ là tại sao 30 năm mà Việt Nam vẫn chưa có những thương hiệu gắn với sản phẩm toàn cầu như Samsung, Hyundai, Toyota, Yamaha… của Hàn Quốc và Nhật Bản? Việt Nam có biến câu hỏi này thành trăn trở hay không?

30 năm qua, nói như TS. Vũ Thành Tự Anh trong đối thoại với Thủ tướng, Việt Nam đã chuyển sang kinh tế thị trường một cách nửa vời. Sự nửa vời ấy khiến cho “thể chế, thể chế và thể chế” vẫn chưa thể tạo nên bứt phá từ bên trong và nội lực vẫn bị lãng phí.

Vẫn còn đó một hệ thống doanh nghiệp tư nhân chưa đủ sức cạnh tranh ngay trong nội địa. Những khu vực lẽ ra phải tận dụng tốt hơn lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do mang đến thì lại “nhường” cơ hội ấy cho khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài. Kinh tế nhà nước vẫn được xác định là quan trọng hơn, trong khi lẽ ra một cơ thể kinh tế thống nhất thì tất cả đều quan trọng vì vai trò mà mình nắm giữ. 

Thể chế là điểm nhấn hành động

Sự bức xúc của Thủ tướng trong nhiều diễn đàn, hội thảo, hội nghị tổng kết năm 2017 gần đây cho thấy, những điểm nghẽn phát triển đang dần tới hạn. Tuy vậy, điều may mắn là theo quy luật, sự bức xúc của người đứng đầu sẽ tạo động lực cho cả hệ thống chuyển động.

Nếu không có điều đó, thì làm gì có chuyện Bộ KH&ĐT đề xuất cắt bỏ hàng nghìn điều kiện kinh doanh? Không có điều đó thì làm gì Bộ Công Thương đề xuất và Thủ tướng Chính phủ đã ký Nghị định 08/2018/NĐ-CP để bãi bỏ 675 điều kiện kinh doanh của ngành này? Không có điều đó thì làm gì có chuyện Bộ Xây dựng dự kiến chỉ giữ lại 15% điều kiện kinh doanh? Không có điều đó thì làm gì những con số 26 triệu ngày công, 14.300 tỷ đồng mà doanh nghiệp tốn phí cho thủ tục kiểm tra chuyên ngành được nêu ra trên công luận từ những người có trách nhiệm của Chính phủ?

Tất cả những biểu hiện ấy cho thấy “thể chế, thể chế và thể chế” không chỉ còn là một khuyến nghị, một tuyên bố tức thời hay là một “cuộc phiêu lưu chính trị” như Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh từng nói đến. “Thể chế, thể chế và thể chế” đã trở thành một điểm nhấn hành động. Bởi không ai không nhận ra rằng, khi thể chế trở nên minh bạch, thì môi trường kinh doanh cũng trở nên trong sạch và nền kinh tế sẽ thực sự có những thành tựu.

Sứ mệnh đưa đất nước thành “hổ”, thành “rồng” vì vậy không chỉ là trách nhiệm và khát vọng của lãnh đạo đất nước, dù vai trò dẫn dắt của Nhà nước là rất quan trọng. Thành “hổ”, thành “rồng” cũng không phải chỉ do người dân, doanh nghiệp gánh vác bằng trách nhiệm tuân thủ pháp luật. Nó phải thật sự thấm nhuần vào tâm khảm của cả dân tộc.

Sẽ không có gì đáng ngạc nhiên nếu trong tương lai, với cải cách thật sự, Việt Nam sẽ thành “con hổ mới” như lời Thủ tướng. “Ngọa hổ tàng long” khi đó sẽ chỉ là tên một bộ phim của Lý An.