Điểm mới này đang được nhiều tỉnh thành phía Nam vận dụng, khiến người dân phấn khởi. Ảnh: Gia An |
Bà Bích Thuận - một người dân ở TP.HCM, sau Covid-19 đã tìm về huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai mua một mảnh vườn hơn 1.000 m2 để trồng cây. Cuối năm 2022, bà Bích Thuận định xin chuyển 100 m2 trong mảnh đất nói trên lên đất thổ cư để tiện xây nhà, nhưng do đất này nằm trong khu quy hoạch đất nông nghiệp nên không chuyển đổi được. Sau khi Luật Đất đai 2024 ra đời, với quy định khá “mềm” như trên, gần đây bà đang chuẩn bị xây một căn nhà gỗ nhỏ trên khu đất ấy để tiện nghỉ ngơi, làm vườn.
Có thể nói, Quyết định số 52/2024/QĐ-UBND do UBND tỉnh Đồng Nai ban hành, có hiệu lực từ ngày 28/10/2024, đã tháo gỡ rất nhiều nút thắt cho người dân, nhất là những người làm nông và những người ở các đô thị lớn về mua đất làm trang trại.
Theo đó, người có diện tích khu đất - tổng diện tích của một hoặc nhiều thửa đất liền kề - từ 500 m2 đến dưới 5.000 m2 được xây dựng công trình không quá 25 m2; từ 5.000 m2 đến dưới 10.000 m2 được sử dụng diện tích đất để xây dựng công trình không quá 50 m2; từ 10.000 m2 đến dưới 50.000 m2 được xây dựng công trình diện tích đất không quá 75 m2; từ 50.000m2 trở lên được sử dụng xây dựng công trình diện tích không quá 100 m2.
Nhiều người dân ở cho biết, quy định này không những giải quyết nhu cầu thực tế của người sản xuất nông nghiệp trong việc xây dựng lán trại, nhà kho, sân phơi, khu vực chế biến, xưởng đặt máy móc… mà còn có thể xây dựng được một ngôi nhà tạm để sinh sống, không tạm bợ như trước đây, vì lâu nay có những người sống ở nương rẫy nhiều hơn ở nhà.
Tương tự, ở Lâm Đồng, theo Quyết định số 24/2024/QĐ-UBND ngày 27/9/2024, cho phép người có diện tích khu đất từ 500 - 5.000 m2 thì được sử dụng diện tích đất để xây dựng công trình không quá 25 m2; từ 5.000 - 10.000 m2 thì được sử dụng diện tích đất để xây dựng công trình không quá 50 m2; từ 10.000 m2 trở lên thì được sử dụng diện tích đất để xây dựng công trình không quá 75 m2. Ngoài ra, công trình được xây dựng tại nhiều vị trí trong khu đất, nhưng tổng diện tích đất xây dựng không được vượt quá 25 m2, 50 m2 và 75 m2, ứng với từng quy mô diện tích đất nông nghiệp đã quy định.
Không chỉ 2 địa phương trên, tại TP.HCM, UBND Thành phố đã ban hành Quyết định số 90/2024/QĐ-UBND ngày 23/10/2024 để cụ thể hóa điều này, khiến nhiều người dân ở 5 huyện vùng ven là Cần Giờ, Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi, Nhà Bè và các quận xa trung tâm như Bình Tân, Quận 9, Quận 12 đặc biệt quan tâm.
Với quyết định này, người dân có diện tích đất từ 500 m2 trở lên - có thể một thửa đất hoặc nhiều thửa đất liền kề của cùng một chủ sở hữu - sẽ được sử dụng tối đa 1% diện tích nhưng không vượt quá 50 m2 để xây lán, trại, kho phục vụ sơ chế, bảo quản nông sản, chứa vật tư nông nghiệp, máy móc, dụng cụ lao động. Công trình chỉ được xây 1 tầng, chiều cao đỉnh mái tối đa 5 m, không có tầng hầm, có kết cấu bán kiên cố, tường gạch, tường vật liệu nhẹ, miễn giấy phép xây dựng.
Việc xây dựng công trình phục vụ trực tiếp sản xuất nông nghiệp không làm ảnh hưởng đến công trình thủy lợi, công trình đê điều, diện tích đất nông nghiệp liền kề và không vi phạm lộ giới đường hiện hữu theo quy hoạch được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. UBND cấp huyện sẽ là đơn vị chấp thuận về địa điểm, quy mô xây dựng công trình và thời gian tồn tại của công trình theo quy định.
Cũng cần lưu ý, chủ đầu tư phải chấp hành việc tháo dỡ không điều kiện và không được bồi thường khi hết thời gian tồn tại theo quy định, hoặc trong trường hợp cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu theo quy định, hoặc cho đến khi thửa đất nông nghiệp được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận chuyển mục đích sử dụng đất.
Quyết định này không áp dụng cho đất trồng lúa, vì diện tích đất xây dựng công trình phục vụ trực tiếp sản xuất nông nghiệp trên đất trồng lúa được thực hiện theo Nghị định riêng.
Theo Luật sư Trần Khánh Ly, thời gian gần đây, UBND các tỉnh Đồng Nai, Lâm Đồng, TP.HCM… đã kịp thời ban hành quyết định về sử dụng một phần diện tích đất nông nghiệp để xây dựng công trình phục vụ trực tiếp sản xuất nông nghiệp.
"Tùy vào tình hình thực tế, việc các địa phương ban hành quyết định nêu trên là hoàn toàn phù hợp vì điều này đã được quy định rõ tại khoản 3 Điều 178 Luật Đất đai 2024: Người sử dụng đất nông nghiệp được chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi để sử dụng đất kết hợp đa mục đích theo quy định tại Điều 218 của Luật này; được sử dụng một diện tích đất theo quy định của UBND cấp tỉnh để xây dựng công trình phục vụ trực tiếp sản xuất nông nghiệp…", Luật sự Trần Khánh Lý cho biết.
Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, nhiều chuyên gia cho rằng, lâu nay ở các đô thị lớn, việc xây dựng nhà không phép trên đất nông nghiệp diễn ra khá phổ biến. Tại TP.HCM, cách đây khoảng 20 năm, tình trạng “xây nhà một đêm” từng xảy ra tràn lan ở các quận, huyện vùng ven, khiến cơ quan chức năng “đau đầu”. Do đó, khi áp dụng quy định mới này, rất có thể những người dân đang mua đất nông nghiệp có sổ hoặc giấy tay nhân cơ hội này để xây nhà “biến tướng". Vì vậy, khi triển khai, rất cần sự giám sát chặt chẽ của cơ quan chức năng để tránh làm “méo mó” thị trường chung.