Người giàu và cam kết “không ngừng cho đi”

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Những doanh nhân giàu có trên thế giới không chỉ tạo nên những thay đổi tốt đẹp trong cuộc sống của mỗi người bằng cách làm ra các sản phẩm, dịch vụ độc đáo, tiện ích…, mà còn truyền cảm hứng về việc đóng góp cho sự phát triển bền vững ở mọi lĩnh vực.

Cam kết trao tặng tới cuối đời

Các doanh nhân khiến cuộc sống của mỗi người tốt đẹp hơn nhờ việc giới thiệu các sản phẩm mới, hoặc hạ thấp chi phí của các sản phẩm hiện hữu. Xét theo khía cạnh kinh tế, họ đang tạo ra giá trị thặng dư. Theo một nghiên cứu của William Nordhaus, nhà kinh tế tại Đại học Yale (Mỹ), các doanh nhân chỉ giữ 2,2% giá trị thặng dư kinh tế mà họ tạo ra; 97,8% còn lại do cộng đồng, xã hội và nền kinh tế thụ hưởng.

Thực tế, các tỷ phú, doanh nhân giàu có là những người đóng góp nhiều nhất cho các mục tiêu chung về phát triển bền vững, cũng như chăm lo đời sống hạnh phúc của con người.

Kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát và càn quét trên toàn cầu tới nay, rất nhiều vị tỷ phú đã nỗ lực đóng góp để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh, cũng như hạn chế tổn thương tới con người và nền kinh tế. Trong số đó, không ai trao đi nhiều hơn MacKenzie Scott, vợ cũ của tỷ phú Jeff Bezos. Tính riêng tháng 7 và tháng 12/2020, MacKenzie Scott đã tuyên bố trao tặng tổng cộng 5,8 tỷ USD cho 500 tổ chức khác nhau trên thế giới, nhất là các nhóm từ thiện nhỏ tại Mỹ.

“Tôi bất ngờ tới mức không thể tin nổi”, CEO của Tổ chức Goodwill tại North Florida chia sẻ khi nhận được khoản tiền ủng hộ 10 triệu USD từ MacKenzie. Theo ước tính của Forbes, chỉ trong 1 năm hoạt động từ thiện, nữ tỷ phú này đã trao tặng nhiều hơn bất kỳ tỷ phú nào từ trước tới nay (trừ Top 5 người giàu nhất).

Cặp vợ chồng tỷ phú Bill và Melinda Gates

Cặp vợ chồng tỷ phú Bill và Melinda Gates

Một điển hình nổi tiếng khác của những tỷ phú hết lòng vì hoạt động thiện nguyện là Bill và Melinda Gates. Cặp vợ chồng tỷ phú này đã sáng lập nên trung tâm nghiên cứu vaccine trong nhiều năm và cam kết tài trợ 1,75 tỷ USD trong 2 năm đại dịch.

Câu chuyện về các tỷ phú nỗ lực hành động trong đại dịch chỉ là ví dụ gần nhất cho thấy, những doanh nhân giàu có nhận thức được ý nghĩa của đóng góp cho cộng đồng, xã hội, song hành cùng niềm vui tạo nên những giá trị thay đổi cuộc sống theo hướng tốt đẹp hơn.

Tổng cộng, theo số liệu của Forbes, 25 tỷ phú của nước Mỹ đã ủng hộ khoảng 149 tỷ USD cho các hoạt động thiện nguyện và họ vẫn tiếp tục đóng góp trong thời gian tới với những cam kết “trao đi cho tới cuối đời”.

Tỷ phú Warren Buffett

Tỷ phú Warren Buffett

Chẳng hạn, Warren Buffett, tỷ phú, nhà đầu tư huyền thoại phố Wall cam kết trao tặng hơn 99% tài sản của mình. Cho tới nay, ông đã đóng góp hơn 40 tỷ USD, đa phần dành cho Quỹ Bill & Melinda Gates - nơi sẽ sử dụng nguồn lực này cho quá trình đấu tranh với đói nghèo và bệnh tật tại Mỹ cũng như các quốc gia đang phát triển. Đồng thời, ông cũng đóng góp hàng tỷ cổ phiếu cho 4 quỹ từ thiện được thành lập bởi các thành viên trong gia đình.

Đáng chú ý, các tỷ phú Bill Gates, Melinda Gates và Warren Buffett đã sáng lập The Giving Pledge (Cam kết hiến tài sản) năm 2010 nhằm vận động và ghi nhận cam kết của các cá nhân, gia đình giàu có nhất thế giới cống hiến ít nhất một nửa tài sản của mình cho hoạt động thiện nguyện, giải quyết các vấn đề cấp bách của xã hội. Tính tới cuối năm 2021, đã có 231 người tới từ 28 quốc gia tham gia cam kết này.

Hiện diện ở mọi “chiến tuyến”

Mỗi một doanh nhân, tỷ phú thành công mang tới thế giới này một câu chuyện đầy cảm hứng. Và họ cũng “lăn xả” tại mọi lĩnh vực trong cuộc sống để có thể khơi gợi, góp phần tạo nên muôn vàn kỳ tích khác.

Jeff Bezos, ông chủ Amazon, một trong những người giàu nhất thế giới, đang dồn sức trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu những năm gần đây. Amazon đồng sáng lập The Climate Plege - một cam kết với mục tiêu đáp ứng Thỏa thuận Paris về khí hậu sớm hơn 10 năm. Cam kết kêu gọi các bên ký kết loại bỏ carbon trong mọi hoạt động của họ vào năm 2040, một thập kỷ trước mục tiêu năm 2050 của Thỏa thuận Paris. Cho tới nay, đã có hơn 104 tổ chức tham gia The Climate Plege.

Tỷ phú Jeff Bezos

Tỷ phú Jeff Bezos

Theo số liệu của Forbes, 25 tỷ phú của nước Mỹ đã ủng hộ khoảng 149 tỷ USD cho các hoạt động thiện nguyện trên toàn cầu và họ vẫn tiếp tục đóng góp trong thời gian tới với những cam kết "trao đi cho tới cuối đời"...

Amazon cũng thành lập Climate Fund với quy mô 2 tỷ USD nhằm đầu tư cho các công nghệ mới cần thiết nhằm giảm phát thải carbon cho nền kinh tế. Đồng thời ra mắt Right Now Climate Fund, cam kết đóng góp 100 triệu USD để khôi phục và bảo vệ rừng, đất ngập nước và đất than bùn trên thế giới trong một thỏa thuận hợp tác với tổ chức The Nature Conservancy. Right Now Climate Fund sẽ giúp loại bỏ hàng triệu tấn khí carbon từ khí quyển trong thời gian triển khai dự án và tạo cơ hội kinh tế cho hàng ngàn người.

"Nếu một công ty có cơ sở vật chất lớn như Amazon, nơi cung cấp hơn 10 tỷ đơn hàng mỗi năm, có thể đáp ứng Thỏa thuận Paris sớm 10 năm, thì bất kỳ công ty nào cũng có thể làm thế. Tôi đã thảo luận với CEO của các công ty toàn cầu khác và tôi thấy rất nhiều sự quan tâm đến việc tham gia cam kết. Các công ty lớn ký Cam kết khí hậu sẽ gửi một tín hiệu quan trọng tới thị trường rằng đã đến lúc đầu tư vào các sản phẩm và dịch vụ mà các bên ký kết sẽ cần phải có để hoàn thành các cam kết của họ”, Jeff Bezos cho biết.

Đánh giá cao nỗ lực này, Christiana Figueres, cựu Giám đốc Chương trình chống biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc và đối tác sáng lập của Global Optimism cho rằng: "Bước đi mạnh mẽ của các công ty lớn sẽ tạo khác biệt rất lớn trong sự phát triển của công nghệ và các ngành công nghiệp mới để hỗ trợ nền kinh tế các-bon thấp”.

Tỷ phú Elon Musk

Tỷ phú Elon Musk

Theo khảo sát của Công ty tư vấn WealthX, 56% tỷ phú trên thế giới coi việc từ thiện là ưu tiên hàng đầu. Họ muốn hiểu rõ về lĩnh vực mà mình sẽ đóng góp và đó cũng là lý do, họ thường tập trung nguồn lực để thay đổi khía cạnh/lĩnh vực mà mình quan tâm.

Chẳng hạn, tỷ phú Elon Musk tập trung chủ yếu vào khoa học kỹ thuật, năng lượng sạch, sức khỏe trẻ em và du hành vũ trụ. Đây là trọng tâm phát triển của tất cả các doanh nghiệp mà vị tỷ phú này là người lãnh đạo.

Tỷ phú Mark Zuckerberg

Tỷ phú Mark Zuckerberg

Trong khi đó, giáo dục và y tế là hai mảng mà vợ chồng tỷ phú Mark Zuckerberg - người sáng lập Facebook tập trung làm thiện nguyện. Mark Zuckerberg từng dành tặng 1,6 tỷ USD cho các dự án về sức khỏe, trong đó có hỗ trợ chống lại dịch bệnh Ebola. Một bệnh viện ở San Francisco (Mỹ) cũng được vợ chồng tỷ phú này tặng 75 triệu USD để đầu tư cải thiện cơ sở vật chất. Năm 2014, ông chủ Facebook quyên góp 120 triệu USD cho các trường học ở khu vực Bay Area và 100 triệu USD cho hệ thống giáo dục ở New Jersey (Mỹ).

Sheryl Sandberg, COO của Facebook, điều hành quỹ đặt theo tên bà và người chồng quá cố. Quỹ này chú trọng đầu tư vào OptionB.Org, một tổ chức nhằm giúp phụ nữ ổn định và tiếp tục làm việc sau biến cố mất người thân - điều mà chính bà từng trải qua.

Tỷ phú MacKenzie Scott

Tỷ phú MacKenzie Scott

Năm 2021, MacKenzie Scott được Forbes lựa chọn là người phụ nữ quyền lực nhất thế giới. Lý do là MacKenzie Scott đã dùng khối tài sản khổng lồ của mình để hỗ trợ các tổ chức phi lợi nhuận. Không chỉ vậy, cách bà dùng tiền cũng đang tạo ra cuộc cách mạng trong lĩnh vực từ thiện. Không một ai trên thế giới có quyền tự chủ, hoặc tiền bạc nhiều hơn mà tạo ra được ảnh hưởng lâu dài đến vậy.

Sau khi tham gia The Giving Pledge, MacKenzie Scott cho biết, bà sẽ tiếp tục “trao đi cho đến khi rỗng két". Trong hơn hai năm, với tài sản khoảng 60 tỷ USD, MacKenzie đã tài trợ 8,6 tỷ USD cho 780 tổ chức hoạt động để thúc đẩy bình đẳng giới, xóa bỏ phân biệt chủng tộc, cải thiện sức khỏe cộng đồng và những vấn đề khác. Bà đặc biệt chọn những tổ chức do những người có "kinh nghiệm sống lãnh đạo", ví dụ, phụ nữ lãnh đạo các nhóm phụ nữ, những người da màu dẫn đầu các nhóm bình đẳng chủng tộc…

Tin cùng chuyên mục