Luật sư Lan Diep tại California, Mỹ. Ảnh: Anthony Cruz |
Lan Diep, 32 tuổi, là một luật sư người Mỹ gốc Việt sinh ra ở Texas có ghế trong Hội đồng Thành phố San Jose. Anh tự mô tả mình là người bảo thủ và là đảng viên Cộng hòa lâu năm, thế nhưng, anh sẽ bỏ phiếu cho Hillary Clinton trong cuộc tổng tuyển cử năm nay, theo Fivethirtyeight.
"Tôi nghĩ bà ấy vẫn có khuyết điểm, nhưng khi so sánh với các sự lựa chọn khác, bà rõ ràng là ứng viên duy nhất đủ tiêu chuẩn để vào văn phòng tổng thống", anh Diep nói.
Có gần hai triệu người Mỹ gốc Việt tại Mỹ, với số lượng lớn tập trung ở California và Texas. Họ nằm trong nhóm những người Mỹ gốc Á đang chuyển từ ủng hộ đảng Cộng hòa sang đảng Dân chủ. Năm 1992, đảng Cộng hòa giành được nhiều sự ủng hộ từ người Mỹ gốc Á hơn đảng Dân chủ, với khoảng cách 22 điểm. Nhưng năm 2012, đảng Dân chủ lại thắng thế với cách biệt 47 điểm, theo khảo sát của trung tâm Roper có trụ sở tại New York.
Tỷ lệ người Mỹ gốc Á ủng hộ hai chính đảng Mỹ. Đồ họa: fivethirtyeight
Năm 2016, theo khảo sát Quốc gia người Mỹ gốc Á (NAAS) công bố vào đầu tháng này, tuy còn nhiều cử tri gốc Á chưa quyết định, đảng Dân chủ vẫn dẫn trước với cách biệt 43 điểm (59% so với 16%). "Trong khoảng thời gian hai thập kỷ, bạn có thể thấy rằng Hillary Clinton nhiều khả năng giành được sự ủng hộ áp đảo của người Mỹ gốc Á - những cử tri từng không bỏ phiếu cho chồng bà hai thập kỷ trước", phóng viên chuyên về mảng nhân khẩu học chính trị Asma Khalid nhận xét.
Theo Fivethirtyeight, việc trước đây nhiều người gốc Á ủng hộ đảng Cộng hòa có thể xuất phát từ việc họ nhập cư vào thời điểm tổng thống thuộc đảng Cộng hòa đang cầm quyền. "Trong một thời gian dài, cộng đồng người Mỹ gốc Việt là nhóm ủng hộ đảng Cộng hòa mạnh mẽ nhất trong số các cử tri gốc Á", Taeku Lee, giáo sư khoa học chính trị và luật tại Đại học California, Berkeley, nói. "Sau đó, năm 2008 và 2012, họ bắt đầu chuyển sang đảng Dân chủ và động lực chính của sự thay đổi này là khoảng cách thế hệ ngày càng tăng".
Ông cho biết khoảng cách này tương tự như người Mỹ gốc Cuba, với việc cử tri lớn tuổi thường ủng hộ đảng Cộng hòa. Nhưng Lee nói thêm rằng ngay cả xu hướng đó cũng đang thay đổi. "Năm 2012, khoảng 58% cử tri người Mỹ gốc Việt trên 50 tuổi bầu cho đảng Dân chủ", ông nói.
Cuộc khảo sát của NAAS cho thấy nhiều người Mỹ gốc Việt lựa chọn bà Clinton với tỷ lệ 46%, so với 20% của ông Trump. 29% chưa quyết định - con số có thể cho thấy những người thường ủng hộ đảng Cộng hòa đang phân vân.
Tỷ lệ ủng hộ hai ứng viên tổng thống Mỹ 2016 trong cộng đồng người Mỹ gốc Á. Đồ họa: fivethirtyeight
Nhiều người Mỹ gốc Việt và gốc Á khác có thể đang lo ngại về quan điểm của ông Trump trong vấn đề người nhập cư. Trong 4 năm qua, NAAS ghi nhận sự gia tăng gấp 5 lần trong cộng đồng người Mỹ gốc Á cho rằng chủng tộc hay phân biệt chủng tộc là vấn đề quan trọng nhất của đất nước (từ 2% tăng lên 10%).
Ông Lee coi năm 2016 là cơ hội cho đảng Dân chủ củng cố liên kết của họ với người Mỹ gốc Việt nói riêng và người Mỹ gốc Á nói chung, như một phần trong liên minh đa sắc tộc được hình thành dưới những năm cầm quyền của Obama, nhưng không có gì đảm bảo việc đó sẽ xảy ra.
Luật sư Diep nhấn mạnh ông quyết định bầu cho bà Clinton vì anh cảm thấy không còn sự lựa chọn nào khả dĩ hơn.
"Tôi thực sự thất vọng về ứng viên đảng Cộng hòa năm nay". Anh Diep từng cân nhắc bỏ phiếu cho ứng viên đảng Tự do Gary Johnson, nhưng anh cho rằng: "Ông Johnson thiếu hiểu biết về tình hình thế giới. Vậy nên, tôi sẽ ủng hộ bà Hillary".