Nhà đầu tư bán tháo vì nỗi lo biến chủng Delta, chứng khoán Mỹ rực lửa

0:00 / 0:00
0:00
Số ca nhiễm mới Covid-19 tăng mạnh do biến chủng Delta đã châm ngòi cho một phiên bán tháo ồ ạt trên thị trường chứng khoán Mỹ trong phiên giao dịch ngày thứ Hai (19/7). Giới đầu tư lo ngại rằng dịch bệnh có thể bùng phát trở lại, dẫn tới nền kinh tế một lần nữa phải đóng cửa và sự phục hồi đang diễn ra sẽ bị đảo ngược...
Ảnh minh hoạ - Ảnh: CNBC.
Ảnh minh hoạ - Ảnh: CNBC.

Cả ba chỉ số chính đo giá cổ phiếu ở Phố Wall đều chốt phiên trong trạng thái giảm sâu, trong đó S&P 500 và Nasdaq có cú giảm phần trăm mạnh nhất trong một ngày kể từ giữa tháng 5. Chỉ số Dow Jones thậm chí có phiên tồi tệ nhất trong gần 9 tháng.

Tâm lý lo sợ rủi ro khiến nhà đầu tư đổ mạnh vốn vào trái phiếu kho bạc Mỹ, khiến lợi suất giảm mạnh, kéo giá cổ phiếu ngân hàng – nhóm nhạy cảm với lãi suất – trượt theo. Chỉ số ngân hàng thuộc S&P 500 giảm 3,3% khi đóng cửa, hãng tin Reuters cho hay.

Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm có lúc giảm còn 1,176%, mức thấp nhất kể từ tháng 2, trước khi đóng cửa ở mức 1,177%.

“Nguyên nhân chính của phiên giảm này là do biến chủng Delta”, nhà quản lý danh mục Paul Nolte thuộc Kingsview Asset Management phát biểu trên Reuters. “Ngoài ra, cũng có một số lo ngại rằng nền kinh tế có thể không mở cửa nhanh được như mọi người nghĩ, và sự tăng trưởng bùng nổ mà mọi người đang kỳ vọng sẽ không thể kéo dài”.

Delta, biến chủng có mức độ lây lan nhanh của Covid-19, hiện đã trở thành loại chủ đạo trên toàn cầu, bao gồm tại Mỹ. Biên chủng này đang gây ra một làn sóng lây nhiễm và chết chóc mới, đặc biệt là ở những người chưa tiêm vaccine. Giới chức y tế Mỹ cho biết số ca tử vong vì Covid ở nước này tăng 25% trong tuần trước, lên mức bình quân 250 người/ngày.

“Nguồn cung vaccine cho thế giới đã là vấn đề ngay từ đầu”, ông Nolte nhấn mạnh. “Đó đã là một vấn đề trong suốt thời gian dài vừa qua. Và những gì chúng ta đang chứng kiến là hệ quả mới nhất của điều đó. Thế giới vẫn còn một chặng đường dài phải đi trong cuộc chiến chống Covid”.

Các cổ phiếu du lịch và giải trí đồng loạt giảm sâu, với chỉ số S&P 500 Airline mất 2,8% điểm số, và S&P 1500 Hotel and Restaurant sụt 2,7%.

Chỉ số CBOE Volatility Index đo lường nỗi sợ hãi của nhà đầu tư ở Phố Wall tăng 4,1 điểm lên 22,5 điểm, mức đóng cửa cao nhất trong 2 tháng.

Lúc chốt phiên, Dow Jones sụt 2,09%, còn 33.962,04 điểm. S&P 500 gảm 1,59%, còn 4.258,49 điểm. Nasdaq lao dốc 1,06%, còn 14.274,98 điểm.

Trước đó, sắc đỏ cũng phủ khắp các sàn giao dịch từ Á sang Âu, khiến chỉ số MSCI All Country World Index mất 1,63% trong phiên đầu tuần.

Lạm phát là một mối lo khác của giới đầu tư trong phiên này. Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 19/7 thừa nhận rằng giá cả một số mặt hàng như ô tô đã tăng mạnh thời gian qua và cho biết chính quyền của ông sẽ cảnh giác với vấn đề lạm phát cũng như những hệ luỵ mà mà giá cả leo thang có thể đặt ra cho nền kinh tế.

“Nỗi lo về tình trạng lạm phát cao kết hợp với tăng trưởng trì trệ (stagflation) sẽ là một vấn đề lớn đối với nhà đầu tư, nếu số ca nhiễm mới tăng cao khiến các nền kinh tế giảm tốc trong lúc giá cả hàng hoá tiếp tục đà tăng mạnh”, Giám đốc đầu tư Peter Essele của Commonwealth Financial Network nhận định với Reuters.

Toàn bộ 11 nhóm cổ phiếu ngành chính của S&P 500 cùng chốt phiên trong trạng thái giảm sâu. Do giá dầu giảm mạnh, nhóm năng lượng sụt 3,6%, đánh dấu phiên giảm mạnh nhất kể từ tháng 3.

Mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý 2/2021 vẫn đang diễn ra và đến nay đã có 41 công ty trong S&P 500 công bố báo cáo tài chính. Trong số này có 90% đạt kết quả vượt dự báo, theo Refinitiv. Giới phân tích hiện kỳ vọng tăng trưởng lợi nhuận quý 2 của các công ty trong chỉ số này đạt 72% so với cùng kỳ năm ngoái.

Cổ phiếu IBM tăng hơn 3% trong phiên ngoài giờ, sau khi hãng công nghệ này công bố doanh thu quý 2 vượt dự báo nhờ mảng điện toán đám mây.

Công ty ứng dụng họp video Zoom tuyên bố mua lại công ty dịch vụ trung tâm chăm sóc khách hàng (call center) Five9 với giá 14,7 tỷ USD trả hoàn toàn bằng cổ phiếu. Giá cổ phiếu Zoom giảm 2,1% sau tuyên bố này, trong khi cổ phiếu Five9 tăng 5,9%.

Trên sàn NYSE, số mã cổ phiếu giảm giá nhiều gấp 5,21 lần số mã tăng. Trên sàn Nasdaq, tỷ lệ tương ứng là 2,52 lần.

Toàn thị trường có 12,02 tỷ cổ phiếu chuyển nhượng thành công trong phiên này, so với mức bình quân 10,17 tỷ cổ phiếu mỗi phiên của 20 ngày giao dịch gần nhất.

Tin cùng chuyên mục