Nhà đầu tư dự án BOT “mòn mỏi” chờ tăng phí

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một số nhà đầu tư BOT (dự án xây dựng - vận hành - chuyển giao) mới đây có văn bản đề xuất Bộ Giao thông vận tải (GTVT), Cục Đường bộ Việt Nam chấp thuận chủ trương điều chỉnh tăng mức giá dịch vụ sử dụng đường bộ các dự án BOT và đường cao tốc. Lý do là việc giãn, hoãn tăng phí BOT thời gian qua đã làm gia tăng áp lực tài chính, làm ảnh hưởng tiêu cực đến nhiều nhà đầu tư.
Việc không được tăng phí khiến nhiều dự án BOT có nguy cơ vỡ phương án tài chính, công tác vận hành, bảo trì, khai thác các tuyến đường bị ảnh hưởng. Ảnh: Phú An
Việc không được tăng phí khiến nhiều dự án BOT có nguy cơ vỡ phương án tài chính, công tác vận hành, bảo trì, khai thác các tuyến đường bị ảnh hưởng. Ảnh: Phú An

Trao đổi với phóng viên Báo Đấu thầu, cán bộ của Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) cho biết, tính đến thời điểm hiện tại, tuyến cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình đã vận hành được 12 năm, tuyến Nội Bài - Lào Cai và tuyến TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây đã vận hành được 10 năm. Các công trình này đòi hỏi phải duy tu, bảo dưỡng ở một mức độ khác so với lúc công trình mới đưa vào vận hành. Theo phương án tài chính đã được Bộ Giao thông vận tải (GTVT) phê duyệt, mức thu phí các tuyến đường này sẽ 3 năm tăng 1 lần, mức tăng khoảng 15%. Năm 2021, mức tăng phí được Bộ GTVT phê duyệt điều chỉnh xuống còn 12%/năm. Tuy nhiên, thực hiện theo Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020, hàng loạt dự án BOT và đường cao tốc do VEC quản lý nhiều năm qua đều chưa được tăng phí theo lộ trình. Việc chậm tăng phí làm cho VEC không bảo đảm được dòng tiền thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với các khoản vay để đầu tư xây dựng đường cao tốc, hoàn thành một số công trình đang đầu tư như cao tốc Bến Lức - Long Thành; đồng thời khó duy trì vận hành hiệu quả các tuyến đường đang khai thác.

Tổng công ty 319 cũng mới có văn bản gửi Cục Đường bộ Việt Nam đề xuất được điều chỉnh tăng phí theo phương án tài chính đã ký. Trong các hợp đồng BOT, mức tăng trong phương án tài chính các dự án là 3 năm tăng 1 lần, mỗi lần tăng 18%. Việc không được tăng phí như hợp đồng đã ký thời gian qua khiến phương án tài chính của nhiều dự án BOT bị ảnh hưởng nghiêm trọng, nhà đầu tư không gánh được nghĩa vụ trả nợ ngân hàng như cam kết, công tác vận hành, bảo trì, khai thác các tuyến đường không thực hiện tốt như dự kiến.

Lãnh đạo Công ty CP Tập đoàn Cienco4 cho biết, khó khăn đang bủa vây nhà đầu tư BOT khi Nhà nước không thực hiện đúng cam kết đã ký trong hợp đồng, trong đó có việc tăng thu phí sử dụng đường bộ. Sau thời gian bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, Bộ GTVT nhiều lần tổ chức họp với các nhà đầu tư về việc tăng phí sử dụng dịch vụ nhưng đến nay, tất cả vẫn nằm trên giấy. Mặt khác, lưu lượng xe qua nhiều trạm thu phí BOT thấp hơn dự kiến do quy hoạch giao thông của địa phương thay đổi so với thời điểm đầu tư dự án BOT. Đặc biệt, nhiều đoạn tuyến trên cao tốc Bắc - Nam do Nhà nước đầu tư đã đưa vào vận hành nhưng chưa thu phí khiến cho lưu lượng xe qua các trạm BOT sụt giảm nghiêm trọng. Chẳng hạn, doanh thu tại trạm thu phí hoàn vốn cho Dự án BOT mở rộng Quốc lộ 1A đoạn Km368+400 (Nghi Sơn) đến Km402+330 (Cầu Giát) giảm hơn 40% sau khi thông tuyến cao tốc Nghi Sơn - Diễn Châu. Thực tế này là không công bằng và có thể làm vỡ phương án tài chính của nhà đầu tư.

Lưu lượng xe qua nhiều trạm thu phí BOT bị sụt giảm do thay đổi quy hoạch, làm ảnh hưởng rất lớn đến phương án tài chính của nhà đầu tư. Ảnh: Lê Tiên

Lưu lượng xe qua nhiều trạm thu phí BOT bị sụt giảm do thay đổi quy hoạch, làm ảnh hưởng rất lớn đến phương án tài chính của nhà đầu tư. Ảnh: Lê Tiên

Cùng cảnh ngộ, cán bộ của Tổng công ty 319 cho biết, từ ngày 30/4/2023, khi cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây thông xe, doanh thu cung cấp dịch vụ sử dụng đường bộ tại Trạm thu phí Sông Phan (thu phí hoàn vốn Dự án BOT Quốc lộ 1 đoạn Phan Thiết - Đồng Nai) bị sụt giảm rõ nét. Trung bình, doanh thu hàng tháng tại Trạm thu phí Sông Phan chỉ đạt 26% so với trước thời điểm cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây thông xe và đạt 30% so với phương án tài chính.

Trao đổi với phóng viên, các nhà đầu tư đều cho biết, phương án tài chính bị ảnh hưởng hoàn toàn không phải do lỗi của doanh nghiệp, nhưng họ lại phải gánh chịu rất nhiều hệ lụy. Ví dụ vì không thể thực hiện đúng nghĩa vụ trả nợ ngân hàng theo hợp đồng tín dụng, nhà đầu tư bị chuyển nhóm nợ, ảnh hưởng xấu đến uy tín và hoạt động sản xuất, kinh doanh. Các nhà đầu tư đều mong muốn, Bộ GTVT, các cơ quan chức năng sớm có các quyết định tháo gỡ khó khăn cho các nhà đầu tư bằng việc tăng giá vé dịch vụ sử dụng đường bộ, tổ chức thu phí kịp thời các đoạn cao tốc Bắc - Nam do Nhà nước đầu tư để bảo đảm sự cạnh tranh trong cung cấp dịch vụ, có giải pháp hỗ trợ để “cứu” phương án tài chính cho các dự án BOT.

Nghị quyết số 35/NQ-CP được Thủ tướng ký ban hành năm 2016, có giá trị đến năm 2020. Theo đó, hiện nay, quy định về tăng phí nằm trong phương án tài chính các dự án BOT, được quy định trong hợp đồng kinh tế và đã được các bên thống nhất và ký kết. Ông Uông Việt Dũng, Chánh văn phòng Bộ GTVT cho biết, quan điểm của Bộ GTVT là tôn trọng quyền lợi và bảo đảm đối xử công bằng với nhà đầu tư. Tuy nhiên, trong bối cảnh khó khăn, các bên cần ngồi lại với nhau và bàn bạc mức tăng là bao nhiêu để bảo đảm hài hòa lợi ích và khả năng chi trả của người dân.

Tin cùng chuyên mục