Nhà đầu tư khó đổ vốn vào nông nghiệp

(BĐT) - Mỗi doanh nghiệp (DN) nông nghiệp, nông thôn “khởi nghiệp” chắc chắn sẽ tạo thêm sản phẩm cho nông nghiệp, nông thôn; tạo thêm động lực cạnh tranh trong phát triển nông nghiệp, nông thôn hướng tới các sản phẩm nông, lâm, thuỷ sản có chất lượng cao hơn và giá trị gia tăng lớn hơn.
Nghị định 57/2018/NĐ-CP tạo thuận lợi cho các địa phương về hành lang pháp lý khi hỗ trợ doanh nghiệp vay tín dụng thực hiện các dự án nông nghiệp. Ảnh: Nhã Chi
Nghị định 57/2018/NĐ-CP tạo thuận lợi cho các địa phương về hành lang pháp lý khi hỗ trợ doanh nghiệp vay tín dụng thực hiện các dự án nông nghiệp. Ảnh: Nhã Chi

Khi DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn sẽ là “bà đỡ” giúp nông nghiệp, nông thôn nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững.

Doanh nghiệp “than” khó

Nông nghiệp là một trong những trụ cột của kinh tế Việt Nam. Thúc đẩy kinh tế nông nghiệp phát triển, thời gian qua, Nhà nước đã có nhiều chính sách khuyến khích và ưu đãi DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn như Nghị định 210/2013/NĐ-CP, Nghị định 32/2017/NĐ-CP, Nghị định 55/2015/NĐ-CP... Thời gian gần đây, nhiều tập đoàn lớn phi nông nghiệp đã đẩy mạnh đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn như Tập đoàn Vingroup, Himlam, Viettel, FLC, Hoàng Anh Gia Lai… Những đơn vị này áp dụng nhiều quy trình sản xuất hiện đại, áp dụng công nghệ mới và đã cho những kết quả ban đầu khá tốt.

Tuy nhiên, nhìn một cách tổng thể, đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, số lượng và quy mô DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn Việt Nam giai đoạn vừa qua vẫn còn khiêm tốn. Cụ thể, trong tổng số khoảng 436.000 DN đang hoạt động, có khoảng 4.000 DN hoạt động trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản (chiếm gần 1% trong tổng số DN).

Chia sẻ với Báo Đấu thầu, ông Ngô Minh Hải, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn TH True MILK cho biết, khi đầu tư vào nông nghiệp, DN gặp rào cản trong vấn đề tích tụ đất đai, tiếp cận vốn, tiếp cận công nghệ… Đơn cử như tiếp cận công nghệ thì ngành công nghiệp chế tạo máy hỗ trợ cho phát triển nông nghiệp còn quá yếu. “Tất cả máy nông nghiệp, TH True MILK đều phải nhập khẩu”, ông Hải thông tin và cho rằng, những máy nông nghiệp này các kỹ sư Việt Nam hoàn toàn có thể sản xuất được, nhưng sao chúng ta không làm? Ông Hải chia sẻ câu chuyện buồn: “Ngay cả cái khóa cổ bò chúng ta vẫn phải đi nhập khẩu”. Đề cập về môi trường kinh doanh, ông Hải cho rằng, thủ tục vẫn chưa suôn sẻ. “Chúng ta phấn khởi với chế độ một cửa, nhưng thông tin rất mù mờ…”.

Tại một hội nghị lắng nghe trực tiếp ý kiến về đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn gần đây, nhiều DN lớn đầu tư vào nông nghiệp vẫn “than khó”. Được biết đến là DN xuất khẩu lá tía tô đi Nhật với giá 500 - 700 đồng/lá, nhưng bà Ninh Thị Ty, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Hồ Gươm chia sẻ: Đầu tư vào nông nghiệp là cả quá trình gian truân. DN phải mất đến 7 năm để hoàn thành thủ tục về đất. Đến nay, DN cũng chưa nhận được một đồng nào hỗ trợ từ các chương trình hỗ trợ đầu tư nông nghiệp công nghệ cao…

Trong khuôn khổ Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV, đại biểu Quốc hội Nguyễn Hữu Thuận (Hải Phòng) nhìn nhận, thời gian qua xuất khẩu nông nghiệp của Việt Nam có vui, nhưng vui chưa nhiều, điệp khúc được mùa mất giá liên tiếp xảy ra. Chúng ta phải giải cứu hết lợn, gà, dưa, chuối..., bởi sản xuất nông nghiệp chưa thực sự gắn với thị trường, tiêu dùng, nên chuỗi giá trị chưa phát huy tác dụng. Chính sách của chúng ta đứt đoạn, chúng ta mới quan tâm nhiều cho khâu hỗ trợ sản xuất, chưa gắn với quyết định để thúc đẩy sản xuất, nông nghiệp ở khâu bảo quản, tiêu thụ...

Niềm vui với chính sách mới về đầu tư vào nông nghiệp

Để tháo gỡ khó khăn khi đầu tư vào nông nghiệp, mới đây Chính phủ đã ban hành Nghị định 57/2018/NĐ-CP về cơ chế, chính sách khuyến khích DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn (NĐ57) thay thế Nghị định 210/2013/NĐ-CP với rất nhiều điểm mới.
Để tháo gỡ khó khăn khi đầu tư vào nông nghiệp, mới đây Chính phủ đã ban hành Nghị định 57/2018/NĐ-CP về cơ chế, chính sách khuyến khích DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn (NĐ57) thay thế Nghị định 210/2013/NĐ-CP với rất nhiều điểm mới. Bày tỏ niềm vui với chính sách mới về đầu tư vào nông nghiệp, ông Hải chia sẻ: “Khi cầm trên tay nghị định này, chúng tôi vui mừng vì Nghị định đi vào vấn đề chi tiết hỗ trợ DN đầu tư vào nông nghiệp như: tích tụ đất đai, vốn...”.

Theo Vụ Kinh tế nông nghiệp thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, phát huy tính đúng đắn, sáng tạo của Nghị định 210/2013/NĐ-CP, NĐ57 tập trung vào các nhóm vấn đề mà DN và Chính phủ quan tâm. Cụ thể, về cải cách thủ tục hành chính, NĐ57  quán triệt tinh thần chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết 35 về hỗ trợ DN và phát triển DN, Nghị quyết 19 về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, với quan điểm là giảm thủ tục “chính là hỗ trợ tiền” cho DN. Các thủ tục trước đây đã được cắt giảm gồm 03 thủ tục về xây dựng (cấp phép xây dựng, cấp phép quy hoạch, cấp phép thẩm định thiết kế), giảm 01 thủ tục về quyết định chủ trương đầu tư, giảm 01 thủ tục về thẩm tra công nghệ; các thủ tục còn lại cho phép thực hiện lồng ghép, nội dung trong từng bước thực hiện cũng được quy định minh bạch và đơn giản hơn.

Đối với hỗ trợ tập trung đất đai, NĐ57 bổ sung quy định hỗ trợ kinh phí tại Khoản 2, Điều 7. Theo đó, DN có dự án nông nghiệp (đặc biệt ưu đãi đầu tư, ưu đãi đầu tư và khuyến khích đầu tư) nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất của hộ gia đình, cá nhân để hình thành vùng nguyên liệu được Nhà nước hỗ trợ xây dựng hạ tầng vùng nguyên liệu với mức hỗ trợ 50 triệu đồng/ha, nhưng không quá 10 tỷ đồng/dự án và không phải chuyển sang thuê đất đối với diện tích đất nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất. Nghị định mới cũng sửa đổi các quy định liên quan đến miễn, giảm tiền sử dụng đất của các dự án nông nghiệp được Nhà nước giao đất phù hợp với quy định của Luật Đất đai.

Về hỗ trợ tín dụng đầu tư, Nghị định cũng tạo thuận lợi cho địa phương về hành lang pháp lý khi hỗ trợ DN vay tín dụng thực hiện các dự án nông nghiệp. Nghị định mới cũng đề cập đến vấn đề hỗ trợ phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ trong nông nghiệp; hỗ trợ trực tiếp một số sản phẩm nông sản chủ lực quốc gia…