Nhà đầu tư mỏ titan ở Bình Thuận: Kiến nghị cập nhật thời hạn hoạt động dự án

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Bốn nhà đầu tư dự án khai thác titan ở Bình Thuận mới đây có văn bản gửi Cơ quan thường trực Hội đồng thẩm định quy hoạch tỉnh và UBND tỉnh Bình Thuận kiến nghị giữ đúng thời hạn hoạt động như giấy phép khai thác khoáng sản, cập nhật dự án vào dự thảo Quy hoạch tỉnh Bình Thuận thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, để tạo nền tảng pháp lý đồng bộ trong triển khai các dự án tại địa phương này.
Khai thác sa khoáng titan là một lĩnh vực kinh tế trụ cột của Bình Thuận. Ảnh: Phú An
Khai thác sa khoáng titan là một lĩnh vực kinh tế trụ cột của Bình Thuận. Ảnh: Phú An

Ngày 18/7/2023, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn tới năm 2050, trong đó 4 mỏ thuộc 4 nhà đầu tư có kiến nghị đều nằm trong danh mục các dự án khai thác quặng titan được phê duyệt.

Trong đơn kiến nghị đề ngày 9/9/2023, Công ty TNHH Tân Quang Cường cho biết, Dự án Mỏ titan Nam Suối Nhum có thời hạn khai thác đến hết 27/4/2038 (23 năm). Tuy nhiên, trong Dự thảo Quy hoạch tỉnh Bình Thuận, mỏ Nam Suối Nhum chỉ được khai thác tới năm 2025. Do đó, Công ty TNHH Tân Quang Cường kiến nghị giữ nguyên thời hạn hoạt động của Dự án đến hết ngày 27/4/2038 như quy định trong Giấy chứng nhận đầu tư và giấy phép khai thác khoáng sản đã được UBND tỉnh Bình Thuận và Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp, nhằm phù hợp với quy hoạch vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Với lý do tương tự, Công ty CP Đầu tư tổng hợp Long Sơn kiến nghị giữ đúng thời hạn hoạt động của Dự án Mỏ titan Long Sơn - Suối Nước đến hết ngày 30/6/2035.

Về Dự án Mỏ titan Hồng Thắng 1, Công ty CP Đầu tư thương mại Quang Minh đang hoàn tất các thủ tục tiếp theo để đưa Dự án vào khai thác trong năm 2025. Đối với Dự án Mỏ titan Hồng Thắng 2, Công ty CP Vật liệu xây dựng và Khoáng sản Bình Thuận được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép thăm dò khoáng sản vào tháng 12/2015; ngày 18/7/2017, bộ này đã phê duyệt trữ lượng mỏ Hồng Thắng 2.

Hai nhà đầu tư này cho biết, đối chiếu dự thảo Quy hoạch tỉnh Bình Thuận thì chưa có danh mục 2 dự án Hồng Thắng 1, Hồng Thắng 2 trong bảng Phụ lục 19 kèm theo Thuyết minh quy hoạch và kèm theo Tờ trình số 3453/SKHĐT-KH ngày 17/8/2023 của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Thuận gửi Hội đồng thẩm định. Do đó, nhà đầu tư kiến nghị cập nhật 2 dự án vào Quy hoạch tỉnh Bình Thuận để đồng bộ với Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Đại diện các nhà đầu tư cho rằng, một bản quy hoạch có chất lượng tốt sẽ khai thác và phát huy được tiềm năng, thế mạnh của địa phương, giúp Bình Thuận có được đường đi nhanh nhất, hiệu quả nhất để đạt mục tiêu đề ra. “Chính vì vậy, chúng tôi, các nhà đầu tư trong lĩnh vực sa khoáng titan, một lĩnh vực trụ cột của Bình Thuận mong mỏi Quy hoạch tỉnh sẽ được thống nhất, đồng bộ với các quy hoạch ngành, quy hoạch vùng… trong đó có quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản đã được phê duyệt”, vị đại diện cho biết.

Liên quan đến kiến nghị của 4 nhà đầu tư trong lĩnh vực khai khoáng, chế biến titan trên, ngày 18/9/2023, Cơ quan thường trực Hội đồng thẩm định quy hoạch tỉnh - Bộ Kế hoạch và Đầu tư - đã có Văn bản số 7673/BKHĐT-QLQH gửi UBND tỉnh Bình Thuận đề nghị địa phương này xem xét, chỉ đạo các cơ quan chức năng làm rõ nội dung phản ánh của các nhà đầu tư; đồng thời chỉ đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan xem xét, cập nhật và hoàn thiện hồ sơ quy hoạch tỉnh Bình Thuận (nếu có thay đổi), gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ xem xét, rà soát hồ sơ quy hoạch tỉnh Bình Thuận sau khi UBND Tỉnh có văn bản thông báo kết quả giải quyết kiến nghị của 4 nhà đầu tư theo quy định.

Phóng viên Báo Đấu thầu đã liên hệ với ông Đoàn Anh Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận để tìm hiểu thông tin về giải quyết kiến nghị của 4 nhà đầu tư. Ông Dũng cho biết, Bình Thuận đang trong quá trình hoàn thiện hồ sơ quy hoạch, hiện sở Sở Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan được giao nhiệm vụ này. Được biết, tháng 5/2023, Quy hoạch tỉnh Bình Thuận thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Hội đồng thẩm định quy hoạch tỉnh tiến hành thẩm định và biểu quyết đồng ý thông qua với điều kiện phải chỉnh sửa, bổ sung và hoàn thiện. Bản Quy hoạch xác định phát triển Bình Thuận trên 3 trụ cột là công nghiệp (nòng cốt là công nghiệp năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, công nghiệp chế biến chế tạo); dịch vụ và nông nghiệp, với mục tiêu đến năm 2030, quy mô GRDP đạt 266.357 tỷ đồng, tăng gấp 3,18 lần so với năm 2020 (năm 2020 đạt 83.726 tỷ đồng)

Tin cùng chuyên mục