Đến nay, Bắc Kinh vẫn chưa có động thái nào để "giải cứu" thị trường chứng khoán như đã làm trong đợt sụt giảm hồi năm 2015 - Ảnh: Getty. |
Thị trường chứng khoán Trung Quốc ngày 18/10 sụt giảm xuống mức thấp nhất trong 4 năm và đồng Nhân dân tệ chạm đáy của 2 năm, thách thức khả năng của Chính phủ nước này trong việc lập lại ổn định thị trường tài chính trong bối cảnh rủi ro gia tăng đối với nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới.
Theo hãng tin Bloomberg, nỗi lo giải chấp (margin call) trên diện rộng đã khiến chỉ số Shanghai Composite Index của sàn chứng khoán Thượng Hải có lúc mất 3% điểm số. Cứ hơn 13 cổ phiếu giảm giá mới có một cổ phiếu tăng giá.
Nỗ lực của các chính quyền địa phương Trung Quốc nhằm vực dậy niềm tin vào các công ty nhỏ hơn đã không thể cải thiện tâm lý nhà đầu tư. Mối lo ngại ngày càng lớn về ảnh hưởng của chiến tranh thương mại Mỹ-Trung đối với tăng trưởng kinh tế Trung Quốc được xem là nguyên nhân chính khiến cổ phiếu bị bán tháo.
Vào hôm thứ Tư, đài tiếng nói Trung Quốc đưa tin Thủ tướng Lý Khắc Cường cảnh báo rằng nền kinh tế nước này đang đối mặt áp lực suy giảm tăng trưởng ngày càng lớn, đồng thời tuyên bố Chính phủ sẽ có các biện pháp nhằm ngăn chặn biến động lớn về tốc độ tăng trưởng.
Công ty chứng khoán Pingan Securities nói rằng dữ liệu ngày thứ Tư cho thấy hoạt động tín dụng được đẩy mạnh đã không thể trấn an được nhà đầu tư vốn đang kỳ vọng Chính phủ Trung Quốc có hành động mạnh tay hơn để cứu tăng trưởng.
Đồng Nhân dân tệ rớt giá sau khi Bộ Tài chính Mỹ ngày 17/10 không "dán nhãn" thao túng tỷ giá lên Trung Quốc trong báo cáo tiền tệ ra mỗi năm hai lần. Sự kiềm chế của Washington được xem là giúp Bắc Kinh có thêm dư địa để cho phép tỷ giá đồng nội tệ giảm sâu hơn. Sau báo cáo của Bộ Tài chính Mỹ, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đã giảm 0,25% tỷ giá tham chiếu Nhân dân tệ cho ngày thứ Năm.
Vào buổi chiều, tỷ giá Nhân dân tệ tại thị trường ngoài Trung Quốc đại lục rớt xuống ngưỡng 6,94 Nhân dân tệ đổi 1 USD. Một số nhà đầu tư lo ngại Nhân dân tệ sẽ rớt quá ngưỡng tâm lý then chốt 7 Nhân dân tệ đổi 1 USD.
Các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc đang đối mặt với một thế cân bằng khó khăn là giữ ổn định tài chính trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế giảm tốc, chiến tranh thương mại leo thang với Mỹ, và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) nâng lãi suất.
Đến nay, Bắc Kinh vẫn chưa có động thái nào để "giải cứu" thị trường chứng khoán như đã làm trong đợt sụt giảm hồi năm 2015. Tuy nhiên, một số nhà phân tích đã kêu gọi cơ quan chức năng Trung Quốc hành động.
Hiện nay, lượng cổ phiếu ký quỹ trên thị trường chứng khoán Trung Quốc đã lên tới 603 tỷ USD, tương đương 11% tổng giá trị vốn hóa, dẫn tới lo ngại rằng việc giải chấp sẽ đẩy thị trường vào một vòng xoáy đi xuống.
"Đã đến lúc nhà nước cần vào cuộc", nhà quản lý quỹ Dong Baozhen thuộc Beijing Tonglingshengtai Asset Management nhận định. "Các quỹ đầu tư quốc gia không thể đứng bên lề để nhìn bầu không khí quá đỗi bi quan này".
Chính quyền một số tỉnh thành như Thẩm Quyến, Shunde, Haidian… đã vào cuộc giúp các công ty niêm yết có trụ sở tại địa phương. Tuy nhiên, sự hỗ trợ này chỉ được xem như muối bỏ bể.
Lúc gần 3h chiều theo giờ địa phương, Shanghai Composite Index giảm còn 2.487 điểm, gần mức đóng cửa thấp nhất kể từ tháng 11/2014. Từ mức đỉnh hồi tháng 1 đến nay, chỉ số này đã giảm 30%, đưa chứng khoán Trung Quốc trở thành thị trường có mức giảm điểm mạnh nhất thế giới.
Sắc đỏ trên thị trường chứng khoán Trung Quốc đã lan rộng sang các thị trường khác trong khu vực phiên này. Tại Hồng Kông, chỉ số Hang Seng mất 0,4%, còn tại Nhật Bản, chỉ số Nikkei giảm 0,7%.
Chỉ số MSCI châu Á-Thái Bình Dương không bao gồm Nhật Bản giảm 0,5%.