Nhà giàu Hà Nội “đua” nhau bán nhà nội đô, ra ngoại thành làm “biệt thự vườn”

Không khí ô nhiễm, hạ tầng trung tâm quá tải gây ra sự ùn tắc, ngột ngạt trong nội đô, nhiều người Hà Nội có xu hướng dịch chuyển ra ngoại thành sinh sống.

Đầu tư bạc tỷ, làm nhà vườn ngoại thành

Cách đây 3 năm, sau khi về hưu, gia đình cô Nguyễn Thị Xuân (66 tuổi, Hoàng Mai) Hà Nội quyết định bán căn nhà rộng 30 m2 ở Định Công đầu tư mua mảnh đất ở Thạch Thất (Hà Nội).

Số tiền 3,5 tỷ sau khi bán nhà cộng với một phần lương tích cóp, đủ để cô Xuân mua được một mảnh đất rộng gần 1.000 m2 và xây một căn nhà nhỏ dưỡng già.

Nhiều gia đình ở Hà Nội có xu hướng chuyển ra ngoại thành sinh sống. Trong ảnh là những khu nhà vườn xanh mát mắt tại khu vực Quốc Oai (Hà Nội). 

Mỗi buổi sáng, hai vợ chồng cô Xuân dậy từ 5 giờ, đạp xe hoặc đi bộ quanh làng, sau đó về trồng rau, nuôi gà. Cuộc sống an nhàn, hòa mình với thiên nhiên, cây cối khiến hai vợ chồng cô như “khỏe ra chục tuổi”. “Từ khi chuyển về ngoại thành, tôi thấy sức khỏe của mình tốt hơn rất nhiều, tinh thần cũng phấn chấn hơn. Đặc biệt tôi rất ít khi phải đi chợ, chủ yếu tự cung tự cấp, trồng rau, nuôi gà, thả cá ở ao… ”, cô Xuân nói. 

Căn nhà cô Xuân chỉ cách trung tâm Thủ đô khoảng 30 phút chạy xe, nên việc di chuyển khá thuận lợi. Cứ mỗi cuối tuần, hai người con gái của cô Xuân lại đưa cả gia đình về nhà, nấu ăn và tận hưởng không khí trong lành ở ngoại ô.

Không khí ô nhiễm, hạ tầng trung tâm quá tải gây ra sự ùn tắc, ngột ngạt trong nội đô, nhiều người Hà Nội có xu hướng dịch chuyển ra ngoại thành sinh sống.

Từ ngày chuyển ra ngoại thành, cả gia đình tiết kiệm được một khoản tiền lớn đi du lịch. “Ngôi nhà tôi ở nằm ở giữa những hàng cây xanh mát, trong vườn lại trồng rất nhiều hoa, quả. Không chỉ thoáng đãng, sạch sẽ mà đồ ăn cũng ngon nên tôi thường nói đùa vui với các con, nhà mình ở cũng không gì “resort 5 sao”, cô Xuân cười nói.

Trong khi đó, chị Hương 34 tuổi (Ba Đình, Hà Nội) cũng vừa đầu tư một thửa đất rộng gần 2000 m2 ở khu vực Sóc Sơn làm nhà vườn. Do có con nhỏ, công việc vẫn ở trong nội đô nên chỉ cuối tuần gia đình chị Hương mới tranh thủ về nghỉ ngơi.

Ngoài căn nhà gỗ rộng khoảng 100 m2, xung quanh nhà, chị trồng đủ cây ăn quả và rau xanh, đồng thời nuôi thêm gần 100 con gà lấy trứng và cung cấp thịt.

Không có mặt thường xuyên, chị Hương thuê một người “quản gia” với giá 4 triệu đồng/ tháng để trông nhà, dọn dẹp và chăm sóc vườn tược. “Cuối tuần tôi về lấy thực phẩm sạch và nghỉ ngơi. Không khí ở ngoại ô thoáng mát, không gian lại rộng rãi nên bọn trẻ thỏa sức chạy nhảy, chơi đùa”, chị Hương nói.

Xu hướng chuyển dịch ra ngoại thành sống ngày càng rõ rệt

Theo các chuyên gia bất động sản, khu vực trung tâm Hà Nội đang phát triển đến điểm ngưỡng, ở trong trạng thái quá tải hạ tầng, gây ra sự ùn tắc, ngột ngạt.

Giá đất nội đô cũng tăng cao, ngoài tầm với của một phần lớn cư dân đô thị. Do đó, việc dịch chuyển ra các khu vực ngoại thành là xu hướng tất yếu. Thực tế, ở nước ngoài, việc làm nhà vườn ở ngoại ô đã quen thuộc, nhưng ở Việt Nam xu hướng này mới chỉ “nở rộ” và phát triển trong khoảng 5 -7 năm trở lại đây.

“Cùng với số tiền là 3 tỷ đồng nhưng nếu chuyển ra khu vực ngoại ô thì người dân có nhiều lựa chọn hơn.

Thậm chí nếu không cần vị trí quá đắc địa, ngay gần mặt đường lớn thì số tiền này vừa có thể đủ tiền mua đất, vừa có thể làm nhà, thiết kế vườn tược khang trang, trong khi nếu ở trong Thủ đô chỉ có thể lựa chọn các căn nhà với diện tích hạn chế, trong những con ngõ nhỏ chật chội”, anh Bình – chủ một mô giới nhà đất khu vực Quốc Oai (Hà Nội) nói.

Các vùng ven ngoại đô Hà Nội có hạ tâng giao thông hiện đại, kết nối tốt với trung tâm cũng tạo nên sức hút khiến nhiều người có xu hướng chuyển ra ngoại thành sinh sống

Cũng theo môi giới này, thị trường bất động sản ngoại đô, đặc biệt là các khu vực Gia Lâm. Đông Anh, Quốc Oai, Đan Phượng… trở nên hấp dẫn còn bởi việc cải thiện hệ thống giao thông, hạ tầng đô thị và sự xuất hiện của hàng loạt các khu đô thị vệ tinh lớn, sôi động.

Điều này tạo nên sự kết nối thuận tiện giữa khu vực vùng ven và trung tâm thành phố. So với khoảng vài năm trước, giá đất nền khu vực này đã tăng khoảng từ 20-30%, cá biệt có một số nơi tăng đến 50-60%.

“Từ đầu năm đến nay thị trường đất ở các khu vực vùng ven ngoại thành luôn sôi động. Đơn cử như khu vực Quốc Oai, số lượng người tìm kiếm và giao dịch tăng gấp 1,5-2 lần so với những tháng cuối năm ngoái và tăng gấp 2-3 lần so với các năm trước. Trong đó rất nhiều khách hàng có nhu cầu tìm mua đất nền với diện tích lớn để làm trang trại, nhà xưởng, biệt thự vườn…”, anh Bình khẳng định.

Theo các chuyên gia, khu vực trung tâm Hà Nội đang phát triển đến điểm ngưỡng, ở trong trạng thái quá tải hạ tầng, gây ra sự ùn tắc, ngột ngạt, xu hướng dịch chuyển ra ngoại đô là tất yếu.

GS Đặng Hùng Võ – Nguyên thứ trưởng Bộ tài nguyên Môi Trường cũng nhận định, xu hướng sống xanh và sự dịch chuyển cư dân ra khu vực ven đô, đang đi đúng quy luật tất yếu của thị trường, đồng thời là một tín hiệu đáng mừng.

Theo kết quả điều tra dân số và nhà ở trên địa bàn Hà Nội, đến tháng 4/2019 dân số Hà Nội vào khoảng 8 triệu người (2,22 triệu hộ dân cư). Trung bình mỗi năm, lại tăng thêm khoảng 160.000 người, tương đương một huyện lớn. Gia tăng dân số đang tạo áp lực lên hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông đô thị, môi trường và nhà ở của Thủ đô.

Biểu hiện rõ nhất là trong những năm gần đây, Hà Nội thường xuyên xảy ra ngập, tắc đường, ô nhiễm không khí, tiếng ồn...

Chính vì thế, xu hướng ly tâm, rời nhà ra ngoại đô ở không chỉ góp phần hình thành các khu đô thị vệ tinh trong tương lai mà còn giúp giãn dân, giảm áp lực hạ tầng, sự ùn tắc trong nội đô, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống trong đô thị.

“Tôi cho rằng, thị trường bất động sản vùng ven đô đang phát triển theo đúng quy luật. Bởi vì, người dân có nhu cầu sống bình yên hơn chắc chắn sẽ tăng cầu ở khu vực ven đô. Điều đó có nghĩa, phần cung sẽ phát triển để bảo đảm”. GS Đặng Hùng Võ nói.

Tuy nhiên, nhu cầu người dân tăng cao dễ khiến thị trường có nguy cơ “sốt” ảo, đẩy giá đất tăng lên cao gấp nhiều lần giá trị thực tế. Do đó, khi đầu tư, mua đất, người mua cần nghiên cứu kỹ tính pháp lý và quy hoạch phát triển của từng địa phương, từng vùng để hạn chế rủi ro.

Tin cùng chuyên mục