Nhà nước có thể thu 1,6 tỷ USD từ thương vụ bán vốn ACV

ACV vừa trình phương án bán đấu giá công khai 20% cổ phần sau khi thất bại trong quá trình đàm phán với Tập đoàn Sân bay Paris.
ACV triển khai phương án bán đấu giá công khai khi không tìm được tiếng nói chung với Tập đoàn Sân bay Paris.
ACV triển khai phương án bán đấu giá công khai khi không tìm được tiếng nói chung với Tập đoàn Sân bay Paris.

Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (mã CK: ACV) vừa trình Bộ Giao thông Vận tải phương án bán đấu giá công khai 20% cổ phần, tương đương 435,4 triệu cổ phiếu vào quý III năm sau.

Căn cứ theo giá đóng cửa phiên giao dịch chiều nay, quy mô số cổ phẩn chào bán xấp xỉ 38.000 tỷ đồng, tương đương 1,67 tỷ USD. Dự kiến 10,4% cổ phần sẽ được bán tiếp vào năm 2020 theo đúng lộ trình thoái vốn của Chính phủ.

Điều này cũng cho thấy quá trình đàm phán với Tập đoàn Sân bay Paris (Aéroports de Paris - ADP) trong hơn nửa năm đã kết thúc mà không tìm được tiếng nói chung. Nguyên nhân đàm phán thất bại là do khác biệt quá lớn về giá nhà nước chào bán và mức tối đa đối tác sẵn sàng mua.

Theo đánh giá của Công ty cổ phần Chứng khoán TP HCM, ACV đang tích cực đẩy nhanh quá trình đàm phán với Bộ Giao thông Vận tải về những vấn đề liên quan đến cho thuê tài sản khu bay. Đây là rào cản lớn nhất khiến công ty chưa đủ điều kiện niêm yết trên sàn HoSE. Nếu đàm phán kết thúc suôn sẻ trong năm nay, công ty có thể hủy niêm yết trên thị trường UPCoM để chuyển sàn trong vòng 6 tháng tới.

Thương vụ thoái vốn Nhà nước và chuyển sàn niêm yết sẽ thu hút thêm sự quan tâm của thị trường đến mã cổ phiếu ACV. Bên cạnh đó, việc bán cổ phần cho nhà đầu tư tài chính còn mang đến cho công ty một số tác động tích cực như gia tăng tính minh bạch và công tác quản trị do phải giải trình định kỳ về các động lực tăng trưởng chủ chốt, thanh khoản cải thiện nhờ khối lượng cổ phiếu tự do chuyển nhượng tăng lên…

HSC ước tính giá trị hợp lý của cổ phiếu này là 95.000 đồng và xứng đáng cao hơn 10% so với bình quân khu vực nhờ triển vọng tăng trưởng vượt trội trong trung hạn, đặc biệt là kế hoạch mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất. Hiện, công ty là đơn vị độc quyền kinh doanh, quản lý và vận hành 22 cảng hàng không quốc tế và quốc nội trong cả nước với 65% doanh thu đến từ bán hàng miễn thuế tại các sân bay.

Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam đặt mục tiêu tổng doanh thu và lợi nhuận trước thuế năm nay lần lượt đạt 13.293 tỷ đồng và 3.669 tỷ đồng. Sản lượng vận chuyển đạt 91 triệu khách và 1.182 tấn hàng hoá, tương ứng mức tăng 13% và 5% so với năm trước.

Kế hoạch tài chính được lập dựa trên đơn giá dịch vụ hàng không đang áp dụng theo quyết định của Bộ Tài chính ban hành tháng 8/2014. Kế hoạch này cũng chưa tính đến hoạt động của khu bay và ảnh hưởng chênh lệch tỷ giá do đánh giá lại các khoản mục tiền tệ có gốc ngoại tệ mà chủ yếu là khoản nợ vay ODA bằng đồng yên Nhật.

Năm nay, công ty dự kiến triển khai 6 dự án nâng cấp cơ sở hạ tầng cảng hàng không với tổng mức đầu tư lên đến 6.050 tỷ đồng. Trong đó, dự án mở rộng sân đỗ máy bay rộng 21 ha và nhà ga hành khách quốc tế của sân bay Tân Sơn Nhất có tổng mức đầu tư lớn nhất, ước tính khoảng 2.000 tỷ đồng. Đồng thời, khảo sát và lập báo cáo nghiên cứu tính khả thi của Dự án nâng cao năng lực khai thác tại sân bay Tân Sơn Nhất và sân bay Nội Bài.

Tin cùng chuyên mục