Công ty CP Công trình giao thông Hà Nội đang thi công một số gói thầu thuộc các dự án mở rộng mặt đường trên địa bàn Thủ đô. Ảnh: Lê Tiên |
Công ty CP Công trình giao thông Hà Nội hoạt động chính trong lĩnh vực quản lý, duy tu bảo trì và xây dựng cơ bản các công trình hạ tầng kỹ thuật giao thông. Công ty hiện là đơn vị quản lý một số cầu lớn của TP. Hà Nội như cầu Nhật Tân, Đông Trù, Thanh Trì, Chương Dương, Vĩnh Tuy... và hệ thống đường, hè thuộc 5 quận nội thành.
Hiện nay, Công trình giao thông Hà Nội đang thi công một số gói thầu thuộc các dự án xén dải phân cách mở rộng mặt đường Liễu Giai, Văn Cao và sửa chữa đảm bảo an toàn giao thông hầm cơ giới Kim Liên. Trước đó, nhà thầu này được lựa chọn thực hiện các gói thầu thuộc Dự án Xén mở rộng đường Láng đoạn từ Cầu Giấy đến Ngã tư Sở và Dự án Xén dải phân cách mở rộng mặt đường Nguyễn Chí Thanh (đoạn từ nút giao đường Láng đến nút giao Đê La Thành).
Đáng chú ý, đầu năm 2021, Công trình giao thông Hà Nội được Ban Duy tu các công trình hạ tầng giao thông lựa chọn thực hiện Gói thầu số 02 Quản lý, bảo trì hệ thống hạ tầng giao thông đường bộ trên địa bàn các quận: Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai; các cầu lớn: Nhật Tân, Chương Dương, Vĩnh Tuy, Thanh Trì; đường nhánh, đường gom và đường dẫn hai đầu cầu Nhật Tân; đường Võ Chí Công với giá trúng thầu 538,6 tỷ đồng, thấp hơn 19 tỷ đồng so với giá gói thầu.
Công ty CP Công trình giao thông Hà Nội tiền thân là đội sửa chữa cầu đường nội thành, thành lập năm 1966. Tháng 8/2015, Công ty tổ chức đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) và bán thành công 2,301 triệu cổ phần với giá đấu thành công bình quân 16.431 đồng/cổ phần. Công ty chính thức hoạt động theo mô hình công ty cổ phần vào tháng 2/2016 với vốn điều lệ 115 tỷ đồng. Hiện UBND TP. Hà Nội vẫn là cổ đông lớn nhất nắm giữ 73,85% vốn điều lệ Công ty.
Trước đó là Gói thầu số 02 Quản lý, bảo trì hệ thống hạ tầng giao thông đường bộ trên địa bàn quận Long Biên; các huyện: Gia Lâm, Mê Linh, Đông Anh, Sóc Sơn; cầu Đông Trù với giá trúng thầu gần 406,2 tỷ đồng (đạt tỷ lệ tiết kiệm 3,5%). Tham gia cùng Công trình giao thông Hà Nội tại gói thầu này là Công ty CP Công trình giao thông 2 Hà Nội.
Ngoài lĩnh vực xây dựng, doanh nghiệp này còn hoạt động trong mảng kinh doanh bất động sản cho thuê và được biết đến là chủ đầu tư tòa văn phòng hạng C cao 12 tầng HTP Buiding tại số 434 Trần Khát Chân, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Hiện Công trình giao thông Hà Nội đang có kế hoạch thực hiện Dự án Xây dựng văn phòng, dịch vụ thương mại tại Khu B số 434 Trần Khát Chân và đang chờ UBND TP. Hà Nội phê duyệt phương án sử dụng đất theo Nghị định 167/NĐ-CP ngày 31/12/2017 của Chính phủ quy định về việc sắp xếp lại, xử lý tài sản công.
Về hoạt động kinh doanh, lợi nhuận ròng năm 2020 của Công ty không đổi so với năm trước, đạt 6,9 tỷ đồng dù doanh thu giảm nhẹ 5,8% xuống còn 275,4 tỷ đồng. Trong 6 tháng đầu năm 2021, Công trình giao thông Hà Nội ước tính doanh thu và lãi ròng lần lượt đạt 140 tỷ đồng (hoàn thành 50% kế hoạch năm 2021) và 3,2 tỷ đồng (hoàn thành 51,61% kế hoạch năm).
Tính đến cuối năm 2020, tổng tài sản của Công trình giao thông Hà Nội ở mức 274 tỷ đồng với tình hình tài chính khá lành mạnh khi nợ phải trả chiếm 56%, tương đương 155,2 tỷ đồng. Trong đó, Công ty không phát sinh nợ vay mà chiếm phần lớn là khoản phải trả người bán.
Sau khi lên sàn UPCoM với giá tham chiếu 10.000 đồng/cổ phần, kết phiên ngày 6/8, chưa có cổ phiếu GH3 nào được giao dịch thành công.