Nhanh chóng bước lên “con tàu” 4.0

(BĐT) - Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) đang mở ra rất nhiều cơ hội cho nền kinh tế, giúp tăng năng suất lao động, tiết kiệm chi phí, mang lại lợi ích to lớn cho Nhà nước, doanh nghiệp (DN) và người dân. 
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đặt ra 4 vấn đề cần giải quyết nhằm đưa Việt Nam bứt lên trong CMCN 4.0. Ảnh: Trần Thanh Hải
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đặt ra 4 vấn đề cần giải quyết nhằm đưa Việt Nam bứt lên trong CMCN 4.0. Ảnh: Trần Thanh Hải

Tuy nhiên, nếu không có cách tiếp cận đúng và bắt kịp trình độ phát triển của thế giới, Việt Nam sẽ đối mặt với nguy cơ tụt hậu ngày càng xa về công nghệ.

Đảo chiều trong tư duy và hành động

Phát biểu tại Diễn đàn cấp cao về công nghiệp 4.0 diễn ra tại Hà Nội ngày 13/7, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng: CMCN 4.0 là cơ hội tốt để Việt Nam đảo chiều về đầu tư, thương mại, dịch vụ, giáo dục và đào tạo… “Sự đảo chiều trong tư duy và hành động rất quan trọng, chứ không phải thói quen sản xuất theo truyền thống lạc hậu”, Thủ tướng nhấn mạnh và cho rằng, CMCN 4.0 chính là cơ hội để Việt Nam hiện thực hóa khát vọng phồn vinh.

Nhìn lại tình hình phát triển khoa học công nghệ (KHCN) và đổi mới sáng tạo thời gian qua, Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh cho biết, trong 10 năm qua, nền kinh tế số Việt Nam đã phát triển không ngừng cả về nền tảng hạ tầng kết nối số lẫn thị trường kinh doanh. Số người sử dụng Internet ở Việt Nam từ gần 18 triệu người (năm 2007) đã tăng lên 64 triệu người vào năm 2017, chiếm gần 67% dân số. Việt Nam xếp thứ 13 trong top 20 quốc gia có dân số sử dụng Internet đông nhất thế giới. Các DN viễn thông, Internet ở Việt Nam đã phát triển liên tục và đạt mức doanh thu 6,1 tỷ USD, góp phần tạo ra hơn 851.000 việc làm. Đáng chú ý, các DN Việt Nam đã có sự chuyển động trong đẩy mạnh ứng dụng các công nghệ của CMCN 4.0.

“Đáng mừng là một số DN khởi nghiệp lĩnh vực này đã có những kết quả khả quan. Những DN dẫn dắt như Viettel, CMC… đã có nhiều sản phẩm công nghệ mới và hướng tới xuất khẩu”, lãnh đạo Bộ KH&CN cho biết và nhấn mạnh, nếu chúng ta quyết liệt, khẩn trương và có những chiến lược với các giải pháp cụ thể, Việt Nam sẽ bắt nhịp được với CMCN 4.0.

Cũng theo Bộ KH&CN, đến nay, trong lĩnh vực kinh doanh dịch vụ tài chính dựa trên nền tảng công nghệ (Fintech), đã có 78 công ty Fintech hoạt động ở Việt Nam với giá trị ước tính khoảng 78 tỷ USD. Trong lĩnh vực nông nghiệp, phát triển nông nghiệp công nghệ cao liên tục được đẩy mạnh, thu hút nhiều DN lớn cũng như các DN khởi nghiệp…

Đặc biệt, theo thông tin mới nhất Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) công bố ngày 10/7, năm 2018, chỉ số Đổi mới sáng tạo của Việt Nam tiếp tục tăng 2 bậc so với năm 2017, đứng ở vị trí 45/126 quốc gia và nền kinh tế được xếp hạng. Đây cũng là thứ hạng cao nhất Việt Nam đạt được cho đến nay. 

Việt Nam không thể nằm ngoài “cuộc chơi” 4.0

Trước câu hỏi liệu Việt Nam có nằm ngoài cuộc chơi CMCN 4.0 hay không, Thủ tướng khẳng định: “Câu trả lời là không. CMCN 4.0 là cuộc chơi mà mỗi quốc gia mặc định là một phần trong đó”. Thủ tướng cũng cho rằng, những kết quả nêu trên mới chỉ là bước đầu. Chúng ta cần có các giải pháp tổ chức triển khai nhanh, quyết liệt, hiệu quả hơn nữa. Vì vậy, vấn đề của Việt Nam là lựa chọn nắm cơ hội từ CMCN 4.0 để vượt qua thách thức, nắm lấy cơ hội để nhanh chóng bước lên “con tàu” 4.0.

Trên cơ sở đó, Thủ tướng đặt ra 4 vấn đề cần giải quyết nhằm đưa Việt Nam bứt lên trong cuộc cách mạng này. Một là, nhận thức về cuộc cách mạng sâu sắc và rõ ràng hơn cả về bước đi và cách làm. Theo Thủ tướng, CMCN 4.0 là cuộc cách mạng diễn ra ngay trong đời sống, ngay trong các ứng dụng của cá nhân. Từ đó, chúng ta sẽ thay đổi phương thức và nhận thức về nền kinh tế số, thay đổi giải pháp công nghệ chứ không chỉ áp dụng công nghệ truyền thống. Hai là, hành động của chúng ta ra sao, những công việc gì phải làm để có tốc độ phát triển cao hơn? Vấn đề đào tạo nguồn nhân lực sẽ như thế nào để đáp ứng? Ba là, phát triển hạ tầng, nhất là hạ tầng công nghệ thông tin đòi hỏi cần thêm yếu tố gì để nắm bắt thành công. Bốn là, hành động xử lý những mặt trái của CMCN 4.0 để không ai bị bỏ lại phía sau.

"Việt Nam có nhiều lợi thế về dân số trẻ, năng động và thích ứng nhanh. Tuy nhiên, chúng ta còn nhiều bất cập về nhận thức, cơ sở hạ tầng nên phải xem lại chính sách phát triển", Thủ tướng chỉ rõ.

Để có thể nắm bắt tốt nhất cơ hội, Thủ tướng cho biết, Chính phủ, các bộ, ngành sẽ phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương xây dựng Nghị quyết của Bộ Chính trị về CMCN 4.0, gắn CMCN 4.0 với Chiến lược quốc gia của Việt Nam. Đồng thời, xây dựng đề án, chương trình hành động về CMCN 4.0 của Việt Nam với sự tham gia của các bộ, ngành. Cùng với đó, xây dựng mạng lưới nhân tài, kể cả người Việt và những người quan tâm đến Việt Nam, các chuyên gia giỏi của quốc tế về CMCN 4.0.

Nhanh chóng bước lên “con tàu” 4.0 ảnh 1
Ông Albert Antoine, chuyên gia tư vấn cao cấp về trí tuệ nhân tạo và công nghệ

Chúng ta không nên quá lo ngại khi CMCN 4.0 phát triển mạnh, các quốc gia phát triển sẽ đóng cửa nhà máy tại các nước họ đang đầu tư. Vấn đề quan trọng nhất để giữ chân nhà đầu tư chính là nước sở tại phải không ngừng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Bởi lẽ, trong cuộc cách mạng này, họ luôn cần nhân lực chất lượng cao ở quốc gia sở tại. Chỉ trong trường hợp họ không tìm được nguồn nhân lực chất lượng tốt thì nguy cơ phải di chuyển nhà máy là hiện thực. Vì thế, chúng ta cần nâng cao chất lượng đào tạo, cung cấp kỹ năng phù hợp cho người lao động để đáp ứng nhu cầu CMCN 4.0…

Nhanh chóng bước lên “con tàu” 4.0 ảnh 2
Ông Chu Ngọc Anh, Bộ trưởng Bộ KH&CN

Để nắm bắt cơ hội, chủ động ứng phó với tác động của CMCN 4.0, Việt Nam đã, đang và sẽ kiên trì thực hiện quan điểm của Đảng về phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo cùng với phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Đây cũng là đòn bẩy của tái cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng; nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh của DN cũng như của cả nền kinh tế.

Tin cùng chuyên mục