Nhật Bản hỗ trợ 21 tỷ Yên vốn ODA để Việt Nam thực hiện 2 dự án

(BĐT) - Hai Hiệp định vay vốn với tổng giá trị 21 tỷ Yên được đại diện Chính phủ Việt Nam và đại diện Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) ký kết ngày 16/1, tại Hà Nội.
Nhật Bản hỗ trợ 21 tỷ Yên vốn ODA để Việt Nam thực hiện 2 dự án

Các khoản vay ODA sẽ hỗ trợ cải cách chính sách và thể chế thông qua việc hỗ trợ tài chính và đối thoại chính sách nhằm tăng cường năng lực cạnh tranh quốc tế cũng như ứng phó với biến đổi khí hậu.

Hai dự án sử dụng vốn vay ODA lần này gồm có Chương trình Tín dụng Hỗ trợ quản lý Kinh tế và Nâng cao Năng lực cạnh tranh (III) - EMCC và Chương trình Hỗ trợ ứng phó với biến đổi khí hậu (VII) - SPRCC, trong đó: Hiệp định vốn vay cho Chương trình EMCC được ký kết trên cơ sở trao đổi Công hàm đã diễn ra ngày 6/9/2016 và Hiệp định vốn vay cho Chương trình SPRCC được ký kết trên cơ sở trao đổi Công hàm diễn ra cùng ngày 16/1/2017.

Chương trình Tín dụng Hỗ trợ quản lý Kinh tế và Nâng cao Năng lực cạnh tranh (III) - EMCC là chương trình hỗ trợ thực hiện hiệu quả các cải cách chính sách và thể chế (bao gồm ổn định tài chính, tăng cường kỷ luật tài chính, cải cách hành chính, nâng cao trình độ quản lý doanh nghiệp nhà nước và đầu tư công, tinh giản các thủ tục hành chính) nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh quốc tế của nền kinh tế của Việt Nam. Chương trình được thực hiện thông qua hỗ trợ tài chính và đối thoại chính sách, dự kiến đồng tài trợ với Ngân hàng thế giới và một số nhà tài trợ khác. Trị giá khoảng vay cho Chương trình này là 11 tỷ Yên, lãi suất phần xây lắp là 1,4%/năm. Dự kiến, Dự án hoàn thành vào tháng 3/2017 cùng với việc giải ngân nguồn vốn vay lần cuối.

Chương trình Hỗ trợ ứng phó với biến đổi khí hậu (VII) - SPRCC sẽ hỗ trợ giảm thiểu tác hại, tăng thích ứng với biến đổi khí hậu và giải quyết các vấn đề liên ngành thông qua đối thoại chính sách và hỗ trợ tài chính cho Việt Nam. JICA chủ động thực hiện những dự án giúp Việt Nam giải quyết các vấn đề phát triển thông qua các hình thức hỗ trợ khác nhau, trong đó có vốn vay ODA, hợp tác kỹ thuật và viện trợ không hoàn lại.

Từ thập niên 90 đến nay, kinh tế Việt Nam luôn duy trì mức tăng trưởng ổn định. Năm 2010, Việt Nam đã hoàn thành mục tiêu quốc gia trở thành nước có thu nhập trung bình thấp, đồng thời giảm đáng kể tỷ lệ hộ nghèo. Bắt đầu từ năm 2015, các hàng rào thuế quan trong khu vực ASEAN đã dần được xóa bỏ. Để thực hiện mục tiêu quốc gia trở thành nước công nghiệp hóa, Việt Nam cần thực hiện đổi mới cơ cấu kinh tế, cải cách hành chính quốc gia thông qua nâng cấp hệ thống tài chính và cơ sở hạ tầng để cải thiện môi trường đầu tư nhằm ổn định kinh tế vĩ mô trong trung và dài hạn đồng thời tăng cường năng lực cạnh tranh quốc tế. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng cần nâng cao mức thu nhập cho người dân ở nông thôn, cải thiện vệ sinh môi trường đang xuống cấp do quá trình đô thị hóa, đồng thời khắc phục tính dễ bị tổn thương do tác động của biến đổi khí hậu. Trong bối cảnh này, các khoản vay ODA sẽ hỗ trợ cải cách chính sách và thể chế thông qua việc hỗ trợ tài chính và đối thoại chính sách nhằm tăng cường năng lực cạnh tranh quốc tế cũng như ứng phó với biến đổi khí hậu.

Tin cùng chuyên mục