Nhật Bản xem xét các biện pháp thuế đáp trả Mỹ tăng thuế nhôm, thép

Nhật Bản đang cân nhắc áp thuế đối với hàng xuất khẩu của Mỹ có tổng trị giá 409 triệu USD nhằm đáp trả việc Washington gần đây tăng thuế đối với mặt hàng nhôm và thép nhập khẩu.
Ảnh minh họa. (Nguồn: allamericanclothing.com)
Ảnh minh họa. (Nguồn: allamericanclothing.com)

Theo đài truyền hình NHK, Chính phủ Nhật Bản có kế hoạch trong tuần này thông báo với Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) kế hoạch nâng mức thuế đối với hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ. Việc thông báo với WTO là một thủ tục cần thiết theo các quy định thương mại toàn cầu. 

Giới phân tích nhận định động thái trên có thể là một phần trong các nỗ lực của Tokyo để Washington đưa Nhật Bản vào danh sách các nước được miễn áp dụng các mức tăng thuế của Mỹ. Các mức thuế Nhật Bản dự định áp đặt với hàng xuất khẩu của Mỹ có trị giá tương đương các mức thuế mà Mỹ áp đặt đối với hàng hóa nhập khẩu từ Nhật Bản.

Một quan chức chính phủ Nhật Bản cho biết nước này đang cân nhắc hành động dựa trên các quy định của WTO, song chưa đưa ra quyết định cuối cùng về việc có áp dụng các biện pháp thuế đáp trả Mỹ hay không. Tokyo hiện đang nghiên cứu tác động của chính sách thuế của Mỹ đối với các công ty Nhật Bản.

Nhật Bản là quốc gia đồng minh duy nhất của Mỹ không được miễn trừ trong quyết định thuế mới đây của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Tokyo tỏ ra thận trọng đối với khả năng tham gia cuộc chiến pháp lý giữa Trung Quốc và EU với Mỹ tại WTO bởi Nhật Bản có quan hệ quốc phòng mật thiết với Mỹ. Tuy nhiên, một số quan chức Nhật Bản cho biết nước này không loại trừ khả năng đưa tranh cãi thương mại với Mỹ ra WTO.

Hiện đang bùng nổ những tranh cãi thương mại giữa Mỹ và các đối tác xoay quanh các mức thuế mới mà Washington công bố áp đặt đối với các sản phẩm nhôm và thép nhập khẩu. Trung Quốc, EU, Ấn Độ và Nga đã khiếu nại lên WTO về vấn đề này.

Tổng thống Trump đã ra lệnh tạm hoãn áp dụng các mức thuế nhập khẩu mới này đối với một số đối tác trong khi tiến hành thảo luận để tìm kiếm một giải pháp dài hạn hơn. Ngoài EU được miễn trừ đến ngày 31/5, có 6 nước khác được tạm thời miễn trừ gồm Argentina, Australia, Brazil, Canada, Mexico và Hàn Quốc./.

Tin cùng chuyên mục