Nếu đồng yên chạm mức “nguy hiểm” 105 yên/USD, Ngân hàng Trung ương Nhật sẽ buộc phải hành động ngay lập tức - Ảnh: Reuters. |
Nhiều khả năng chính phủ Nhật chuẩn bị đưa ra cả gói kích thích tài khóa và tiền tệ trong những tuần tới để kiềm chế đồng Yên tăng giá và giúp kinh tế tăng trưởng, theo tin từ CNBC.
Thời gian gần đây, Nhật liên tiếp lên tiếng kêu gọi các nước đồng minh thuộc G20, đặc biệt là Mỹ, ủng hộ Nhật, trong việc hạ giá đồng Yên. Tuy nhiên, trong buổi họp G20 vào cuối tuần trước, Mỹ đã “dội gáo nước lạnh” vào nguyện vọng của Nhật.
Tính đến cuối tháng 3/2016, việc đồng Yên không ngừng tăng giá đã khiến kim ngạch xuất khẩu của Nhật giảm tháng thứ 6 liên tiếp.
Trong tuần trước, hai trận động mạnh khiến kinh tế đảo Kyushu phía Nam nước Nhật và kinh tế Nhật nói chung ảnh hưởng nặng nề. Hàng loạt các doanh nghiệp lớn của Nhật bao gồm Toyota, Sony đang phải tạm ngưng sản xuất tại các nhà máy trên đảo này. Các chính trị gia Nhật đang gây ra nhiều sức ép lên chính phủ để buộc chính phủ đưa ra các biện pháp hỗ trợ nền kinh tế.
Thủ tướng Nhật Shinzo Abe nhiều khả năng sẽ công bố về một gói kích thích tài khóa mới với quy mô khoảng 10 nghìn tỷ Yên (khoảng 91 tỷ USD) trong buổi họp của nhóm G7 vào cuối tháng 5 tới.
Khoản chi tiêu trên là còn chưa kể đến gói chi tiêu để hỗ trợ cho vùng bị động đất tại đảo Kyushu.
Theo những cố vấn kinh tế của Thủ tướng Nhật, những tác động kinh tế tiêu cực từ hai trận động đất vừa qua ở đảo Kyushu có thể khiến chính phủ Nhật tạm thời hoãn không tăng thuế tiêu dùng trong năm nay.
Từ năm 2013 đến nay, chính phủ Nhật đã dành khoảng 80 nghìn tỷ Yên để mua trái phiếu trong nỗ lực chấm dứt tình trạng giảm phát và kinh tế tăng trưởng yếu.
Tuy nhiên, khá nhiều chuyên gia hoài nghi về tác động của những chính sách kích thích tài khóa tiền tệ mà Ngân hàng Trung ương Nhật chuẩn bị đưa ra.
“Hiện không thể chắc chắn rằng liệu nguồn thu từ thuế có tăng đủ để chính phủ đưa ra một gói kích thích kinh tế lớn như vậy, và nếu khả năng đó có xảy ra thì kinh tế sẽ chuyển hướng tích cực hơn. Chính sách lãi suất âm của chính phủ Nhật đã chẳng tạo ra được điều gì khác biệt”, chuyên gia kinh tế trưởng tại viện nghiên cứu Dai-ichi Life, ông Hideo Kumano, dự báo.
Theo một số ý kiến khác, ở hiện tại, nếu chính phủ Nhật không nới lỏng chính sách tiền tệ thì họ cũng chẳng còn biện pháp nào tốt hơn. Trong hội nghị G20 vào tuần trước, chính phủ Mỹ nhấn mạnh rằng G20 cam kết ngăn chặn các hành vi phá giá đồng tiền và rằng mong muốn hạ giá đồng yên chỉ đến từ phía Nhật.
Trong tuần trước, đồng Yên đã tăng giá lên mức 108 Yên/USD, cao nhất trong gần 1 năm rưỡi. Nếu đồng Yên chạm mức “nguy hiểm” 105 Yên/USD, Ngân hàng Trung ương Nhật sẽ buộc phải hành động ngay lập tức. Những phiên gần đây, đồng Yên dao động quanh ngưỡng 109 Yên/USD.
Ngoài ra, hiện cũng có không ít ý kiến cho rằng chính phủ Nhật nên in thêm tiền để bơm vào nền kinh tế, bởi các chuyên gia kinh tế cho rằng chỉ bằng cách đó thì tín dụng mới có thể tăng trưởng mạnh.