Nhiệm kỳ Chính phủ 2016 - 2021: Khơi thông nguồn lực cho phát triển kinh tế

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2016 - 2020 của Chính phủ trong phiên khai mạc Kỳ họp thứ 11 Quốc hội khóa XIV, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết, con tàu Việt Nam đã vượt qua hải trình dồn dập bão tố của biết bao khó khăn, thách thức lớn hơn, vượt xa hơn so với những dự tính ban đầu. Trong khó khăn, với nhiều giải pháp đồng bộ, nguồn lực cho phát triển kinh tế đã được khơi thông để đưa con tàu tăng trưởng Việt Nam tới chân trời mới.
Năm 2020, Việt Nam là nước duy nhất có tăng trưởng GDP dương trong 6 nền kinh tế lớn tại Đông Nam Á. Ảnh: Lê Tiên
Năm 2020, Việt Nam là nước duy nhất có tăng trưởng GDP dương trong 6 nền kinh tế lớn tại Đông Nam Á. Ảnh: Lê Tiên

Nhìn lại những thành tựu nổi bật của nhiệm kỳ 2016 - 2021 của Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, các đột phá chiến lược là ưu tiên cao trong chỉ đạo điều hành của Chính phủ. Nhờ vậy, nguồn lực cho phát triển ngày càng được khơi thông.

Trước hết là đột phá về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa nhằm mở đường khơi thông nguồn lực cho phát triển. Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh do Chính phủ đề xuất đã tập trung vào các ưu tiên và tập trung nguồn lực cho thực hiện, tháo gỡ các ách tắc, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, hội nhập của hệ thống pháp luật.

Về đột phá nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, Chính phủ luôn nỗ lực tháo gỡ bằng nhiều biện pháp, với đầu tư nâng cao chất lượng nhân lực, giải quyết việc làm cho gần 8 triệu lao động, coi con người là trung tâm của sáng tạo. Theo đó, suốt thời gian qua, Chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu của Việt Nam gần đây liên tục tăng cao, dẫn đầu Nhóm quốc gia có thu nhập trung bình thấp (năm 2020 xếp thứ 42/131).

Bên cạnh đó, nhiều công trình hạ tầng được hoàn thành, đưa vào sử dụng, tạo điều kiện thu hút đầu tư, phát triển các ngành, lĩnh vực, nâng cao chất lượng tăng trưởng, tăng cường sức cạnh tranh và tạo nên diện mạo mới cho đất nước.

Trong nhiệm kỳ, Chính phủ khuyến khích khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, phát triển các doanh nghiệp nhỏ và vừa, hình thành và phát triển các tập đoàn kinh tế tư nhân quy mô lớn; đẩy mạnh thoái vốn tại các doanh nghiệp nhà nước; hội nhập quốc tế; tăng cường thu hút FDI trên cơ sở nâng cao chất lượng dòng vốn…

Trong 5 năm qua, khoảng 1.300 tỷ USD giá trị tăng thêm đã được tạo ra. Năm 2020, Việt Nam là nước duy nhất có tăng trưởng GDP dương trong 6 nền kinh tế lớn tại Đông Nam Á. Tăng trưởng bình quân giai đoạn 2016 - 2019 đạt 6,8%; bình quân 2016 - 2020 đạt 5,99%, cao hơn 5,91% của giai đoạn 2011-2015, thuộc nhóm các nước tăng trưởng cao nhất khu vực và thế giới..

Bên cạnh những kết quả tích cực mà Chính phủ đạt được trong nhiệm kỳ 2016 - 2021, Thủ tướng cũng chỉ ra một số điểm tồn tại, hạn chế cần tập trung khắc phục. Đơn cử như tình trạng đề nghị điều chỉnh chương trình xây dựng luật vẫn chưa được khắc phục triệt để, cũng như chất lượng một số hồ sơ dự án, dự thảo văn bản pháp luật chưa đạt yêu cầu. Việc triển khai thi hành pháp luật có lúc có nơi còn chậm…

Cùng với đó là việc thực hiện các trọng tâm cơ cấu lại nền kinh tế chưa được như kỳ vọng. Hoạt động sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước chưa đạt mục tiêu; công tác quy hoạch, hạ tầng, quản lý đất đai, đô thị ở một số nơi còn bị buông lỏng; tiến độ thực hiện một số dự án trọng điểm quốc gia còn chậm. Phát triển kinh tế vùng để tạo tác động liên kết, lan tỏa phát triển chưa thực sự tương xứng với tiềm năng. Tình trạng ô nhiễm môi trường tại các khu, cụm công nghiệp, làng nghề còn chậm được xử lý…

Bên cạnh đó, Báo cáo đã đưa ra những bài học kinh nghiệm lớn từ nhiệm kỳ qua. Trước hết là quán triệt sự lãnh đạo của Đảng để thể chế hóa thành các chủ trương, đường lối phù hợp; chấp hành sự giám sát của Quốc hội; kịp thời báo cáo Quốc hội và phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong việc ban hành chính sách, pháp luật làm cơ sở cho Chính phủ điều hành kinh tế, xã hội, xử lý những vấn đề mới do thực tiễn đặt ra.

Thứ hai, thực hiện chức năng kiến tạo phát triển, phải sâu sát lắng nghe từ thực tiễn sôi động, nhận diện đúng tình hình, trọng tâm, bản chất sự việc để có quyết sách phù hợp; chủ động rà soát, tháo gỡ những điểm nghẽn, khơi thông nguồn lực cho phát triển; đổi mới, sáng tạo, linh hoạt và quyết liệt trong quản lý, điều hành, hài hòa giữa mục tiêu trước mắt và mục tiêu trung, dài hạn.

Thứ ba là phát huy truyền thống yêu nước, niềm tự hào dân tộc, tinh thần đoàn kết, khơi dậy khát vọng quốc gia hùng cường và phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp, nhân dân cả nước.

Thứ tư là tích cực đổi mới phương thức làm việc, thực sự lấy người dân và doanh nghiệp là trung tâm phục vụ; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước gắn với việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, công khai, minh bạch hoạt động công vụ.

Cuối cùng là xác định rõ các động lực tăng trưởng, phát huy tiềm năng, thế mạnh từng ngành, từng địa phương; thúc đẩy liên kết vùng; phát huy tiềm năng trí tuệ, sức sáng tạo mạnh mẽ của con người Việt Nam trong phát triển nền kinh tế số; kết hợp hài hòa giữa tăng trưởng nhanh và phát triển bền vững…