Chính phủ sẽ tập trung dỡ bỏ rào cản đối với hoạt động đầu tư, kinh doanh nhằm tạo thuận lợi, nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp. Ảnh: Lê Tiên |
Xây dựng lực lượng doanh nghiệp dẫn dắt
Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) cùng Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ vừa tổ chức lễ khởi động Dự án Tăng cường năng lực canh tranh của khu vực tư nhân Việt Nam. Tại buổi lễ, ông Lê Mạnh Hùng, Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp thuộc Bộ KH&ĐT cho biết, khoản hỗ trợ trị giá 36 triệu USD để thực hiện Dự án là nguồn lực quý báu, kịp thời, hỗ trợ triển khai thực hiện các chủ trương chính sách của Đảng và Chính phủ về phát triển khu vực kinh tế tư nhân, đặc biệt trong bối cảnh DN chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19.
Điểm khác biệt nhất của Dự án này là thiết kế gói hỗ trợ riêng biệt cho các DN đang tăng trưởng và có thể trở thành DN dẫn dắt trong một số ngành, lĩnh vực. Bởi theo ông Lê Mạnh Hùng, trong hơn 3 thập kỷ qua, khu vực kinh tế tư nhân Việt Nam có sự phát triển mạnh mẽ cả về số và chất lượng nhưng năng lực cạnh tranh vẫn còn nhiều mặt hạn chế.
Cụ thể, quy mô DN tư nhân còn quá nhỏ bé, thiếu vắng lực lượng DN có vai trò tiên phong, dẫn dắt. Mặt khác, đa số DN tư nhân có trình độ quản lý thấp, chất lượng nguồn nhân lực yếu cả về số lượng và chất lượng, tư duy kinh doanh vẫn còn manh mún và ngắn hạn. Năng lực khoa học công nghệ của khu vực này còn hạn chế, có nơi rất lạc hậu. DN chưa mạnh dạn đầu tư cho ứng dụng và phát triển khoa học công nghệ, nhất là công nghệ lõi, công nghệ tiên phong. Hiện tại chỉ có khoảng 10% số DN đã đăng ký hoặc đăng ký thành công một bằng sáng chế trong vòng 3 năm vừa qua. Đầu tư của DN cho đổi mới khoa học công nghệ chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ, dưới 1% doanh thu, thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực như: Ấn Độ, Thái Lan, Singapore…
Mặt khác, tính liên kết, văn hóa hợp tác giữa các DN còn mang tính hình thức. DN chưa chú trọng cải thiện khả năng liên kết, cải thiện khả năng cạnh tranh để tham gia chuỗi giá trị trong khu vực và toàn cầu.
Đồng bộ nhiều giải pháp khác
Ngay từ những ngày đầu năm 2022, Quốc hội, Chính phủ đã thực hiện hàng loạt giải pháp để hỗ trợ phục hồi, phát triển sản xuất, kinh doanh cho DN, trong đó có khu vực kinh tế tư nhân. Tại kỳ họp bất thường vừa được Quốc hội tổ chức, các đại biểu đã bấm nút thông qua Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội với quy mô khoảng 350.000 tỷ đồng.
Theo ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, đây được xem là “phao cứu sinh” hỗ trợ trực tiếp và gián tiếp cho DN khôi phục, phát triển sản xuất, kinh doanh. Thông qua đó, mỗi DN có thể tự thay đổi để thích ứng với bối cảnh mới, từ đó nâng cao sức cạnh tranh.
Những ngày đầu năm mới, Chính phủ tiếp tục ban hành Nghị quyết số 02/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2022 được cộng đồng DN và người dân đánh giá cao. Một trong những điểm nhấn của Nghị quyết số 02 là tập trung thực hiện các nhóm nhiệm vụ, giải pháp cắt giảm danh mục ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện và cải cách điều kiện kinh doanh; dỡ bỏ rào cản đối với hoạt động đầu tư, kinh doanh do chồng chéo, mâu thuẫn, không hợp lý, khác biệt của các quy định pháp luật… để tạo thuận lợi, nâng cao sức cạnh tranh của DN.
Để sớm đưa Nghị quyết số 02/NQ-CP vào cuộc sống, ngày 24/1, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Duy Đông chủ trì họp với các đơn vị liên quan về vấn đề này. Cuộc họp tập trung vào việc đốc thúc các bộ, ngành, địa phương xây dựng, ban hành kế hoạch hành động nhằm bám sát thực hiện nội dung của Nghị quyết; dự kiến, thành lập tổ công tác về việc thực hiện Nghị quyết…
Với những động thái tích cực từ phía cơ quan quản lý, ông Võ Tá Lương, Tổng giám đốc Công ty CP Vĩnh Hưng - DN được tiếp cận vốn từ Dự án Tăng cường năng lực canh tranh khu vực tư nhân Việt Nam - tin tưởng, DN sẽ có sự bứt phá, nâng cao sức cạnh tranh, tiến ra biển lớn.