Nhiều chuyên gia dự báo kinh tế Mỹ “hụt hơi” trong năm 2019

Nhiều nhà dự báo cho rằng nền kinh tế Mỹ sẽ “đuối sức” trong năm 2019 và thậm chí có thể rơi vào suy thoái trong năm 2020...
Tổng thống Mỹ Donald Trump - Ảnh: Bloomberg/Getty.
Tổng thống Mỹ Donald Trump - Ảnh: Bloomberg/Getty.

Nhờ tác dụng của chương trình cắt giảm thuế quy mô lớn mà chính quyền Tổng thống Donald Trump triển khai, kinh tế Mỹ tăng trưởng mạnh năm nay. 

Tuy nhiên, nhiều nhà dự báo cho rằng nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ "đuối sức" trong năm 2019 và thậm chí có thể rơi vào tình trạng suy thoái trong năm 2020.

Theo hãng tin CNBC, đây chính là một trong những lý do khiến thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm mạnh những phiên vừa qua.

Tuần này, nhiều ngân hàng lớn của Mỹ đã công bố dự báo kinh tế năm tới. Hai nhà băng hàng đầu là Goldman Sachs và JPMorgan Chase đều cho rằng tăng trưởng kinh tế Mỹ sẽ giảm còn dưới 2% trong nửa sau của năm 2019. Các chuyên gia kinh tế của hai ngân hàng này cũng nhận định Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ có 4 lần nâng lãi suất trong năm 2019.

Có nhiều nhân tố được cho là sẽ khiến kinh tế Mỹ giảm tốc trong năm tới, nhưng được nói tới nhiều nhất là việc Mỹ nâng lãi suất và ảnh hưởng của chiến tranh thương mại Mỹ-Trung nếu cuộc chiến này tiếp diễn. Đa phần giới chuyên gia không cho rằng kinh tế Mỹ sẽ suy thoái trong năm 2019, nhưng từ năm 2020 trở đi, khả năng suy thoái sẽ tăng lên.

"Mọi chuyện sẽ tùy thuộc vào FED. Nếu họ tiếp tục hướng tăng lãi suất như hiện nay, thì cho rằng sẽ có suy thoái vào nửa đầu năm 2020", chuyên gia kinh tế trưởng Joseph LaVorgna của Natixis nhận định.

Vị chuyên gia này dự báo kinh tế Mỹ tăng trưởng 2,5% trong năm 2019, trong đó tốc độ của 6 tháng cuối năm sẽ giảm so với đầu năm".

Thị trường chứng khoán Mỹ hiện đã rơi vào trạng thái giảm điểm so với thời điểm đầu năm. Tính từ tháng 9, chỉ số S&P 500 đã giảm 9%. Hơn 40% số cổ phiếu trong S&P 500 đã giảm ít nhất 20% từ mức đỉnh gần nhất, đáp ứng định nghĩa trạng thái thị trường đầu cơ giá xuống (bear market).

"Những gì đang diễn ra trên thị trường cho thấy nỗi lo suy thoái đang tăng lên", ông James Paulsen, chiến lược gia trưởng thuộc Leuthold Group, nhận định.

Tuy nhiên, suy thoái được cho là khó xảy ra với kinh tế Mỹ trước năm 2020, và sự giảm tốc trong năm 2019 được nhận định sẽ đưa nền kinh tế này về với tốc độ tăng trưởng chậm và đều như trước năm 2018.

Trong 11 quý vừa qua, kinh tế Mỹ tăng trưởng quanh ngưỡng 2%, với ngoại lệ tăng 4,2% trong quý 2/2018.

"Mọi yếu tố đều cho thấy sự giảm tốc trong năm tới. Lãi suất vay thế chấp nhà tăng lên cản trở hoạt động xây dựng. Số đơn đặt hàng mua thiết bị của các doanh nghiệp chững lại. Người tiêu dùng không còn nhiều tiền giảm thuế để tiêu… Tôi cho rằng kinh tế Mỹ sẽ tăng trưởng 3,2% trong năm nay, nếu chúng ta có mức tăng 3% trong quý 4", chuyên gia kinh tế trưởng Chris Rupkey của MUFG Union Bank nhận xét.

Ông Rupkey dự báo kinh tế Mỹ đạt tốc độ tăng trưởng 2,7% trong năm 2019. Tuy nhiên, mức dự báo trung bình về tăng trưởng kinh tế Mỹ năm tới do một nhóm 10 chuyên gia kinh tế được CNBC khảo sát đưa ra là 2,4%.

"Chúng tôi dự báo mức tăng trên 2% một chút, khoảng 2,25%", chuyên gia kinh tế trưởng Diane Swonk thuộc Grant Thornton phát biểu. "Mức tăng không mạnh, nhưng vẫn sẽ giữ tỷ lệ thất nghiệp ở mức thấp. Điều khó khăn nhất đối với thị trường chứng khoán là điều gì sẽ xảy ra với lợi nhuận. Tác dụng của việc cắt giảm thuế sẽ không còn nữa".

Vào cuối tuần tới, Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ có cuộc gặp bên lề thượng đỉnh G20 ở Argentina để bàn giải pháp tháo gỡ cuộc chiến thương mại giữa hai nước. Cuộc gặp này được dự báo sẽ là cơ sở để giới đầu tư xác định hướng đi của thị trường tài chính trong thời gian tới, cũng như hướng đi của nền kinh tế Mỹ, Trung Quốc và thế giới.

"Đang có một số lo ngại về những gì đang diễn ra với Trung Quốc và trong bức tranh tăng trưởng kinh tế thế giới", ông Rupkey nói. Vị chuyên gia nhấn mạnh rằng sự giảm tốc của kinh tế Trung Quốc đang ảnh hưởng đến các nền kinh tế mới nổi khác và cả châu Âu.

"Tôi thấy kinh tế châu Âu đang yếu đi ", bà Swonk nhận định. "Tôi không cho rằng châu Âu sẵn sàng cho sự giảm tốc của kinh tế Trung Quốc. Có nhiều rủi ro mà chúng tôi chưa thể hiểu hết trong hệ thống kinh tế toàn cầu".

Tin cùng chuyên mục