Nhiều địa phương phía Nam chậm giải ngân đầu tư công

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Áp lực giải ngân vốn đầu tư công tại nhiều địa phương phía Nam đang tăng dần khi đã qua nửa chặng đường của năm 2024 mà tiến độ thực hiện nhiều dự án hạ tầng trọng điểm vẫn chậm, lượng vốn bố trí cho năm 2024 chưa giải ngân còn rất lớn. Nhiều địa phương được giao kế hoạch vốn lớn như TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu… đều có tốc độ giải ngân chậm.
Tổng kế hoạch vốn năm 2024 của TP.HCM là hơn 79,263 nghìn tỷ đồng, 6 tháng đầu năm mới giải ngân gần 10,9 nghìn tỷ đồng, đạt khoảng 13,8%. Ảnh: Lê Tiên
Tổng kế hoạch vốn năm 2024 của TP.HCM là hơn 79,263 nghìn tỷ đồng, 6 tháng đầu năm mới giải ngân gần 10,9 nghìn tỷ đồng, đạt khoảng 13,8%. Ảnh: Lê Tiên

Kết quả giải ngân vốn đầu tư công tại các công trình, dự án trọng điểm quốc gia, giao thông liên vùng do các địa phương phía Nam quản lý ở mức thấp hơn nhiều so với kỳ vọng, trong khi những vướng mắc dù dần được tháo gỡ song vẫn rất chậm. Số liệu của Bộ Tài chính cho thấy, lượng vốn chưa thể giải ngân của 5 dự án xây dựng đường cao tốc, vành đai do các địa phương phía Nam quản lý và triển khai lên tới hơn 36.044 tỷ đồng.

Cụ thể, năm 2024, Dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu được bố trí 6.489,1 tỷ đồng, tính tới ngày 12/6/2024 mới giải ngân được 918,6 tỷ đồng, đạt 14,2%. Ngoại trừ cao tốc Cao Lãnh - An Hữu có kết quả giải ngân khả quan với 71,4% kế hoạch thì 3 dự án còn lại trong nhóm này đều giải ngân “lẹt đẹt”. Đơn cử, Dự án Vành đai 3 - TP.HCM năm nay được bố trí 21.490 tỷ đồng, nhưng mới giải ngân được 2.284,1 tỷ đồng, đạt 10,6%. Số vốn còn phải giải ngân trong năm nay là 19.205 tỷ đồng. Trong các dự án thành phần (DATP) thuộc dự án này, có 2 DATP giải ngân đạt quá thấp. Đó là DATP 1 do UBND TP.HCM quản lý giải ngân được 468,8 tỷ đồng trên tổng số vốn 9.500 tỷ đồng được bố trí (đạt 4,9%); DATP 3 do UBND tỉnh Đồng Nai quản lý giải ngân được 67,8 tỷ đồng trên tổng số vốn 700 tỷ đồng được bố trí (đạt 9,7%).

Ở 19 địa phương thuộc 2 khu vực Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ, có 24 dự án giao thông liên vùng được bố trí khoảng 9.621 tỷ đồng. Tính đến ngày 12/6, nhóm dự án này giải ngân được số vốn là 2.019,4 tỷ đồng, tương ứng 20,9% kế hoạch.

Số liệu của Bộ Tài chính cho thấy, trong nhóm dự án liên vùng, có không ít dự án được bố trí lượng vốn lớn nhưng giải ngân “không trôi”. Có thể kể đến Dự án Xây dựng nút giao thông An Phú (TP.HCM) được bố trí 500 tỷ đồng năm 2024 nhưng mới giải ngân được 0,1 tỷ đồng. Tương tự, Dự án Đường tỉnh 823D (trục mở mới Tây Bắc kết nối Long An - TP.HCM) do tỉnh Long An quản lý được bố trí 406 tỷ đồng, giải ngân được 4,2 tỷ đồng, đạt 1%. Dự án Đường từ Quốc lộ 53 - Khu công nghiệp Hòa Phú - đường Phú Lộc Bầu Gốc - Quốc lộ 1 (tỉnh Vĩnh Long) được bố trí 338 tỷ đồng, giải ngân được 29 tỷ đồng, đạt 8,6%. Dự án đường vành đai phía Tây TP. Cần Thơ được bố trí 310 tỷ đồng, giải ngân được 4,7 tỷ đồng, đạt 1,5%…

Không chỉ chậm ở các dự án cao tốc, vành đai, giao thông liên vùng, áp lực giải ngân đầu tư công đang “phả hơi nóng” tới nhiều địa phương, đặc biệt là các tỉnh, thành có lượng vốn kế hoạch lớn. Thực tế, cả 4 địa phương trong vùng Đông Nam Bộ có kế hoạch vốn lớn đều có tốc độ giải ngân chậm.

Tại phiên họp về tình hình kinh tế - xã hội vào chiều 1/7, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM chia sẻ lo lắng về tiến độ giải ngân đầu tư công của Thành phố. Năm 2024, tổng kế hoạch vốn của TP.HCM là hơn 79.263 tỷ đồng, nhưng 6 tháng đầu năm mới giải ngân gần 10.900 tỷ đồng, đạt khoảng 13,8%. Nếu như quý I giải ngân 7% thì quý II tụt xuống 6,8%, trong khi mục tiêu đặt ra là giải ngân đến hết quý II phải trên 22%. Những con số này cho thấy sự hụt hơi của TP.HCM trong giải ngân nguồn vốn này. Như vậy, trong các tháng còn lại của năm 2024, mỗi tháng TP.HCM phải giải ngân 13% (bằng tỷ lệ giải ngân của cả 6 tháng đầu năm) thì mới có thể đạt mục tiêu giải ngân trên 95% của năm 2024. Người đứng đầu UBND TP.HCM băn khoăn đặt câu hỏi “có thể làm được?" với các sở, ngành, quận, huyện và chủ đầu tư, đồng thời yêu cầu rà soát các dự án, đề xuất điều chỉnh vốn kịp thời.

Năm 2024, các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu được bố trí kế hoạch vốn lần lượt là 22.000, 15.700 và 20.600 tỷ đồng. Tính đến ngày 27/6/2024, tỉnh Bình Dương giải ngân được 4.191 tỷ đồng, đạt 19,1% kế hoạch. Tại Hội nghị sơ kết công tác đầu tư công 6 tháng đầu năm 2024 (ngày 1/7), ông Nguyễn Văn Dành, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương đánh giá, tỷ lệ giải ngân chưa đạt kỳ vọng, lượng vốn chưa giải ngân còn lớn và tập trung ở các công trình, dự án trọng điểm. Lãnh đạo tỉnh Bình Dương chỉ ra các khó khăn, vướng mắc chủ yếu liên quan đến cơ chế, chính sách, công tác đền bù, giải phóng mặt bằng (GPMB) và sự phối hợp giải quyết các vướng mắc… Hiện nay, Bình Dương đang triển khai nhiều dự án trọng điểm như: Vành đai 3, Vành đai 4 - TP.HCM, Quốc lộ 13, cao tốc TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành, cầu Bạch Đằng 2…

Tại Bà Rịa - Vũng Tàu, Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết, 6 tháng đầu năm, tỉnh này giải ngân thấp hơn cùng kỳ năm trước, chỉ đạt 24,81% kế hoạch, tương đương giá trị hơn 4.874 tỷ đồng.

Hiện nay, dù chưa công bố con số giải ngân nửa đầu năm, nhưng tính đến ngày 30/4/2024, Đồng Nai mới giải ngân được 1.908 tỷ đồng, đạt 12,14% kế hoạch. Vướng mắc lớn của Tỉnh là GPMB, nhất là ở các dự án giao thông trọng điểm như 2 DATP thuộc cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, Vành đai 3 - TP.HCM, Đường ven sông và công viên, kè bờ sông Đồng Nai (đoạn từ cầu Hóa An đến giáp ranh huyện Vĩnh Cửu), Đường ven sông Cái từ Hà Huy Giáp đến Trần Quốc Toản… Dù địa phương này đã vào cuộc rầm rộ triển khai “chiến dịch” GPMB mấy tháng nay, nhưng kết quả không được như kỳ vọng.

Đối với 13 tỉnh, thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long, tốc độ giải ngân đầu tư công có khá hơn. Điểm chung là các địa phương này có quy mô kế hoạch vốn vừa phải, ở mức từ 4.000 đến 9.700 tỷ đồng/địa phương, cao nhất là TP. Cần Thơ (9.700 tỷ đồng), nên “nhẹ gánh” hơn trong tổ chức triển khai kế hoạch đầu tư công. Tuy nhiên, giải ngân đầu tư công vẫn là nhiệm vụ nặng nề bởi các địa phương này phải đối mặt với tình trạng thiếu cát đắp nền cho các công trình xây dựng.

Trao đổi với phóng viên Báo Đấu thầu, nhiều chủ đầu tư, ban quản lý dự án cho biết, năm 2024, mục tiêu giải ngân trên 95% vốn được giao là thách thức và rất áp lực. Tuy nhiên, các chủ đầu tư đều kỳ vọng, với sự quyết liệt ở khâu GPMB, đấu thầu và nhất là nỗ lực giải quyết nguồn cung cát đắp nền cho các dự án trọng điểm với việc mở rộng thí điểm sử dụng cát biển, nhiều mỏ cát sông được đưa vào khai thác, tiến độ xây dựng các công trình sẽ được đẩy nhanh ngay trong tháng 7/2024 và giải ngân vốn sẽ khả quan hơn.

Tin cùng chuyên mục