Nhiều doanh nghiệp thủy điện báo lỗ hoặc giảm lợi nhuận do lưu lượng nước về hồ thấp hơn so với cùng kỳ 2022. Ảnh: Lê Tiên |
Theo thông tin từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), sản lượng điện sản xuất toàn hệ thống trong quý I/2023 giảm 1,6% so với cùng kỳ năm 2022, đạt 61,83 tỷ kWh. Trong đó, nhiệt điện than được huy động nhiều nhất, chiếm 45,3% sản lượng, tiếp đến là thủy điện (24,9%), năng lượng tái tạo (16,5%), tua bin khí và điện nhập khẩu.
Theo tính toán, sản lượng điện huy động từ nhiệt điện than trong quý I khoảng 28 tỷ kWh, giảm 1,27% so với cùng kỳ 2022. Sản lượng điện giảm, cùng với chi phí giá than tăng cao khiến các nhà máy nhiệt điện than như Nhiệt điện Phả Lại, Nhiệt điện Hải Phòng… ghi nhận kết quả kinh doanh sụt giảm.
Công ty CP Nhiệt điện Hải Phòng cho biết, do giá than đầu vào tăng nên giá điện hợp đồng và giá điện thị trường trong quý đầu năm tăng so với cùng kỳ năm trước. Do vậy, dù sản lượng điện quý I/2023 thấp hơn 361 triệu kWh so với quý I/2022, nhưng Nhiệt điện Hải Phòng ghi nhận 2.571 tỷ đồng doanh thu bán điện, tăng trưởng 1,26%. Tuy nhiên, chi phí giá vốn tăng tới 13,7% khiến lợi nhuận gộp của Công ty chỉ còn 47,5 tỷ đồng, thấp hơn nhiều so với con số 321 tỷ đồng đạt được quý I/2022. Sau khi trừ các chi phí khác, Nhiệt điện Hải Phòng lãi trước thuế 10,7 tỷ đồng, bằng gần 4% mức thực hiện cùng kỳ năm 2022.
Tương tự, với Công ty CP Nhiệt điện Phả Lại, dù doanh thu tăng gần 22%, nhưng giá vốn tăng hơn 24% khiến lợi nhuận gộp giảm một nửa, còn 23,2 tỷ đồng. Nhờ có khoản doanh thu tài chính, Nhiệt điện Phả Lại lãi trước thuế 39,8 tỷ đồng, chưa bằng một nửa con số 85,8 tỷ đồng cùng kỳ năm 2022.
Một trong những nguyên nhân khiến kết quả kinh doanh của doanh nghiệp nhiệt điện than sụt giảm là giá than đầu vào tăng cao. Theo dữ liệu của Trading Economics, giá than trong giai đoạn tháng 12/2022 duy trì ở mức 400 USD/tấn, trong khi tháng 12/2021 chỉ ở quanh mức 160 USD/tấn.
Ở nhóm điện khí, hiện chỉ có Tổng công ty Điện lực Dầu khí (PV Power) công bố ước tính kết quả kinh doanh quý I/2023 với doanh thu 7.914 tỷ đồng, tăng 12% so với cùng kỳ năm ngoái, song lợi nhuận trước thuế giảm 34%, còn 579 tỷ đồng.
Đối với nhóm thủy điện, Công ty CP Đầu tư và Phát triển điện miền Bắc (Nedi 2) công bố lỗ 18,2 tỷ đồng, Công ty CP Thủy điện Bắc Hà lỗ hơn 15 tỷ đồng, Công ty CP Thủy điện Sử Pán 2 lỗ 11,6 tỷ đồng trong quý I/2023. Một số doanh nghiệp khác có lợi nhuận quý I/2023 giảm so với cùng kỳ năm trước như: Công ty CP Thủy điện Nậm Mu giảm gần 53% còn 7,9 tỷ đồng, Công ty CP Thủy điện Sông Vàng giảm gần 22% còn gần 9 tỷ đồng, Công ty CP Thủy điện miền Nam giảm 75% còn 15,3 tỷ đồng, Công ty CP Thủy điện Hủa Na giảm 8,4% còn 69,6 tỷ đồng… Nguyên nhân khiến lợi nhuận của nhiều doanh nghiệp thủy điện sụt giảm là do lưu lượng nước về hồ thấp hơn so với cùng kỳ 2022.
Theo nhận định của Công ty CP Chứng khoán VNDirect, nhu cầu điện nhóm công nghiệp - xây dựng giảm trong bối cảnh tình hình sản xuất của các ngành thâm dụng điện giảm sút như xi măng, sắt thép, điện tử, trong khi hoạt động xây dựng bị ảnh hưởng đáng kể trong giai đoạn thị trường bất động sản đóng băng. Hoạt động xuất nhập khẩu cũng chậm lại trong bối cảnh nền kinh tế của nhiều quốc gia trên thế giới gặp khó khăn. Những ảnh hưởng đa kênh đã kìm hãm tăng trưởng chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) cũng như tăng trưởng tổng sản phẩm công nghiệp từ nửa cuối năm 2022 và kéo dài cho đến quý I/2023, kéo nhu cầu tiêu thụ điện giảm. Tăng trưởng của ngành điện trong năm 2023 kỳ vọng vào hoạt động đầu tư công và một mùa hè nóng nực hơn khi hiện tượng El Nino dự kiến trở lại từ tháng 5/2023.