Nhiều doanh nghiệp phân bón lo ngại khi chi chi phí nguyên liệu đầu vào cho sản xuất vẫn ở mức cao. Ảnh: Tiên Giang |
Công ty CP DAP Vinachem vừa công bố báo cáo tài chính quý II/2022 với doanh thu đạt 858 tỷ đồng, tăng 16,2% so với cùng kỳ năm trước. Trong cơ cấu doanh thu của Công ty, nguồn thu từ bán phân bón DAP chiếm khoảng 99% tổng doanh thu, phần còn lại rất nhỏ là từ các sản phẩm khác. Báo cáo ghi nhận giá bán bình quân phân bón DAP đã trừ chiết khấu trong quý II là 20,12 triệu đồng/tấn, tăng 96% so với cùng kỳ năm 2021.
Trong khi đó, giá vốn hàng bán chỉ tăng 5,1% giúp DAP Vinachem ghi nhận lãi trước thuế 165 tỷ đồng, tăng 202% so với quý II/2021. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2022 DAP Vinachem đạt 1.721 tỷ đồng doanh thu, tăng 25,6% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế đạt 293 tỷ đồng, tăng gấp 3,2 lần so với nửa đầu năm ngoái (90 tỷ đồng).
6 tháng đầu năm nay, Công ty CP Phân bón dầu khí Cà Mau ghi nhận sản lượng tiêu thụ ure của ước đạt 432,38 nghìn tấn, tăng 3% so với cùng kỳ năm 2021. Tuy nhiên doanh thu của Công ty tăng tới 91%, đạt khoảng 8.247 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế đạt 2.451 tỷ đồng, gấp 5 lần cùng kỳ năm trước. Tính riêng doanh thu quý II/2022 của Công ty ước đạt 3.965 tỷ đồng, tăng 58,3% và lợi nhuận trước thuế đạt 845 tỷ đồng, gấp 2,7 lần cùng kỳ năm trước.
Thị trường thế giới ghi nhận giá phân DAP tăng liên tục từ tháng 4 đến nay, hiện giao dịch ở mức 4.700 Nhân dân tệ/tấn (694 USD/tấn). Hiện mặt hàng này vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt cả ở thị trường thế giới và trong nước. Trái ngược với DAP, giá phân bón ure có xu hướng giảm từ giữa tháng 6 trở lại đây.
Một doanh nghiệp khác cũng ghi nhận kết quả kinh doanh ấn tượng trong quý II là Công ty CP Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc với khoản lãi trước thuế 478 tỷ đồng, cải thiện mạnh so với con số lỗ 160 tỷ đồng cùng kỳ năm trước. Lũy kế nửa đầu năm, Công ty ghi nhận doanh thu 3.547 tỷ đồng, tăng 92% so với cùng kỳ năm trước; lãi sau thuế 1.346 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm trước lỗ 409 tỷ đồng.
Nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực phân bón khác cũng công bố tình hình kinh doanh 6 tháng đầu năm với kết quả tích cực như Công ty CP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt 72,1 tỷ đồng (tăng 8%); Công ty CP Phân bón Miền Nam lãi trước thuế 49,7 tỷ đồng (tăng 314%); Công ty CP Phân lân Ninh Bình lãi trước thuế 25 tỷ đồng (tăng 150%); Công ty CP Phân lân nung chảy Văn Điển lãi trước thuế 35,1 tỷ đồng (tăng 74,6%).
Mặc dù kết quả kinh doanh nửa đầu năm rất tích cực, nhưng một số doanh nghiệp vẫn tỏ ra lo lắng. Nhìn về 6 tháng cuối năm, Công ty CP Phân bón dầu khí Cà Mau cho rằng, lạm phát tăng, nhiều sản phẩm hàng hóa sẽ tăng giá và sức mua của người dân giảm. Tình hình chiến sự Nga - Ukraine cùng các chính sách trừng phạt kinh tế tiếp tục làm giá dầu, giá năng lượng tăng cao, làm tăng chi phí nguyên liệu đầu vào cho các ngành sản xuất. Bên cạnh đó, giá nông sản chưa được cải thiện nhiều trong khi chi phí sản xuất nông nghiệp tăng cao tiềm ẩn nguy cơ nông dân giảm canh tác hoặc chuyển đổi sang sử dụng phân bón giá rẻ.
Một doanh nghiệp kinh doanh phân bón phía Nam chia sẻ, giá vật liệu đầu vào trong thời gian qua tăng cao trong khi giá nông sản không tăng. Vì vậy, nếu giá vật liệu đầu vào vẫn tiếp tục tăng sẽ gây khó khăn cho hoạt động kinh doanh trong thời gian tới. Tăng mạnh giá bán thì sẽ gây ảnh hưởng tới người nông dân, không tăng giá thì doanh nghiệp chịu thiệt.
Thị trường thế giới ghi nhận giá phân DAP tăng liên tục từ tháng 4 đến nay, hiện giao dịch ở mức 4.700 Nhân dân tệ/tấn (694 USD/tấn). Hiện mặt hàng này vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt cả ở thị trường thế giới và trong nước. Trái ngược với DAP, giá phân bón ure có xu hướng giảm từ giữa tháng 6 trở lại đây. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, nhu cầu phân bón sẽ sớm phục hồi và giá ure khó có thể giảm hơn nữa. Một số ý kiến còn cảnh báo về nguy cơ tăng giá phân bón vào mùa vụ sắp tới, nhất là với thị trường châu Á - nơi sản xuất lúa gạo lớn của thế giới.