Nhiều dự án PPP lớn khởi công, mời thầu: Hàng chục nghìn tỷ đồng vốn tư nhân “nhập cuộc”

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Ngày 12/5/2025, Dự án Cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng đoạn qua tỉnh Nam Định, Thái Bình theo phương thức đối tác công tư (PPP) được khởi công. Cùng với đó, một số dự án PPP khác đang trong thời gian mời thầu, chuẩn bị lựa chọn nhà đầu tư. Đây đều là dự án giao thông quy mô lớn, thực hiện sau khi Luật PPP có hiệu lực thi hành, thu hút lượng lớn vốn tư nhân vào đầu tư phát triển hạ tầng.
Dự án Cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng đoạn qua tỉnh Nam Định, Thái Bình dài hơn 60 km có tổng mức đầu tư 19.784 tỷ đồng. Ảnh minh họa: Lê Tiên
Dự án Cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng đoạn qua tỉnh Nam Định, Thái Bình dài hơn 60 km có tổng mức đầu tư 19.784 tỷ đồng. Ảnh minh họa: Lê Tiên

Tuyến đường cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng có tổng chiều dài 117 km, là trục giao thông chiến lược mở ra không gian phát triển mới cho Vùng phía Nam Đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung Bộ nói chung, các tỉnh Ninh Bình, Nam Định và Thái Bình nói riêng. Trong đó, đoạn qua Ninh Bình sử dụng nguồn vốn đầu tư công, đoạn qua Hải Phòng đã giao Hải Phòng triển khai, đoạn qua tỉnh Nam Định và Thái Bình dài hơn 60 km, được đầu tư xây dựng theo phương thức PPP.

Theo kết quả lựa chọn nhà đầu tư được UBND tỉnh Thái Bình phê duyệt ngày 29/4/2025, Nhà đầu tư trúng thầu là Liên danh Tập đoàn Geleximco CTCP - Tổng công ty CP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam - Công ty CP Đầu tư và Xây dựng giao thông Phương Thành - Công ty CP Thương mại và Xây dựng Nam Sơn - Công ty CP Đầu tư và Xây dựng hạ tầng Hoàng Cầu.

Dự án có tổng mức đầu tư 19.784 tỷ đồng, trong đó nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án chịu trách nhiệm thu xếp 10.447 tỷ đồng (vốn chủ sở hữu là 1.567 tỷ đồng). Thời gian thu phí hoàn vốn tối đa 25 năm 4 tháng.

Cùng khoảng thời gian này, ở Tây Nguyên, Dự án Xây dựng đường bộ cao tốc Bảo Lộc - Liên Khương (giai đoạn 1) theo phương thức PPP khởi động mời thầu. Hồ sơ mời thầu (HSMT) được phát hành từ ngày 10/5/2025, lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức đấu thầu rộng rãi trong nước, đóng thầu vào ngày 10/6/2025.

Nhà đầu tư đề xuất Dự án là Liên danh Công ty CP Tập đoàn T&T - Công ty CP Đầu tư Tập đoàn Phương Trang (FUTA GROUP) - Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Giao thông Phương Thành (FUTA GROUP là đại diện Liên danh).

Đây là dự án lớn của tỉnh Lâm Đồng, với tổng mức đầu tư 17.718 tỷ đồng, được xây dựng nhằm từng bước hoàn thiện hệ thống đường bộ cao tốc từ Dầu Giây tới Liên Khương, rút ngắn thời gian kết nối các tỉnh Tây Nguyên với Khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam và các trung tâm kinh tế, xã hội, công nghiệp dọc Quốc lộ 20… Khi dự án hoàn thành kỳ vọng tạo bước đột phá kinh tế - xã hội, thúc đẩy phát triển du lịch, bảo đảm an ninh quốc phòng của tỉnh Lâm Đồng nói riêng, khu vực Tây Nguyên nói chung; phát huy tối đa hiệu quả đầu tư của các dự án cao tốc đoạn Dầu Giây - Tân Phú, Tân Phú - Bảo Lộc. Tại Dự án Cao tốc Bảo Lộc - Liên Khương (giai đoạn 1), nhà đầu tư sẽ chịu trách nhiệm huy động 9.957 tỷ đồng (trong đó, vốn chủ sở hữu là 1.494 tỷ đồng).

Trong hơn 4 năm thực hiện Luật PPP, khoảng hơn 40 dự án trọng điểm của quốc gia, địa phương được triển khai đầu tư theo phương thức đối tác công tư. Ảnh: Lâm Viên

Trong hơn 4 năm thực hiện Luật PPP, khoảng hơn 40 dự án trọng điểm của quốc gia, địa phương được triển khai đầu tư theo phương thức đối tác công tư. Ảnh: Lâm Viên

Dự án Đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 TP.HCM đoạn từ cầu Thủ Biên - sông Sài Gòn (giai đoạn 1) theo phương thức PPP cũng đang trong thời gian phát hành HSMT, dự kiến đóng thầu vào 10h ngày 24/5/2025. Sơ bộ tổng mức đầu tư Dự án là 11.743 tỷ đồng, nhà đầu tư sẽ chịu trách nhiệm huy động hoàn toàn số vốn này, bao gồm vốn chủ sở hữu 3.523 tỷ đồng, vốn vay và các nguồn vốn huy động hợp pháp khác 8.220 tỷ đồng.

Nhà đầu tư đề xuất Dự án là Tổng công ty Đầu tư và Phát triển công nghiệp - CTCP (BECAMEX IDC). Liên danh BECAMEX IDC - Công ty CP Phát triển hạ tầng kỹ thuật - Công ty CP Tập đoàn Đèo Cả là nhà đầu tư duy nhất nộp hồ sơ khi Dự án được đưa ra khảo sát mức độ quan tâm.

Trước đó, ngày 28/4/2025, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Dự án thành phần 1 Đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước) theo phương thức PPP. Tổng chiều dài tuyến khoảng 124 km, nhằm xây dựng tuyến cao tốc trọng điểm kết nối vùng Tây Nguyên với vùng Đông Nam Bộ, kết nối các tỉnh Bình Phước, Đắk Nông và các địa phương khác trong vùng với TP. HCM, tạo không gian, động lực phát triển mới cho vùng Tây Nguyên và Đông Nam Bộ… Thời gian thực hiện Dự án từ năm 2025 đến năm 2027. Dự án có tổng mức đầu tư 19.965 tỷ đồng, trong đó vốn do nhà đầu tư huy động khoảng 12.134 tỷ đồng.

Như vậy, tính riêng 4 dự án nêu trên, khoảng hơn 43 nghìn tỷ đồng vốn tư nhân sẽ được huy động để đầu tư phát triển hạ tầng. Cùng với nhiều dự án PPP giao thông lớn khác đang trong thời gian đánh giá hồ sơ dự thầu hoặc đang thực hiện, nguồn vốn tư nhân tham gia sẽ ngày càng lớn, góp sức giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước.

Theo Bộ Tài chính, trong hơn 4 năm thực hiện Luật PPP, có khoảng hơn 40 dự án được triển khai theo quy định của Luật PPP và đều là những dự án trọng điểm của quốc gia, địa phương. Sau khi hoàn thành, các dự án này sẽ tác động tích cực tới hệ thống kết cấu hạ tầng của quốc gia, của vùng và của từng địa phương, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Bên cạnh đó, một số địa phương đang bước đầu triển khai các dự án PPP trong lĩnh vực hạ tầng kỹ thuật (cấp nước, xử lý nước thải, chất thải).

Nhằm tiếp tục đẩy mạnh thu hút đầu tư theo phương thức PPP, bổ sung nguồn lực đáp ứng nhu cầu đầu tư rất lớn để nâng cao chất lượng hạ tầng, dịch vụ công, đặc biệt là tăng thu hút nguồn lực tư nhân trong lĩnh vực khoa học công nghệ, tại Kỳ họp Quốc hội thứ 9, Chính phủ báo cáo Quốc hội tiếp tục sửa đổi, bổ sung một số quy định tại Luật PPP tại Dự thảo Luật sửa 7 luật thuộc lĩnh vực tài chính…

Tin cùng chuyên mục