Nhiều khó khăn trong xây dựng thành phố thông minh

(BĐT) - Theo Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT), cả nước hiện có 20 địa phương đã xây dựng thành phố thông minh (smart city) với các lĩnh vực thí điểm như Chính phủ điện tử, y tế thông minh, giao thông thông minh… 

Việc phát triển thành phố thông minh giúp quản lý đô thị hiệu quả, đồng thời giúp các nhà hoạch định, quản lý nắm bắt và dự đoán được thực trạng các dịch vụ công, kết cấu hạ tầng, tài nguyên điện, nước của thành phố. Các doanh nghiệp cũng có thể tận dụng hạ tầng công nghệ thông tin của smart city để phát triển sản phẩm, dịch vụ, xuất khẩu ra toàn cầu, đưa thành phố trở thành điểm đến hấp dẫn hơn cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Tuy nhiên, theo Bộ TT&TT, việc xây dựng các thành phố thông minh hiện còn gặp rất nhiều khó khăn do hạ tầng kỹ thuật chưa theo kịp đà phát triển của đô thị, dẫn đến những hậu quả như: tắc nghẽn giao thông, thiếu nước sinh hoạt, ngập úng nước thải, nước mưa, rác thải ô nhiễm môi trường… Ngoài ra, chi phí triển khai lớn, nguy cơ thiếu hụt nhân lực về công nghệ thông tin cũng là những hạn chế đang cản trở quá trình này.