Nhiều người Việt bày tỏ lo ngại nếu ông Trump trở thành tân tổng thống Mỹ. Ảnh: Reuters |
"Tôi chưa bao giờ đi bầu tổng thống Mỹ nhưng năm nay sẽ bỏ phiếu cho bà Clinton, tôi sẽ không thể chấp nhận được nếu mỗi ngày thấy Donald Trump xuất hiện trên báo chí hay truyền hình với tư cách tổng thống", anh Võ Tài, một nhà kinh doanh tại Boston, bang Massachusetts, chia sẻ với VnExpress về kế hoạch bầu cử của mình.
Bày tỏ lo ngại về ứng viên đảng Cộng hòa, anh Tài đánh giá ông là một người thiếu kinh nghiệm, chưa bao giờ đắc cử vào bất cứ chức vụ dân cử nào lại thể hiện là một người gây chia rẽ trong cộng đồng.
"Cách nói chuyện của ông Trump khiến cho niềm tin của giới trẻ Mỹ về một đất nước có những nhà lãnh đạo tài đức không còn như xưa nữa. Làm sao một người như vậy lại có thể đại diện cho đảng Cộng hòa được, làm sao có thể trở thành tân tổng thống?", anh Tài thể hiện sự ngờ vực.
Về phía ứng viên đảng Dân chủ, những nghi vấn về việc sử dụng email cá nhân trong thời gian làm ngoại trưởng và thông tin về quỹ Clinton cũng khiến cử tri lo lắng không kém. Anh Tài cho hay anh ủng hộ bà Clinton đơn giản chỉ vì "bà ít tệ hại hơn Trump".
Tại thành phố Boston, nơi có khoảng 15.000 người Việt trong khoảng 40.000 người ở bang Massachusetts, đa số người Việt ủng hộ đảng Cộng hòa. Tuy nhiên anh Tài cho hay có lẽ bây giờ nhiều người cũng thay đổi, quay sang ủng hộ bà Clinton.
Là một người sinh sống ở Cypress, bang California hơn 30 năm nay, ông Tạ Ngọc Lữ, làm việc trong ngành địa ốc, cho biết phần đông người Việt và gốc châu Á ở khu vực này cũng đều không ủng hộ ông Trump hay bà Clinton, họ chỉ bầu cho người "họ ít ghét hơn".
Trước ngày bầu cử hai tuần, ông Lữ đã đi bỏ phiếu và bầu cho cựu ngoại trưởng Mỹ, dù bà không phải ứng viên hoàn hảo vì những bê bối trong gia đình nhưng theo ông, bà chứng tỏ mình có đủ khả năng làm lãnh đạo và có tâm tính tốt.
Trong khi đó, tỷ phú Trump hoàn toàn không phải là một người chính trực và có thể tin cậy. Qua cách thức kinh doanh và thể hiện quyền lực của mình, ông Trump có thể làm những điều không tưởng nếu trở thành tổng thống.
"Theo tôi, ông Trump không có khả năng cảm thông với người khác, không phải là tấm gương để thế hệ trẻ có thể noi theo. Ông ấy không màng bất cứ thủ đoạn chính trị nào, đã hạ phẩm giá nước Mỹ và uy tín lãnh đạo xuống thấp. Dư âm tiếng xấu sẽ còn lại trong nhiều năm", ông Lữ nói. "Các vấn đề của bà Clinton làm tôi thất vọng nhưng nó sẽ phải sửa đổi vì đã được đưa ra ánh sáng. Bà ấy biết mình sai và phải bị ràng buộc với cả một hệ thống".
Nhiều cử tri Mỹ không ủng hộ ông Trump hay bà Clinton mà chỉ bầu cho người "họ ít ghét hơn". Ảnh: Reuters
Tuy đã đến sát ngày bầu cử nhưng ông Quốc Lê, 70 tuổi, ở Los Angeles, California, vẫn chưa đưa ra quyết định của mình vì thất vọng với cả hai ứng viên. Ông cho biết dù thuộc đảng Cộng hòa nhưng không thể bỏ phiếu cho ông Trump vì tư cách của tỷ phú này, cũng không thể bầu bà Clinton vì không ủng hộ con người cũng như chính sách của bà.
"Tôi vẫn còn đang phân vân, nếu phút chót chưa quyết được thì tôi sẽ bỏ phiếu cho ứng viên đảng Tự do Ron Paul. Trong trường hợp nếu phải chọn một thì có lẽ tôi chọn bà Hillary", ông Lê nói.
Cuộc bầu cử gây lo lắng
Có gần hai triệu người gốc Việt tại Mỹ, phần lớn tập trung ở California và Texas. Họ nằm trong nhóm những người Mỹ gốc Á đang chuyển từ ủng hộ đảng Cộng hòa sang đảng Dân chủ.
Theo khảo sát Quốc gia người Mỹ gốc Á (NAAS) công bố vào đầu tháng trước, nhiều người Mỹ gốc Việt lựa chọn bà Clinton với tỷ lệ 46%, so với 20% của ông Trump, 29% chưa quyết định - con số có thể cho thấy những người thường ủng hộ đảng Cộng hòa đang phân vân.
Theo Nguyễn Quân, 27 tuổi, ở thành phố Cambridge, Massachusetts, chưa có mùa bầu cử nào mà hai ứng viên đều bị công kích dữ dội như năm nay, điều đó khiến người dân Mỹ nói chung và người gốc châu Á nói riêng lo ngại.
"Tuy nhiên, theo đánh giá chung của mình qua bạn bè và người thân ở nhiều bang và nhiều thành phố khác nhau trên khắp nước Mỹ, cử tri của cả hai bên đều có lập trường rất vững, thậm chí độc đoán và không bị tác động nhiều bởi truyền thông hay báo chí", anh nói. "Có lẽ kết quả của cuộc bầu cử lần này sẽ phụ thuộc nhiều hơn vào số cử tri trung lập".
Với mong muốn giới trẻ Mỹ có nhiều cơ hội nhờ chính sách phát triển giáo dục của bà Clinton, Quân đã đi bỏ phiếu sớm cho cựu ngoại trưởng từ ngày 28/10. Quân cho hay anh không căn cứ vào sự thể hiện của hai ứng viên trong ba cuộc tranh luận trực tiếp mà tự tìm hiểu qua nhiều kênh thông tin.
Anh tin tưởng 80% cử tri ở thành phố này có lựa chọn giống với mình và sẽ cùng bạn bè tổ chức một bữa tiệc nhỏ vào cuối tuần để ăn mừng nếu bà Clinton đắc cử.
Nguyễn Quân đi bỏ phiếu ở thành phố Cambridge, Massachusetts, Mỹ hôm 28/10. Ảnh: NVCC
Ông Lữ cũng có chung niềm tin với ứng viên Clinton. Dù nhiều người không thích bà nhưng họ cho rằng bà có tư cách làm tổng thống hơn đối thủ Trump. Khi Mỹ có tân tổng thống là bà Clinton, ông Lữ có thể yên tâm tiếp tục công việc làm ăn của mình thay vì "phải phòng bị cho kinh tế khó khăn, kỳ thị gia tăng, bất ổn xã hội và an ninh thế giới bị đảo lộn".
Dù khẳng định chắc chắn sẽ bầu cho ông Trump nhưng anh Vũ Lưu, nhân viên thuế tại thủ đô Washington, cho biết do có bạn bè ở cả hai đảng nên anh rất ngại phải tranh luận về chuyện bầu cho ai.
Để "tránh bão", anh đã chọn cách đặt tour đi nghỉ đến cận ngày bầu cử. Tuy nhiên, anh vẫn sẽ đi bỏ phiếu vào ngày 8/11, nối tiếp truyền thống gia đình ủng hộ đảng Cộng hòa từ nhiều năm nay. Đề xuất đóng thuế đồng đều giữa người giàu và người nghèo của ông Trump thuyết phục anh hơn so với chính sách tăng thuế cao với người giàu của bà Clinton.
"Cuộc bầu cử năm nay hơi lạ so với những lần trước vì hai ứng viên đều mang chuyện cá nhân ra bàn tán quá nhiều, không có ai có những kế hoạch rõ ràng và cụ thể cho đất nước", anh Lưu nói. "Tuy nhiên, tôi nghĩ Trump sẽ chiến thắng vì cộng đồng người Mỹ da trắng có đóng thuế, người Mỹ da trắng và da màu có học vấn cao sẽ bỏ phiếu cho ông ấy. Bà Clinton thì chỉ nói thôi chứ không làm".
Người đàn ông đã định cư tại Mỹ gần 30 năm nay cảnh báo rằng tình hình sau ngày bầu cử sẽ "không yên ổn" vì có thể xảy ra tình trạng đảng này kiện đảng kia khi ứng viên của mình thua cuộc, thậm chí có thể yêu cầu kiểm phiếu lại ở một số nơi.
"Cuộc bầu cử năm nay tạo nên nhiều lo lắng với cử tri so với các cuộc bầu cử trước đây, nhiều người lo ông Trump đắc cử thì tình hình sẽ còn tồi tệ hơn và rất khó lường", anh Võ Tài nói.