Nguồn thu từ các dự án hạ tầng giao thông đóng góp lớn cho kết quả kinh doanh nửa đầu năm 2024 của nhiều doanh nghiệp xây dựng hạ tầng. Ảnh: Lê Tiên |
6 tháng đầu năm 2024, Công ty CP Đầu tư hạ tầng giao thông Đèo Cả đạt hơn 1.503 tỷ đồng doanh thu, tăng 31% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, hoạt động thi công xây lắp đóng góp 498 tỷ đồng (tăng 52%) và hoạt động thu phí BOT đạt 962 tỷ đồng (tăng 21,48%) nhờ lưu lượng phương tiện lưu thông tăng trưởng tích cực. Sau khi trừ các khoản chi phí, Công ty ghi nhận gần 239 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng hơn 24% so với nửa đầu năm 2023 và hoàn thành 59% kế hoạch lợi nhuận năm 2024.
Thời gian qua, Đèo Cả đã hoàn thành Dự án cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo (tổng mức đầu tư 8.900 tỷ đồng), đưa vào vận hành, khai thác từ cuối tháng 4/2024. Tại Dự án cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn (giá trị hợp đồng thi công xây lắp hơn 14.500 tỷ đồng), lũy kế sản lượng tính đến ngày 30/7 đạt hơn 5.034 tỷ đồng, tương ứng hơn 37% tổng khối lượng hợp đồng. Công ty đặt mục tiêu cuối năm 2025 thông tuyến kỹ thuật đoạn cao tốc này và quý II/2026 hoàn thành đưa vào khai thác.
Về hoạt động thu phí, lưu lượng xe qua các tuyến do Đèo Cả khai thác, vận hành đạt hơn 11,9 triệu lượt, tăng 13% so với 6 tháng đầu năm 2023, trung bình mỗi ngày các trạm thu phí BOT mang về hơn 5,3 tỷ đồng.
Với Công ty CP Lizen, nguồn thu từ các dự án cao tốc Vân Phong - Nha Trang, Vũng Áng - Bùng, Vành đai 4 Hưng Yên, Tân Phúc - Võng Phan và Biên Hòa - Vũng Tàu giúp doanh thu nửa đầu năm 2024 của Công ty tăng 50,2% so với cùng kỳ năm trước; lợi nhuận sau thuế đạt 59 tỷ đồng, tăng 90,3%. Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2024, Ban lãnh đạo Lizen cho biết, năm 2024 sẽ là năm bứt phá thực hiện các mục tiêu kế hoạch giai đoạn 2021 - 2025 của Công ty. Đóng góp doanh thu năm nay tập trung chính ở các dự án giao thông và xây lắp điện với giá trị ước tính 2.274 tỷ đồng, chiếm 95% kế hoạch năm.
Tại Tổng công ty CP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex), dù doanh thu 6 tháng đầu năm 2024 giảm 16,6%, đạt 5.449 tỷ đồng, nhưng điểm tích cực là biên lợi nhuận gộp tăng từ mức 12,4% lên 20%, chi phí lãi vay giảm từ 479,7 tỷ đồng còn 238 tỷ đồng, giúp lợi nhuận sau thuế tăng 264% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 645,8 tỷ đồng. Nguồn việc chính của Vinaconex đến từ các gói thầu xây lắp thuộc Dự án nút giao Phú Thứ và tuyến đường kết nối tại xã Tiên Hiệp, TP. Phủ Lý (tỉnh Hà Nam), Dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô, các dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam…
Một số doanh nghiệp trong lĩnh vực xây dựng, đầu tư hạ tầng giao thông cũng ghi nhận kết quả kinh doanh tích cực trong 6 tháng đầu năm 2024 như: Công ty CP Tập đoàn Cienco 4 (doanh thu đạt 1.534 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 101 tỷ đồng, lần lượt tăng 42% và 38% so với nửa đầu năm 2023); Công ty CP Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP.HCM (lãi sau thuế 452 tỷ đồng, tăng 283%, chủ yếu do tăng lợi nhuận ròng từ Dự án BOT Trung Lương - Mỹ Thuận); Công ty CP Tập đoàn Đạt Phương (lợi nhuận sau thuế đạt 150 tỷ đồng, tăng 9%).
Theo thống kê của Bộ Tài chính, từ đầu năm đến ngày 31/7, giải ngân vốn đầu tư công đạt gần 245.000 tỷ đồng, bằng 31,61% tổng kế hoạch được giao (gần 775.000 tỷ đồng). Bộ Tài chính kiến nghị các bộ, cơ quan trung ương và địa phương thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng về giải ngân vốn đầu tư công và khẩn trương triển khai các giải pháp cụ thể để thực hiện mục tiêu giải ngân tối thiểu 95% kế hoạch theo Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ.
Tốc độ giải ngân đầu tư công được dự báo sẽ tăng dần vào nửa cuối năm khi các gói thầu lớn chọn được nhà thầu, là yếu tố tích cực cho kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp hạ tầng.
Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng TMCP Ngoại thương (VCBS) đánh giá, đặc thù dòng tiền của các doanh nghiệp xây dựng hạ tầng thường khá dồi dào trong giai đoạn đầu của chu kỳ thi công dự án nhờ tiền tạm ứng từ ban quản lý dự án. Tận dụng giai đoạn nguồn vốn thuận lợi, các doanh nghiệp đã thanh toán bớt nợ vay, cải thiện cơ cấu tài chính. Tuy vậy, việc thanh toán dựa theo tiến độ công trình trên cơ sở kết quả nghiệm thu khối lượng đã hoàn thành. Do đó, những doanh nghiệp chậm tiến độ thi công hoặc gặp khó khăn trong quyết toán, nghiệm thu, hay chi phí thực tế quá xa so với định mức sẽ gặp nhiều bất lợi. Bên cạnh đó, khi nguồn vốn tạm ứng về cơ bản được sử dụng hết, thì nguồn tài chính của các nhà thầu phụ bắt đầu thiếu hụt và cần bù đắp bởi nhà thầu chính. Do vậy, sẽ có sự phân hóa về biên lợi nhuận giữa các doanh nghiệp trong thời gian tới.