Nhiều nhân tố tác động tới mặt bằng giá năm 2019

(BĐT) - Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng đầu năm 2019 tăng ở mức thấp 0,1% so với tháng trước đó. So với cùng kỳ năm 2018, mức tăng này được cho là khởi đầu thuận lợi. 
Kiểm soát chặt chẽ việc cho vay đối với lĩnh vực bất động sản, cho vay tiêu dùng - nhân tố tiềm ẩn tác động tới lạm phát. Ảnh: Lê Tiên
Kiểm soát chặt chẽ việc cho vay đối với lĩnh vực bất động sản, cho vay tiêu dùng - nhân tố tiềm ẩn tác động tới lạm phát. Ảnh: Lê Tiên

Tuy nhiên, một số chuyên gia cảnh báo, những thuận lợi này sẽ khó duy trì được lâu khi nhiều yếu tố trong nước sẽ là nhân tố tác động mạnh nhất tới mặt bằng giá năm 2019.

CPI tăng thấp nhưng tích tụ rủi ro lạm phát

Theo Tổng cục Thống kê, có 3 nhóm hàng hóa và dịch vụ chủ yếu đóng góp vào mức tăng 0,1% của CPI tháng 1/2019, bao gồm: đồ uống và thuốc lá tăng 0,69%; hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,66% (lương thực tăng 0,52%; thực phẩm tăng 0,85%); may mặc, mũ nón, giày dép tăng 0,39% chủ yếu do nhu cầu tiêu dùng dịp Tết Nguyên đán. Ngoài ra, nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 0,35%; văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,33%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,16%; giáo dục tăng 0,15%; thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,01%; hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,34%. Hai nhóm có CPI giảm là: giao thông giảm 3,04%; bưu chính viễn thông giảm 0,09%. So với cùng kỳ năm trước, CPI tháng 1/2019 tăng 2,56%.

Như đã công bố, CPI tháng 1/2018 tăng 0,51% so với tháng trước đó. Ông Đặng Đức Anh, Trưởng ban Phân tích và Dự báo thuộc Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia cho rằng, thời điểm này năm ngoái, CPI có mức tăng cao hơn là do điều chỉnh tăng giá xăng vào cuối năm, giá điện cũng được điều chỉnh tăng, giá dịch vụ y tế tại 9 tỉnh, thành phố điều chỉnh tăng. Đầu năm nay, giá những mặt hàng và dịch vụ đó chưa tiến hành điều chỉnh.

Đối với lạm phát cơ bản, sau khi loại bỏ những yếu tố mang tính đột biến, thời vụ thì chỉ số này trong tháng 1/2019 tăng 0,3% so với tháng 12/2018 và tăng 1,83% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số này trong tháng 1/2018 tăng 0,18% so với tháng 12/2017 và tăng 1,18% so với cùng kỳ năm 2017. “Mức tăng trên cho thấy, áp lực từ chính sách tiền tệ ngày càng lớn, dẫn đến tích tụ rủi ro về lạm phát đang có dấu hiệu tăng” - ông Đặng Đức Anh nhận định. 

Chú trọng kiểm soát lạm phát

Năm 2019, Chính phủ đưa ra mục tiêu lạm phát ở mức dưới 4%. Theo chuyên gia kinh tế tài chính Cấn Văn Lực, mục tiêu lạm phát này phải rất quyết tâm mới có thể đạt được, vì có nhiều áp lực có thể khiến lạm phát tăng. Chẳng hạn như giá cả hàng hoá thế giới dự kiến tiếp tục đà tăng nhẹ, biến động của USD, lãi suất… Ở trong nước, chúng ta vẫn có lộ trình tăng giá một số mặt hàng cơ bản. Đây là những áp lực lớn cho việc kiểm soát giá cả, chưa kể yếu tố lạm phát kỳ vọng tương đối cao ở Việt Nam.

Để kiểm soát tốt lạm phát, chuyên gia Cấn Văn Lực cho rằng, cần tập trung vào 3 vấn đề. Thứ nhất, phối hợp các chính sách tốt hơn nữa, đặc biệt là phối hợp chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa nhuần nhuyễn. Thứ hai, lộ trình tăng giá một số mặt hàng cơ bản phải được tính toán phù hợp. Trong bối cảnh chúng ta định tăng giá điện thì những mặt hàng khác liên quan như dịch vụ y tế, giáo dục, bảo hiểm xã hội nếu tăng giá cũng phải hết sức cân nhắc và có lộ trình phù hợp. Thứ ba, tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, đặc biệt là lãi suất, tỷ giá để tránh tạo nên kỳ vọng lạm phát tương đối cao ở Việt Nam.

Đồng thuận với quan điểm trên, ông Đặng Đức Anh chỉ rõ, năm 2019, áp lực từ thị trường quốc tế không quá mạnh mẽ, tiêu cực như năm 2018. Tốc độ tăng trưởng kinh tế, thương mại bị tác động do cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đang có xu hướng chậm lại, tăng trưởng kinh tế thế giới giảm, giá hàng hóa trên thị trường quốc tế giữ ổn định, giảm; giá dầu xoay quanh mức khá cân bằng, khả năng giá dầu lên cao có xác suất thấp… dẫn đến yếu tố chi phí đẩy cho lạm phát nhập khẩu thấp. Do đó, chỉ có yếu tố trong nước (điều chỉnh giá dịch vụ công, mặt hàng nhà nước quản lý như giá điện, dịch vụ y tế, phí bảo vệ môi trường) sẽ là nhân tố tác động mạnh nhất vào mặt bằng giá năm 2019.

Ông Đặng Đức Anh lưu ý, việc điều hành chính sách tiền tệ cần tập trung vào lĩnh vực sản xuất, kiểm soát chặt chẽ việc cho vay đối với lĩnh vực bất động sản, cho vay tiêu dùng, đặc biệt là cho vay tiêu dùng được chuyển đổi, biến tướng vào thị trường bất động sản. Cùng với đó, duy trì được chính sách tỷ giá ổn định, trong biên độ khoảng 2%. Khi thắt chặt tiền tệ thì mặt bằng lãi suất thường tăng. Tuy nhiên, để duy trì mặt bằng lãi suất, vốn tín dụng cần được đổ vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh thì mới hạn chế được tác động tiêu cực của việc thắt chặt chính sách tiền tệ.

Tin cùng chuyên mục