Doanh nghiệp cho rằng việc Hải Phòng thu phí hạ tầng cảng biển là đi ngược lại tinh thần Nghị quyết 35. Ảnh: Trần Sơn |
60% doanh nghiệp không có lãi
Đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, theo khảo sát, có 75% doanh nghiệp (DN) đánh giá có sự chuyển biến tích cực và tương đối tích cực của các bộ ngành, địa phương trong việc thực hiện Nghị quyết 35, còn 25% cho rằng chuyển biến còn hạn chế, không đáng kể.
Đáng lưu ý, trong số hàng loạt các mục tiêu, giải pháp đặt ra tại Nghị quyết 35, việc giảm chi phí kinh doanh cho DN – yếu tố quan trọng được DN mong mỏi lại chưa có nhiều chuyển biến.
Trao đổi với Báo Đấu thầu, ông Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch VCCI cho biết, việc giảm chi phí kinh doanh cho DN chưa có nhiều tiến bộ. Nhiều loại chi phí kinh doanh của Việt Nam vẫn cao hàng đầu trong khu vực.
“Chúng ta có chủ trương phấn đấu giảm lãi suất nhưng trong bối cảnh hiện nay mục tiêu đó còn nhiều khó khăn. Chi phí về lao động, bảo hiểm xã hội, logistics cũng thuộc hàng cao nhất trong khu vực… Chưa kể những khoản chi phí không chính thức. Như vậy, hiệu quả kinh doanh của DN sao có thể cao được?”, ông Lộc nói và nhấn mạnh việc giảm chi phí kinh doanh vẫn là một yêu cầu quan trọng, cấp thiết.
Chủ tịch VCCI cho biết, có tới 60% DN ở Việt Nam kinh doanh không có lãi. Đây là chỉ báo rất quan trọng về hiệu quả kinh doanh. Ông Lộc cho rằng, dù có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên, nhưng không thể phủ nhận rằng môi trường kinh doanh của chúng ta còn quá nhiều khó khăn, trong đó có vấn đề chi phí.
Chi phí cao “kìm” DN phát triển
Dẫn báo cáo của Công ty kiểm toán quốc tế PWC, hiệp hội này cho biết: Theo nghiên cứu ở 22 nước có khai thác khoáng sản thì không tìm thấy nước nào thu 17 loại thuế, phí và các khoản thu ngân sách nhiều như ở Việt Nam hiện nay.
Còn Hiệp hội DN tỉnh Sóc Trăng cho rằng, việc giảm chi phí cho DN theo tinh thần Nghị quyết 35 chưa đi vào thực tế và còn chậm. Theo hiệp hội này, các nhà đầu tư sẽ hạn chế đầu tư vào ĐBSCL nếu không được Bộ GTVT giãn thời gian thu phí của các dự án từ 10 năm ra 15 năm và mức phí giảm tương ứng còn 70% với trường hợp các trạm thu phí quá dầy như hiện nay ở ĐBSCL.
“Chưa bao giờ như ở đoạn Cần Thơ - Phụng Hiệp, DN sợ phí, trốn trạm, chạy tuyến đường vòng, cày phá đường nông thôn. Phí cao đội giá thành cho DN, không khuyến khích được sản xuất. Thậm chí có DN phải tìm đường chạy né Quốc lộ 1.”, đại diện Hiệp hội DN tỉnh Sóc Trăng cho biết.
Một vấn đề khác cũng được nhiều DN đặc biệt quan tâm, đó là câu chuyện thu phí hạ tầng cảng biển ở Hải Phòng. “Cầu cứu” Thủ tướng vì gánh nặng chi phí ngày càng tăng, lãnh đạo Công ty CP Dệt 10/10 cho rằng việc Hải Phòng thu phí hạ tầng cảng biển theo Nghị quyết 148 của HĐND TP. Hải Phòng là không hợp lý, đi ngược lại với tinh thần Nghị quyết 35.
Công ty CP Dệt 10/10 cho biết, mỗi năm DN này xuất khẩu 3.000 container loại 40 feet và nhập khẩu 2.000 contaniner 40 feet, hầu hết đều qua cảng Hải Phòng. Hiện tại chi phí vận tải và các loại chi phí Công ty phải nộp trung bình là 1.879 USD/container. Theo đại diện Công ty, với chi phí nói trên, các DN xuất, nhập khẩu rất khó khăn để duy trì doanh số cũng như có lãi.
“Trong tình hình khó khăn nói trên, chúng tôi tiếp tục nhận được Thông báo số 1548/TB-UBND ngày 21/12/2016 của Hải Phòng về việc thu phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng khu vực cửa khẩu trên địa bàn TP. Hải Phòng và yêu cầu các DN xuất nhập khẩu qua cảng Hải Phòng phải nộp thêm khoản phí mới”, đại diện Công ty Dệt 10/10 cho biết. Theo thông báo này, ước tính với số container như trên, một DN như Công ty Dệt 10/10 sẽ phải nộp thêm khoảng 2,5 tỷ đồng/năm.
Khi được hỏi, nhiều DN đều đồng tình cho rằng, Nghị quyết 19 hay Nghị quyết 35 đều đưa ra những giải pháp khá đồng bộ, toàn diện, thúc đẩy sự phát triển của DN một cách mạnh mẽ nếu được thực hiện nghiêm túc. Tuy nhiên, trên thực tế thì đâu đó các cấp thừa hành vẫn vào cuộc chưa mạnh mẽ, cũng khó tránh khỏi “độ trễ” của chính sách…