Nhiều trạm thu phí BOT bị người dân phản đối

Vị trí trạm thu phí bất hợp lý, mức phí quá cao là những nguyên nhân chủ yếu khiến nhiều trạm thu phí bị người dân địa phương phản đối thời gian qua. 
Người dân tập trung phản đối trạm thu phí BOT Bến Thủy 1. Ảnh:Nguyễn Hải
Người dân tập trung phản đối trạm thu phí BOT Bến Thủy 1. Ảnh:Nguyễn Hải

Không đi trên đường BOT song vẫn phải trả phí, từ cuối năm 2016 đến đầu tháng 4/2017, người dân hai đầu cầu Bến Thủy 1 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh phản ứng bằng cách căng băng rôn, dùng tiền lẻ mua vé..., cho đến khi đạt được chính sách miễn phí.

Chỉ một tuần sau khi chủ phương tiện khu vực xung quanh cầu Bến Thủy 1 phản ứng thành công, ngày 16/4, nhiều người dân ở huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) đã xuống đường cùng khoảng 30 xe tải ben cùng ôtô 4 chỗ phản ứng trạm thu phí Cầu Rác (đoạn qua xã Cẩm Trung) với băng rôn: "Chúng tôi không đi đường BOT, tại sao phải trả phí".

Theo người dân Cẩm Xuyên, họ không đi trên đường BOT tuyến tránh TP Hà Tĩnh, nhưng vẫn phải đóng phí khi qua trạm Cầu Rác. Đến cuối tháng 4, Tổng công ty Sông Đà - chủ đầu tư đã có văn bản đề nghị Bộ Giao thông Vận tải giảm 100% phí dịch vụ sử dụng đường bộ khi qua trạm thu phí cầu Rác cho người dân 2 huyện Cẩm Xuyên và Kỳ Anh.

Ngoài "điểm nóng" ở Nghệ An và Hà Tĩnh, từ đầu năm 2017 đến nay, người dân huyện Phú Lương (Thái Nguyên) bức xúc khi nhà đầu tư dự án BOT tuyến Thái Nguyên - Chợ Mới đặt hai trạm thu phí, trong đó một trạm nằm trên tuyến quốc lộ 3 cũ Thái Nguyên - Bắc Kạn, án ngữ ngay ngã ba Bờ Đậu khiến chủ phương tiện đi quốc lộ 37 hướng Tuyên Quang phải trả phí dù không sử dụng đường BOT.

Nhiều trạm thu phí khác cũng được cho là bất cập về vị trí, như trạm Bắc Thăng Long (Hà Nội) thu phí hoàn vốn cho tuyến tránh Vĩnh Yên (quốc lộ 2); trạm quốc lộ 5 thu phí hoàn vốn bổ sung cho cao tốc Hà Nội - Hải Phòng...

Kiểm toán 27 dự án BOT, giảm gần 100 năm thu phí

Trước những bức xúc của cử tri về các dự án BOT, cuối tháng 2, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khởi động chuyên đề giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư, xây dựng và khai thác công trình giao thông theo hình thức BOT.

Trong cuộc làm việc của Đoàn giám sát với Kiểm toán Nhà nước, cơ quan này cho hay kết quả kiểm toán 27 dự án BOT phát hiện nhiều trạm thu phí không bảo đảm khoảng cách tối thiểu 70 km theo quy định, nhưng vẫn được bộ ngành liên quan và địa phương chấp thuận.

Ngoài ra, có 22 trong 27 dự án phải giảm thời gian thu phí từ 10 tháng đến 13 năm, tính tổng cộng 22 dự án này phải giảm tới... 100 năm thu phí.

Về mức phí, Kiểm toán Nhà nước nêu, chỉ có các dự án cao tốc thu phí theo số km đi trên đường, còn những dự án khác thu phí hở (theo lượt xe) nên phương tiện qua trạm đều phải trả chung một mức phí, bất kể số km thực tế sử dụng là bao nhiêu. Cách này khiến người dân và doanh nghiệp địa phương phải trả phí cao, dù chỉ đi đường ngắn hoặc thậm chí không sử dụng đường BOT.

Phản hồi thông tin về kết luận của Kiểm toán Nhà nước liên quan việc hàng loạt dự án BOT phải giảm thời gian thu phí, Bộ Giao thông Vận tải đưa ra một số nguyên nhân như: tiến độ dự án được rút ngắn nên giảm bù giá vật liệu và giảm lãi vay trong thời gian xây dựng; chỉ số giá xây dựng và lãi suất vốn vay trong giai đoạn 2012-2015 đều giảm so với giai đoạn 2009-2011 nên không sử dụng đến dự phòng trượt giá theo quy định.

Theo Bộ Giao thông, tất cả hợp đồng BOT đều quy định thời gian thu phí ban đầu chỉ là dự kiến, và thời gian thu phí chính thức phải được xác định lại theo giá trị quyết toán công trình phù hợp với các kết luận thanh tra, kiểm toán. Đồng thời, việc thu phí thường xuyên được cập nhật khi có biến động về lãi suất, lưu lượng xe so với dự kiến ban đầu.

Về khoảng cách các trạm thu phí không đúng quy định, Bộ Giao thông giải thích trong 88 trạm có 20 trạm khoảng cách dưới 60 km. Trong đó 8 trạm thu phí hoàn vốn cho các công trình đặc thù như cầu lớn, hầm, đường bộ; 4 trạm có thể bố trí với khoảng cách hơn 70 km, nhưng phải điều chỉnh vị trí để tránh khu đông đân, khu đô thị, giảm chi phí giải phóng mặt bằng; 2 trạm điều chỉnh theo đề nghị của địa phương; 6 trạm do địa phương bố trí. 

Khó công bằng tuyệt đối

Ông Nguyễn Danh Huy, Vụ trưởng - Trưởng ban quản lý đầu tư các dự án đối tác công tư (PPP) cho rằng, hình thức thu phí hở nêu trên không thể mang lại công bằng tuyệt đối. Ví dụ, trước đây người dân ở Vinh, Hà Tĩnh cho rằng không đi đường BOT mà vẫn phải đóng phí qua cầu Bến Thủy, song nhà đầu tư BOT tuyến tránh Vinh lại chịu thiệt thòi vì người dân từ Nghi Sơn (Thanh Hóa) vào Vinh, có đi trên tuyến đường BOT nhưng chủ đầu tư không thu phí được.

Ông Huy thừa nhận có nhiều trạm thu phí bất hợp lý như Bắc Thăng Long thu phí cho đường tránh Vĩnh Yên, song đây là "lịch sử để lại". "Ai cũng thấy rất bất cập nhưng mong người dân và doanh nghiệp chia sẻ với đất nước, vì quy định đã ban hành không thể thay đổi", ông nói và cho rằng với tổng 88 trạm thu phí toàn quốc, dự án bị người dân phản ứng là "số ít".

Theo ông Huy, để giảm bất cập của các trạm thu phí, Bộ Giao thông sẽ cùng các bộ ngành, nhà đầu tư, ngân hàng xây dựng chính sách miễn giảm chung cho người dân vùng lân cận theo khoảng cách và mức độ. Ví dụ, cách trạm thu phí bao nhiêu km sẽ được miễn hoàn toàn, bao nhiêu km sẽ được miễn 70%, 50% hay 20% mức phí.

Đầu tháng 4, người dân dùng tiền lẻ mua vé qua cầu Bến Thủy 1.