Nhiều vấn đề lớn từ các dự án liên vùng

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Theo nhiều chuyên gia, việc thiếu cơ chế phối hợp để giải quyết những vấn đề liên vùng, nội vùng một cách hiệu quả có thể dẫn đến nguồn lực bị chia lẻ, đầu tư nơi thừa nơi thiếu, hoặc nơi quá tải, nơi không phát huy hết hiệu quả… Đây là vấn đề lớn rất cần giải quyết trong trung hạn.
Các chính sách, quy hoạch phát triển vùng, quy hoạch phát triển đô thị và kế hoạch 5 năm ở nhiều tỉnh hầu như chưa có các yêu cầu của liên kết nội vùng. Ảnh: Lê Tiên
Các chính sách, quy hoạch phát triển vùng, quy hoạch phát triển đô thị và kế hoạch 5 năm ở nhiều tỉnh hầu như chưa có các yêu cầu của liên kết nội vùng. Ảnh: Lê Tiên

Theo ông Vũ Sỹ Cường, giảng viên Học viện Tài chính, những công trình có tính liên vùng rất ít được chú ý do trong quy định về ngân sách, thể chế tổ chức chưa có cơ chế phối hợp liên vùng để xử lý vấn đề tài chính.

Ông Cường lấy ví dụ, tại TP.HCM, vấn đề xử lý rác rất bức xúc, đặc biệt về bãi rác Đa Phước. Trước đây có quy hoạch chuyển bãi rác từ TP.HCM ra Long An, nhưng chưa có cơ chế để chia sẻ lợi ích, phối hợp tài chính giữa 2 địa phương vì vậy không có cách nào thực hiện dự án đó. Trách nhiệm xây dựng khu xử lý rác lại không thuộc Chính phủ, 2 địa phương lại chưa phối hợp được nên đến nay đây vẫn là vấn đề nhức nhối.

Không chỉ ở cấp tỉnh, dự án liên huyện, liên xã cũng khó. Đơn cử nhiều huyện trong phạm vi ngân sách của mình thì tự thực hiện dự án xử lý rác riêng, không hiệu quả vì quy mô nhỏ, nhưng không có cơ chế phối hợp giữa các huyện để phối hợp nguồn lực. Ở cấp xã, nhiều xã xây dựng trường học nhưng không đủ quy mô dân số, thiếu học sinh, nhưng lại không phối hợp được nhiều xã xây trường học để học sinh có điều kiện học tập tốt hơn…

“Nhiều nguồn lực lẽ ra chúng ta có nhưng bị chia lẻ ra, nên không có nguồn lực thực hiện dự án liên vùng, kể cả giao thông, nước sạch, giáo dục…”, ông Cường nhận định.

Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia (NCIF) thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong một nghiên cứu chuyên đề về phát triển vùng, cũng chỉ ra sự thiếu hụt về thể chế, cơ chế tài chính và cơ chế chính sách theo vùng. Việc thiếu cơ chế chính sách phát triển tổng thể khiến tăng trưởng vùng khá rời rạc, thiếu sự gắn kết nội vùng. Phân tích các chính sách, các quy hoạch phát triển vùng, quy hoạch phát triển đô thị và kế hoạch 5 năm ở nhiều tỉnh trong cả nước cho thấy, hầu như chưa có các yêu cầu của liên kết nội vùng. Trên thực tế đã có những liên kết (biên bản ghi nhớ, cam kết) giữa địa phương này với địa phương khác, vùng này với vùng khác để phát huy lợi thế của địa phương, của vùng. Tuy nhiên, các cam kết này chưa mang tính pháp lý và cũng không có chế tài để bảo đảm thực hiện lâu dài.

Cũng theo NCIF, việc thực hiện quy hoạch vùng thiếu hiệu quả do còn thiếu cơ chế tài chính cho phát triển vùng. Đơn vị vùng không hình thành một đơn vị hành chính có cơ quan hành chính quản lý chính thức, do đó không có đơn vị thực hiện, theo dõi, quản lý các chính sách phát triển theo vùng cũng như chưa có cơ chế tài chính thực hiện các chính sách theo đơn vị vùng. Bộ máy quản lý mới dừng ở dạng các tổ chức điều phối phát triển các vùng kinh tế trọng điểm một cách riêng rẽ và hiệu quả hoạt động còn hạn chế.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan thì nhấn mạnh rằng, không có sự liên kết sẽ không thể khắc phục được những vấn đề của vùng - đây là điểm nghẽn rất lớn cho phát triển.

Một ví dụ điển hình là cảng Cái Mép - Thị Vải đầu tư rất lớn nhưng hàng vẫn về Cát Lái, vì nguồn thu Cát Lái cho TP.HCM, tự nhiên mất nguồn thu thì không địa phương nào muốn. Ông Đỗ Thành Trung, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp kinh tế quốc dân thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, phải có cơ chế phối hợp hiệu quả hơn trong giải quyết các vấn đề của vùng, không chỉ là vấn đề đầu tư phát triển vùng. Ông Trung cho biết thêm, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang triển khai Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và xây dựng quy hoạch cho các vùng còn lại. Trong các bản quy hoạch có nhấn mạnh đến cơ chế phối hợp để phát huy tốt nhất tiềm năng, lợi thế các địa phương trong vùng.

NCIF thì kiến nghị thành lập cơ quan quản lý, đánh giá, điều phối thực hiện quy hoạch vùng; hình thành cơ chế tài chính trong thực hiện các nhiệm vụ có tính chất liên tỉnh, liên vùng; có cơ chế phối kết hợp với chính quyền địa phương trong thực hiện quy hoạch giữa các tỉnh và phối hợp với chính quyền trung ương trong thực hiện quy hoạch tổng thể quốc gia.

Tin cùng chuyên mục