Nhiều vấn đề nóng trước giờ đối thoại

(BĐT) - Dự kiến, Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp năm 2017 với chủ đề “Đồng hành cùng doanh nghiệp” sẽ diễn ra vào ngày 17/5 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Hà Nội. Chuẩn bị nội dung cho hội nghị quan trọng này, ngày 9/5, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) đã tổ chức cuộc họp dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Đặng Huy Đông. 
Các doanh nghiệp gửi đến Bộ KH&ĐT 15 kiến nghị về thuế, hải quan. Ảnh: Ngọc Anh
Các doanh nghiệp gửi đến Bộ KH&ĐT 15 kiến nghị về thuế, hải quan. Ảnh: Ngọc Anh

Cuộc họp nhấn mạnh đến việc tìm ra giải pháp hiệu quả nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho DN trong bối cảnh tình hình kinh tế dự báo tiếp tục còn nhiều thách thức.

Nhận diện nhiều thách thức

Thông tin tại Cuộc họp, ông Hồ Sỹ Hùng, Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp (DN) cho biết, đến thời điểm này, Bộ KH&ĐT đã nhận được nhiều kiến nghị của DN phản ánh về những khó khăn, vướng mắc liên quan đến 5 nhóm vấn đề: cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; hỗ trợ DN khởi nghiệp, DN đổi mới sáng tạo; bảo đảm quyền kinh doanh, quyền bình đẳng tiếp cận nguồn lực và cơ hội kinh doanh của DN; giảm chi phí kinh doanh cho DN; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của DN.

Trong 5 nhóm vấn đề kiến nghị, các kiến nghị liên quan đến cải cách hành chính, tiếp cận nguồn lực kinh doanh vẫn còn nhiều. Đơn cử, ở nhóm kiến nghị liên quan đến cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, có 15 kiến nghị của DN về thuế, hải quan; 10 kiến nghị về thủ tục xuất nhập khẩu; 3 kiến nghị về một cơ quan đầu mối quản lý một vấn đề; 6 kiến nghị về giấy phép con, thủ tục đầu tư kinh doanh…

Còn ở nhóm kiến nghị về bảo đảm quyền kinh doanh, quyền bình đẳng tiếp cận nguồn lực và cơ hội kinh doanh, DN gửi đến 20 kiến nghị liên quan đến đất đai, 10 kiến nghị về tiếp cận tín dụng.

Theo đánh giá, sau khoảng 1 năm thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển DN, với sự quyết tâm của Chính phủ và các cơ quan quản lý, môi trường đầu tư, kinh doanh đã có nhiều chuyển biến tích cực. Hoạt động kinh doanh của DN đã bước đầu ghi nhận kết quả tích cực, niềm tin của DN vào triển vọng kinh doanh cũng đã dần tốt hơn. Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, ông Hồ Sỹ Hùng cho rằng, việc thực hiện Nghị quyết số 35 vẫn còn hạn chế. Môi trường kinh doanh dù được cải thiện đáng kể nhưng vẫn còn nhiều trở ngại, vướng mắc trong thực thi do chưa giải quyết triệt để các vấn đề mâu thuẫn trong các quy định về điều kiện kinh doanh và quản lý chuyên ngành; việc tháo gỡ khó khăn về thuế cho DN chưa kịp thời; quản lý nhà nước đối với chất lượng hàng hóa cũng còn lỏng lẻo…

Nguyên nhân chính của những tồn tại nêu trên là do nhận thức của người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương về ý nghĩa và tầm quan trọng của Nghị quyết chưa thực sự đầy đủ, sâu sắc, dẫn đến việc triển khai Nghị quyết chưa quyết liệt, chưa hiệu quả. Ngoài ra, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật và văn bản hướng dẫn thi hành chồng chéo, mâu thuẫn cũng khiến việc thực hiện Nghị quyết chưa thể đạt kết quả cao như mong muốn. 

Ban hành Chỉ thị triển khai Nghị quyết 35

Tại Cuộc họp, đại diện Cục Đầu tư nước ngoài và Cục Quản lý đấu thầu phản ánh, thời gian gần đây có nhiều khiếu nại, khiếu kiện liên quan đến hoạt động đầu tư, đấu thầu. Một trong những nguyên nhân của việc này là do cơ chế phối hợp xử lý khiếu nại, khiếu kiện giữa các đơn vị tại địa phương chưa hiệu quả. Những tranh chấp phát sinh chưa được giải quyết thấu đáo khiến DN chưa thực sự yên tâm sản xuất, kinh doanh.

Trước những khó khăn, vướng mắc của DN gửi tới Bộ KH&ĐT, Thứ trưởng Đặng Huy Đông yêu cầu, việc tháo gỡ khó khăn cho DN là vấn đề lớn, các cơ quan chức năng phải cùng nhau vào cuộc để giải quyết. “Chúng ta không thể thiếu trách nhiệm với DN”, Thứ trưởng Đông nhấn mạnh.

Theo kế hoạch, dự kiến ngay sau khi Hội nghị Thủ tướng với DN năm 2017 kết thúc,  Thủ tướng Chính phủ sẽ ban hành Chỉ thị về triển khai Nghị quyết 35 theo tinh thần Chính phủ đồng hành cùng DN. Chỉ thị nhằm thúc đẩy sự vào cuộc mạnh mẽ của các bộ, ngành và địa phương trong việc chung tay tháo gỡ khó khăn cho DN. Tinh thần của Chỉ thị là giữ vững và bổ sung những mục tiêu, nguyên tắc tại Nghị quyết 35 như tăng tính minh bạch, mở rộng cơ hội tiếp cận các nguồn lực và hỗ trợ phát triển DN; chú trọng hỗ trợ thúc đẩy các hộ kinh doanh chuyển đổi thành DN, qua đó tăng khả năng tạo việc làm, thu nhập, tăng cường bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của DN, chủ DN, người lao động và các đối tượng liên quan; chấm dứt sự lợi dụng, lạm dụng việc thanh tra, kiểm tra để sách nhiễu, gây khó khăn, phiền hà cho DN.

Đặc biệt, Chỉ thị sẽ nhấn mạnh quyết tâm thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ và giải pháp tại Nghị quyết 35, đồng thời giải quyết triệt để các vấn đề còn tồn tại, vướng mắc trong quá trình triển khai nghị quyết này.