Nhìn lại nhiệm kỳ Quốc hội khóa 13: Dấu ấn về lập hiến, lập pháp

Có thể nói, dấu ấn đáng ghi nhận trong hoạt động của nhiệm kỳ Quốc hội khóa 13 là công tác lập hiến, lập pháp.
Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa 13
Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa 13

Nhiệm kỳ Quốc hội khóa 13 sắp kết thúc. Trong 5 năm của nhiệm kỳ, Quốc hội đã thực hiện đúng chức năng của mình, đáp ứng đòi hỏi, yêu cầu của thực tiễn, của cử tri. Những điều đã làm được, những điều còn hạn chế, tồn tại sẽ là bài học kinh nghiệm quý báu cho nhiệm kỳ Quốc hội tiếp theo.

Có thể nói, dấu ấn đáng ghi nhận trong hoạt động của nhiệm kỳ Quốc hội khóa 13 đó là công tác lập hiến, lập pháp. Hiến pháp năm 2013 với nhiều điểm mới có tính kế thừa, phát huy những giá trị tiến bộ là nền tảng pháp lý quan trọng. Thể chế hóa Hiến pháp, trong nhiệm kỳ, Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã ban hành 100 luật, bộ luật, 10 pháp lệnh và nhiều Nghị quyết.

Quy trình lập pháp có nhiều cải tiến. Việc thảo luận thông qua dự án luật tại kỳ họp ngày càng đi vào nề nếp, đúng quy trình và có chất lượng. Nhiều dự án luật được đại biểu Quốc hội đóng góp ý kiến một cách trách nhiệm, có phản biện sâu sắc.

Ông Chu Sơn Hà, Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội đề nghị báo cáo nhiệm kỳ cần đánh giá một cách sâu sắc hơn: “Chúng tôi xin đề nghị đánh giá thêm một số văn bản luật thể chế hóa Hiến pháp ví dụ như Quốc hội khóa 13 quan tâm đến luật đất đai, là dự án trình qua 3 kỳ họp mới thông qua được, những đạo luật liên quan đến thể chế hóa chương 2 của Hiến pháp về quyền con người. Quốc hội triển khai quan tâm thể chế hóa những nội dung mới của Hiến pháp”.

Tuy nhiên, vẫn còn những tồn tại dài kỳ. Đó là việc điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh chưa được khắc phục. Đáng nói hơn là tình trạng luật khung, luật ống nên phải phụ thuộc vào văn bản hướng dẫn mới thi hành được. Các đại biểu đề nghị Quốc hội phải có trách nhiệm hơn đối với tính trạng này. Trong việc thực hiện chức năng quyết định các vấn đề quan trọng, chức năng giám sát, bên cạnh nhiều kết quả, vẫn còn những hạn chế.

Ông Nguyễn Văn Yểu, nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng: “Trong ba chức năng của Quốc hội thì chức năng giám sát tối cao là thực hiện sự ủy quyền của dân. Dân ủy nhiệm cho Quốc hội giám sát toàn bộ hoạt động của các cơ quan nhà nước, có vì lợi ích của cử tri không hay vì lợi ích nhóm, cán bộ có toàn tâm, toàn ý không? Chúng ta phải đánh giá cho kỹ giám sát tại địa phương của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, của các đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội chất lượng đến đâu. Tôi đề nghị phải tổng kết thì khóa sau mới tốt được, Theo tôi, cái này còn nhiều vấn đề lắm”.

Dự thảo báo cáo nhiệm kỳ Quốc hội khóa 13 đưa ra 5 bài học kinh nghiệm. Đó là bảo đảm và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng để Quốc hội hoàn thành tốt trọng trách mà nhân dân ủy thác.

Bên cạnh đó là phát huy dân chủ, gắn bó chặt chẽ, mật thiết với cử tri và nhân dân, nêu cao tinh thần đoàn kết, trách nhiệm, đổi mới, dân chủ, tăng cường phối hợp hiệu quả với các cơ quan nhà nước. Và cuối cùng là chất lượng đại biểu Quốc hội với yêu cầu cần tăng đại biểu chuyên trách, đại biểu có năng lực, trình độ chuyên môn.

Ông Vũ Mão, nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội

Theo ông Vũ Mão, nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội thì trong 5 bài học này, bài học quan trọng nhất cần đặt lên hàng đầu đó là chất lượng đại biểu và vai trò hoạt động của các cơ quan của Quốc hội: “Tôi muốn đưa bài học về chất lượng, tiêu chuẩn đại biểu Quốc hội lên hàng đầu, đây là cốt lõi cho hoạt động của Quốc hội. Bài học thứ hai là bài học về mối quan hệ giữa Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp. Bài học thứ ba về điều hành tại kỳ họp Quốc hội và bài học nữa là phát huy vai trò công nghệ thông tin và vai trò của truyền thông báo chí. Thực ra không có cái đó, hoạt động của Quốc hội dân ít biết nhưng có cái đó thì dân biết, dân phấn khởi”.

Đại biểu Nguyễn Tiến Sinh, Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hòa Bình nhận định: Bài học góp phần làm nên chất lượng hoạt động của Quốc hội đó là phát huy sức mạnh của hệ thống chính trị: “Kết quả đạt được trong 5 năm của Quốc hội tôi thấy có nguyên nhân là phát huy được sức mạnh của hệ thống chính trị, nhất là khi xây dựng Hiến pháp. Quốc hội không chỉ là diễn đàn của 500 đại biểu Quốc hội. Bên cạnh đó là bài học tiếp thu được tinh hoa trong hoạt động của các cơ quan quyền lực trong mối quan hệ hợp tác với các nghị viện”.

Chất lượng hoạt động của Quốc hội được tạo nên từ nhiều yếu tố nhưng quan trọng hơn hết vẫn phải từ chất lượng của đại biểu Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội. Đây là vấn đề đặt ra nhất là khi cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa 14 đang đến gần.

Tin cùng chuyên mục