Nhức nhối cài cắm tiêu chí lựa chọn tổ chức đấu giá

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Năng lực, kinh nghiệm, uy tín là tiêu chí chính, quan trọng để người có tài sản (NCTS) đánh giá, lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản (TCĐGTS). Trong quá trình xây dựng Thông tư quy định tiêu chí lựa chọn TCĐGTS, vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau về việc đưa ra các tiêu chí thành phần cho tiêu chí này, xoay quanh các nội dung: số lượng hợp đồng đấu giá; số cuộc đấu giá thành; thời gian hoạt động trong lĩnh vực đấu giá…
Năng lực, kinh nghiệm và uy tín là nhóm tiêu chí chính, quan trọng trong lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản. Ảnh: NC st
Năng lực, kinh nghiệm và uy tín là nhóm tiêu chí chính, quan trọng trong lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản. Ảnh: NC st

Tiêu chí xa rời cuộc đấu giá

Theo quy định hiện hành, căn cứ vào các tiêu chí được đưa ra tại Khoản 4 Điều 56 Luật Đấu giá tài sản và các tiêu chí khác phù hợp với tài sản, NCTS quyết định lựa chọn TCĐGTS có đủ uy tín, năng lực, kinh nghiệm thực hiện việc đấu giá.

Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy, nhiều đơn vị có tài sản đưa ra các tiêu chí mang tính chủ quan, thiếu minh bạch, không liên quan đến việc đấu giá mà chủ yếu hướng đến TCĐGTS đã được lựa chọn trước, “sân sau”. Những tiêu chí thường “gài” vào hồ sơ lựa chọn TCĐGTS chủ yếu liên quan đến năng lực, kinh nghiệm, uy tín của TCĐGTS. Đó là yêu cầu đấu giá viên (ĐGV) đồng thời là luật sư có kinh nghiệm 10 năm hành nghề luật sư; ĐGV phải tốt nghiệp đại học chuyên ngành hàng hải, điện lực hay Đại học Luật Hà Nội hoặc TP.HCM hệ chính quy; ĐGV phải có học vị thạc sĩ, tiến sĩ; TCĐGTS được lựa chọn phải có ít nhất 5 chi nhánh trong cả nước…

Một ĐGV nhiều kinh nghiệm phân tích, theo quy định, các trung tâm ĐGTS thuộc Sở Tư pháp không được thành lập chi nhánh. Nếu đưa ra yêu cầu TCĐGTS phải có ít nhất 5 chi nhánh thì sẽ hạn chế sự tham dự của nhiều TCĐGTS, trong đó triệt tiêu sự tham gia của các trung tâm ĐGTS thuộc Sở Tư pháp.

Mới đây, một chủ tài sản tại huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình thông báo lựa chọn tổ chức bán đấu giá quyền sử dụng đất đối với 49 thửa đất tại xã Đồng Trạch. Một trong các tiêu chí được đưa ra là TCĐGTS phải có 5 hợp đồng đấu giá quyền sử dụng đất với các cơ quan, tổ chức trên địa bàn tỉnh Quảng Bình từ ngày 1/1/2021 đến nay (tính theo ngày ký hợp đồng); tỷ lệ đấu giá thành của các thửa đất đưa ra đấu giá trong mỗi hợp đồng đạt từ 70% trở lên, tỷ lệ chênh lệch giá khởi điểm so với giá trúng đấu giá từ 50% trở lên. ĐGV trên đánh giá, quy định này quá chi tiết và chưa phản ánh đúng năng lực của TCĐGTS.

Bảo đảm nguyên tắc công bằng, bình đẳng, khách quan

Bộ Tư pháp đang xây dựng Dự thảo Thông tư quy định tiêu chí lựa chọn TCĐGTS. Nguyên tắc được đưa ra khi xây dựng Thông tư là phải bảo đảm tính công bằng, bình đẳng, khách quan và hài hòa giữa những tổ chức mới được thành lập và những tổ chức đã hoạt động lâu năm, các TCĐGTS khi nộp hồ sơ tham gia tổ chức đấu giá đều được NCTS đánh giá, chấm điểm.

Theo Dự thảo, tiêu chí lựa chọn TCĐGTS gồm 5 nhóm, được đánh giá theo thang điểm 100. Trong đó, nhóm tiêu chí về năng lực, kinh nghiệm và uy tín dự kiến có thang điểm khoảng 40/100 điểm. Một số tiêu chí thành phần của nhóm này như: có hợp đồng dịch vụ đấu giá cùng loại tài sản; đã tổ chức đấu giá thành các cuộc đấu giá và có sự chênh lệch giữa giá trúng đấu giá so với giá khởi điểm; thời gian hoạt động trong lĩnh vực ĐGTS; số lượng ĐGV; kinh nghiệm hành nghề của ĐGV và đội ngũ nhân viên nghiệp vụ; số thuế nộp ngân sách nhà nước; bị xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động ĐGTS; mua bảo hiểm nghề nghiệp cho ĐGV…

Theo ông Trần Mai Long, nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ ĐGTS TP. Hà Nội, đây là nhóm tiêu chí có thể định lượng rõ ràng nhất để chấm điểm. Cần đưa ra các tiêu chí cơ bản, yêu cầu tối thiểu bắt buộc các TCĐGTS phải đáp ứng. Nếu TCĐGTS nào có năng lực, kinh nghiệm và uy tín vượt trội thì được cộng điểm ưu tiên để đánh giá. Tránh trường hợp TCĐGTS cứ dùng mãi 1 hợp đồng bán đấu giá thành công để làm năng lực, kinh nghiệm tham dự hết cuộc lựa chọn này tới cuộc lựa chọn khác, như vậy rất không công bằng. Đối với tỷ lệ % bán vượt so với giá khởi điểm, có thể có điểm cộng nhưng không nên nhiều, bởi tỷ lệ bán vượt này phụ thuộc nhiều vào các yếu tố khác (loại tài sản, khâu thẩm định giá, thời điểm đấu giá…).

Ông Lê Anh Linh, ĐGV Công ty Đấu giá hợp danh Bắc Trung Nam cho rằng, trừ tài sản là bất động sản, đối với các tài sản còn lại (động sản), năng lực, kinh nghiệm và uy tín của TCĐGTS thể hiện rõ nhất qua tỷ lệ bán vượt so với giá khởi điểm, mang lại lợi ích cho ngân sách nhà nước. TCĐGTS có năng lực, kinh nghiệm và uy tín thật sự phải là các đơn vị có nhiều phiên bán đấu giá vượt, và vượt càng nhiều càng tốt. Do đó, điểm cho các hợp đồng kinh nghiệm có tỷ lệ bán vượt giá khởi điểm cần phải được đánh giá đúng mức để lựa chọn được những TCĐGTS có thể mang lại nhiều lợi ích cho ngân sách nhà nước.

Bà Đỗ Thị Hồng Hạnh, Tổng giám đốc Công ty CP Bán đấu giá Lạc Việt cho biết, hoạt động bán ĐGTS được xã hội hóa, chuyên nghiệp hóa từ năm 2010 với sự ra đời của Nghị định số 17/2010/NĐ-CP. Từ đó tới nay, ngoài các trung tâm dịch vụ ĐGTS trực thuộc Sở Tư pháp, thì các doanh nghiệp ĐGTS được thành lập sớm nhất cũng chỉ có 10 năm hành nghề. Do đó, thang điểm cho tiêu chí “thời gian hoạt động trong lĩnh vực ĐGTS” cần xem xét đến yếu tố thực tiễn này để đưa ra các mốc thời gian hoạt động của TCĐGTS cho phù hợp.

Tin cùng chuyên mục