Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet

Những dự án “rút ruột” nhà thầu

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Trên địa bàn TP.HCM, có rất nhiều dự án, vì nhiều lý do đã bị chậm tiến độ kéo dài, dẫn tới công trình chưa thể hoàn thành, làm ảnh hưởng đến hiệu quả đầu tư. Hàng loạt nhà thầu dù thi công trên 50%, 70%, thậm chí đã đạt khối lượng trên 90% nhưng đang phải gánh nhiều hệ lụy, ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng.
Theo kế hoạch, thời hạn thi công 18 tháng, nhưng đến nay Dự án Cầu Nam Lý (TP. Thủ Đức) mới đạt khoảng 50% khối lượng do vướng mặt bằng. Ảnh: Internet
Theo kế hoạch, thời hạn thi công 18 tháng, nhưng đến nay Dự án Cầu Nam Lý (TP. Thủ Đức) mới đạt khoảng 50% khối lượng do vướng mặt bằng. Ảnh: Internet

Công ty CP Tập đoàn Anh Vinh là nhà thầu thi công chính Dự án Cầu Nam Lý (TP. Thủ Đức), được khởi công từ tháng 10/2016. Công trình có chiều dài cầu 449 m, tổng mức đầu tư 857 tỷ đồng, thay thế cho cầu cống đập Rạch Chiếc đã bị xuống cấp nghiêm trọng. Theo kế hoạch, thời hạn thi công 18 tháng, nhưng đến nay mới đạt khoảng 50% khối lượng do vướng mặt bằng. Có tới 52 hộ dân trên địa bàn Quận 9 cũ không đồng thuận với khung bồi thường và bàn giao mặt bằng. Trong suốt 4 năm, UBND Quận 9 cũ không trình cấp thẩm quyền xem xét, phê duyệt đơn giá bồi thường đất, khiến tiến độ thi công và giải ngân thanh toán vốn kế hoạch theo yêu cầu bị chậm trễ.

Trong khi đó, Dự án Cầu Tân Kỳ - Tân Quý được TP.HCM phê duyệt năm 2017, khởi công đầu năm 2018, đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), hợp đồng BOT thay thế cầu cũ đã xuống cấp. Dự án có tổng vốn đầu tư 668 tỷ đồng. Theo hợp đồng BOT được ký giữa Công ty CP Đầu tư phát triển hạ tầng (IDICO) và UBND TP.HCM, phần xây lắp sẽ hoàn thành vào cuối 2018. Tuy nhiên, khi đơn vị thi công đạt khối lượng 70%, công trình phải tạm dừng và đến nay vẫn chưa thể tái khởi động.

Tại TP.HCM, có không ít dự án đã thi công hơn 90% khối lượng, nhưng vẫn nằm chờ gỡ vướng để có thể hoàn thành, nghiệm thu đưa vào sử dụng. Có thể kể đến Dự án Đầu tư xây dựng Khu nông nghiệp công nghệ cao ngành thủy sản tại huyện Cần Giờ với tổng mức đầu tư 498,8 tỷ đồng. Dự án được triển khai từ năm 2016, dự kiến hoàn thành vào năm 2021. Tuy nhiên, đến nay mới thực hiện bồi thường giải phóng mặt bằng; triển khai các gói thầu tư vấn và dịch vụ phi tư vấn; các gói thầu thi công san lấp mặt bằng và xây dựng tường rào, cổng và nhà bảo vệ. Tổng kinh phí giải ngân đạt hơn 109 tỷ đồng, tương đương 21% tổng mức đầu tư. Riêng Gói thầu Thi công san lấp mặt bằng có giá trúng thầu 73.186.747.485 đồng đã được nhà thầu thi công đạt 97% khối lượng, nhưng phải dừng do vướng 1,5 ha đất rừng phòng hộ.

Dự án bế tắc đến mức chủ đầu tư xin trả vốn, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP.HCM đề xuất trả lại đất rừng, điều chỉnh lại Dự án. Trong khi đó, nhà thầu không thể hoàn tất thủ tục gói thầu để bàn giao, đưa vào sử dụng, càng không thể đưa công trình này trở thành hợp đồng tương tự đi đấu thầu các gói thầu khác. Tuy nhiên, hiện Sở Quy hoạch - Kiến trúc, Sở Tài nguyên và Môi trường, đặc biệt là huyện Cần Giờ, vẫn chưa có ý kiến chính thức “giải vây” cho Dự án.

Cũng gặp vấn đề tương tự, Công ty TNHH Trung Nam BT, đơn vị thi công 6 hạng mục cống thuộc Dự án Giải quyết ngập do triều TP.HCM chưa biết khi nào có thể tiếp tục thi công, nghiệm thu, hoàn thành. “Hiện Cống ngăn triều Mương Chuối (giá trị hợp đồng 1.399,36 tỷ đồng); Cống ngăn triều Cây Khô (823,14 tỷ đồng); Cống ngăn triều Phú Định (870,21 tỷ đồng); Cống ngăn triều Tân Thuận (734,90 tỷ đồng); Cống ngăn triều Phú Xuân (465,82 tỷ đồng) và Cống ngăn triều Bến Nghé (112,11 tỷ đồng) đều đạt khối lượng trên 90% nhưng do hợp đồng BT của Dự án chưa thể gia hạn phụ lục nên chưa biết thời gian tiếp tục được thi công, hoàn thành đưa công trình vào sử dụng”, đại diện Công ty cho biết.

Các đơn vị thi công tại những dự án bị kéo dài do vướng mắc về thủ tục, mặt bằng, quy hoạch… cho biết, thiệt hại khi “sa lầy” như trên là rất lớn. “Để đi dự thầu các công trình khác, quy định hiện hành yêu cầu hợp đồng tương tự cần hoàn thành toàn bộ. Như vậy, dù hợp đồng chỉ còn 1 - 5% chưa hoàn thành cũng không thể sử dụng để tham gia đấu thầu dự án mới. Nhà thầu hoàn toàn có khả năng hoàn thành 100% gói thầu, nhưng do dự án bị vướng nên chúng tôi luôn ở thế bị động, đó là thiệt thòi thứ nhất. Thiệt thòi thứ hai, là nhà thầu vẫn phải bảo hành, bảo trì, bảo vệ dù công trình “đắp chiếu” nhiều năm, vẫn phát sinh chi phí dù không được thi công. Thứ ba, nếu xét về điểm uy tín, việc có công trình bị đánh giá chưa hoàn thành là điều mà bất kể nhà thầu nào cũng không mong muốn”, đại diện đơn vị thi công Dự án Đầu tư xây dựng Khu nông nghiệp công nghệ cao Cần Giờ chia sẻ.