Những nhân vật gây chú ý nhất thế giới năm 2016

Hãng tin Reuters đã lựa chọn những nhân vật được coi là tâm điểm chú ý của thế giới trong năm 2016, trong đó có thể kể đến như Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump, Tổng thống Nga Vladimir Putin, Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye...
Những nhân vật gây chú ý nhất thế giới năm 2016

Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đã trở thành “Nhân vật của năm” (theo bình chọn của tạp chí Time) với chiến thắng bất ngờ trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng. Sau hàng loạt phát ngôn gây tranh cãi, bất chấp sự phản đối của phe Dân chủ và thậm chí của chính những người trong đảng Cộng hòa, ông Trump vẫn giành được đa số phiếu đại cử tri để trở thành tổng thống tiếp theo của Mỹ ngay cả khi ít hơn đối thủ Hillary Clinton khoảng 2,7 triệu phiếu phổ thông.

Tổng thống Nga Vladimir Putin trở thành một trong những chủ đề được đề cập nhiều nhất trong chiến dịch vận động tranh cử tổng thống ở Mỹ 2016 vì mối quan hệ được cho là gần gũi giữa ông và Tổng thống đắc cử Donald Trump. Sau cuộc bầu cử, Tổng thống Putin và nước Nga tiếp tục trở thành chủ đề gây tranh cãi hậu bầu cử khi Cơ quan tình báo trung ương Mỹ (CIA) cho rằng Nga đã can thiệp vào cuộc bầu cử để tạo ưu thế cho ứng viên Donald Trump. Nga đã bác bỏ cáo buộc này, trong khi đó, nội bộ giới tình báo Mỹ vẫn hoài nghi lẫn nhau về đánh giá của CIA.

Mặc dù được dự đoán nắm chắc phần thắng trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng, nhưng cuối cùng ứng viên Dân chủ Hillary Clinton đành ngậm ngùi với giấc mở trở thành nữ tổng thống đầu tiên của Mỹ. Chiến dịch tranh cử của bà gặp trở ngại ở những tuần cuối cùng khi Giám đốc FBI James Comey bất ngờ thông báo lật lại điều tra bê bối sử dụng email của bà do những phát hiện mới trong quá trình điều tra bê bối của chồng Huma Abedin - trợ lý thân cận nhất của bà. Bà Clinton sau này đã cáo buộc chính ông Comey đã hủy hoại chiến dịch tranh cử của bà.

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã trở thành tâm điểm chú ý của dư luận với những phát ngôn gây tranh cãi. Ngoài ra, chiến dịch chống tội phạm ma túy của ông cũng đối mặt với những dư luận trái chiều từ quốc tế. Theo thống kê của cảnh sát Philippines, chiến dịch được khởi động ngay sau khi ông Duterte nhậm chức vào cuối tháng 6 đến nay đã khiến gần 6.000 người thiệt mạng.

Chính trường Hàn Quốc rúng động với vụ bê bối của Tổng thống Park Geun-hye. Bà Park bị cáo buộc để lộ thông tin mật quốc gia, tạo điều kiện để người bạn thân can thiệp vào công việc điều hành chính phủ mặc dù không giữ bất cứ chức vụ nào trong chính quyền. Quốc hội Hàn Quốc tuần trước đã đình chỉ quyền lực của bà Park trong thời gian chờ phán quyết cuối cùng của tòa án hiến pháp về việc luận tội đối với bà.

Nữ nghị sĩ đảng Lao động Anh Jo Cox đã bị ám sát ngay trên đường phố chỉ khoảng 1 tuần trước khi diễn ra cuộc trưng cầu dân ý rút khỏi Liên minh châu Âu (EU). Bà Cox là một trong những nghị sĩ đi đầu trong phong trào vận động ủng hộ Anh ở lại EU.

Trong ảnh là ông Nigel Farage, chủ tịch đảng Độc lập Anh (UKIP) và cũng là người đi đầu trong phong trào ủng hộ Anh rời Liên minh châu Âu, hay còn gọi là Brexit. Cuộc trưng cầu dân ý Brexit với đa số người Anh ủng hộ rút khỏi EU có nguy cơ tạo ra một tiền lệ chưa từng có, đẩy EU đến bờ vực tan vỡ.

Sau khi bị luận tội sử dụng ngân sách trái phép, Tổng thống Brazil Dilma Rousseff đã bị Quốc hội nước này phế truất, chấm dứt 13 năm cầm quyền của đảng Lao động. Ông Michel Temer, người kế nhiệm của bà Rousseff, đã tiếp quản điều hành trong bối cảnh đất nước chia rẽ sâu sắc.

Sau 2 năm trong nhà lao của Nga, nữ phi công Ukraine Nadiya Savchenko đã được phóng thích và trở thành nghị sĩ quốc hội sau một cuộc trao đổi tù nhân giữa 2 nước. Sau khi được phóng thích, Savchenko tiếp tục vận động đòi thả 25 công dân Ukraine vẫn bị Nga hoặc lực lượng đòi độc lập ở đông Ukraine bắt giữ.

Các nhân viên thuộc lực lượng dân phòng Syria hay nhóm tình nguyện viên Mũ bảo hiểm Trắng đã được đề cử giải Nobel Hòa bình khi cuộc nội chiến Syria bước sang năm thứ 6. Nhóm tình nguyện viên Mũ bảo hiểm Trắng ở Syria được đánh giá cao nhờ sự dũng cảm cứu giúp dân thường Syria. Hoạt động ở các khu vực phe đối lập kiểm soát, nhóm gần 3.000 tình nguyện viên này thường đào bới các đống đổ nát để tìm người sống sót.

Tin cùng chuyên mục