Những quốc gia tự cường nổi tiếng trên thế giới

(BĐT) - Thế giới đã chứng kiến nhiều quốc gia dù phải hứng chịu nhiều khó khăn như tài nguyên thiên nhiên hạn chế, điều kiện khí hậu khắc nghiệt, nhưng đã vươn lên mạnh mẽ, trở thành những cường quốc về kinh tế và xã hội phát triển. Báo Đấu thầu giới thiệu một số quốc gia điển hình của tinh thần tự lực, tự cường và những lý giải cho sự thành công của họ.

Nhật Bản - Tinh thần Bushido

Những quốc gia tự cường nổi tiếng trên thế giới ảnh 1

Là một quốc gia đông dân, nền kinh tế bị tàn phá trong Chiến tranh thế giới thứ 2, nghèo nàn về tài nguyên và thường xuyên phải hứng chịu thảm họa thiên nhiên, thế nhưng Nhật Bản đã sớm phục hồi và phát triển mạnh mẽ khiến cho thế giới phải ngạc nhiên và khâm phục. Nhiều quốc gia đã lựa chọn mô hình của Nhật Bản để phát triển kinh tế với mong muốn có những thành tích “thần kỳ” như “đất nước mặt trời mọc”. Hiện nay, Nhật Bản là nền kinh tế lớn thứ 3 trên thế giới với GDP năm 2019 ước đạt 5.154 tỷ USD, theo số liệu của Quỹ Tiền tệ quốc tế.

Bên cạnh những chính sách đúng đắn của Chính phủ, một yếu tố không thể không nhắc đến khi nói tới sự phát triển nhảy vọt của Nhật Bản – đó chính là con người, mà ở đó mỗi người dân Nhật Bản đều mang trong mình một “tinh thần Bushido”.

Bushido là một bộ quy tắc những giá trị chặt chẽ, coi trọng sự can đảm, danh dự và lòng trung thành được Samurai - những chiến binh đã từng gây ảnh hưởng lớn trong xã hội Nhật Bản - tuân theo. Tinh thần Bushido hay tinh thần võ sĩ đạo chính là nét văn hóa để phân biệt con người, dân tộc Nhật Bản đối với các đất nước khác.

Tinh thần võ sĩ đạo đó được kế thừa từ nhiều thế hệ là lí do để Nhật Bản có thể phát triển từ đống đổ nát sau chiến tranh. Có thể cho rằng, chính điều kiện thiên nhiên khắc nghiệt với nhiều thiên tai như động đất, sóng thần… đã tạo ra một ý chí, nghị lực kiên cường, đoàn kết chống lại thiên tai của người dân Nhật Bản. Cũng chính từ đó, tinh thần võ sĩ đạo được thể hiện như một lý tưởng, một lối sống đã mài sắc ý chí, nghị lực và sự quyết tâm.

Từ cốt lõi là lòng tự tôn dân tộc và danh dự của bản thân, những con người Nhật Bản đã không ngừng học hỏi, cố gắng, đoàn kết để có thể tạo nên một nền móng vững chắc cho sự phát triển không ngừng nghỉ.

Qatar - Sự phồn vinh nhờ những chính sách hợp lý

Những quốc gia tự cường nổi tiếng trên thế giới ảnh 2

Chỉ trong vòng 50 năm, từ một bán đảo nhỏ nghèo nàn với ngành kinh tế chủ yếu là đánh cá, Qatar đã vươn lên trở thành “gã khổng lồ” dầu mỏ với GDP bình quân đầu người cao nhất thế giới, ở mức 134.620 USD/người.

Dầu thô và khí thiên nhiên được xem là trụ cột của nền kinh tế Qatar khi chiếm đến hơn 70% tổng doanh thu của Chính phủ, hơn 60% tổng sản phẩm quốc nội và gần 85% nguồn thu đến từ xuất khẩu. Nhờ trữ lượng dầu lớn và vị trí đắc địa  ở điểm giao của 3 châu lục, Qatar đóng vai trò là một nơi trung chuyển hàng không và nguồn cung dầu của thế giới.

Để tránh rơi vào tình cảnh hết tài nguyên là hết tiền, Qatar thực hiện các biện pháp nhằm đa dạng hóa nền kinh tế và thu hút nhà đầu tư nước ngoài. Năm 1998, Chính phủ Qatar xây dựng Education City, một quần thể rộng lớn với 6 trường đại học của Mỹ và 2 trường đại học của châu Âu, đồng thời cho xây các trung tâm nghiên cứu lớn.

Không chỉ dựa vào nguồn thu khủng từ dầu và khí đốt, Qatar còn đầu tư hàng tỷ USD vào nhiều lĩnh vực và tập đoàn lớn, trong đó có Tập đoàn Volkswagen, Total, Sainsbury’s và Ngân hàng Barclays. Quỹ đầu tư "Qatar Investment Authority" thành lập năm 2013 đã rót hơn 100 tỷ USD đầu tư khắp toàn cầu.

Từ năm 2005, một trung tâm tài chính Qatar đã được xây dựng. Đất nước này tin rằng họ có thể đi đầu cung cấp dịch vụ tài chính cho các quốc gia vùng Vịnh nhờ.

Qatar không thu thuế thu nhập đối với doanh nghiệp trong nước. Các tập đoàn nước ngoài hoạt động tại Qatar chỉ phải chịu mức thuế thu nhập doanh nghiệp 10%. Quá trình thành lập và cấp phép cho doanh nghiệp rất hợp lý. Lực lượng lao động bao gồm chủ yếu là lao động nước ngoài với những quy định về việc làm tương đối linh hoạt. Qatar là một trong những quốc gia ít tham nhũng nhất ở Trung Đông, mặc dù các liên kết cá nhân đóng vai trò chính trong kinh doanh.

Israel - Quốc gia khởi nghiệp

Những quốc gia tự cường nổi tiếng trên thế giới ảnh 3

Israel có tổng diện tích hơn 22.000 km2, trong đó 3/4 diện tích là sa mạc, 1/4 là đồi núi, dân số chỉ khoảng 8,6 triệu người. Đối mặt với vô vàn khó khăn, thách thức, bất ổn và xung đột nhưng Israel đã vươn lên mạnh mẽ, nổi tiếng toàn cầu về những thành tựu chưa từng có trong đổi mới và sáng tạo. Quốc gia khởi nghiệp là cụm từ chính xác để mô tả câu chuyện kinh tế thần kỳ của Israel.

Theo số liệu thống kê của Start-Up Nation Finder, với hơn 200 tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp, khoảng 1.100 đến 1.380 doanh nghiệp khởi nghiệp ra đời hàng năm tại quốc gia này. Các doanh nghiệp khởi nghiệp của Israel liên tục thu hút lượng vốn đầu tư khổng lồ từ trong và ngoài nước. Israel luôn đứng đầu thế giới về thu hút vốn đầu tư mạo hiểm trên đầu người và chỉ đứng sau Mỹ về số doanh nghiệp khởi nghiệp.

Có thể thấy rằng, xã hội Israel luôn cố gắng đưa ra các giải pháp vừa sáng tạo vừa nhanh chóng. Tinh thần khao khát đổi mới, sáng tạo như là một phần văn hóa Israel.

Nói về năng lượng sáng tạo của Israel, cựu Thủ tướng Shimon Peres nhận xét rằng: “Ở Israel, một vùng đất thiếu tài nguyên thiên nhiên, chúng tôi đã học được cách đánh giá cao lợi thế quốc gia lớn nhất của chúng tôi chính là trí tuệ. Thông qua sự sáng tạo và đổi mới, chúng tôi đã biến những sa mạc cằn cỗi thành những cánh đồng màu mỡ và đi đầu trong hướng đi mới về khoa học và công nghệ”.

Bên cạnh những nét cá tính trong văn hóa của người Israel, bản lĩnh kinh doanh được tôi rèn trên chiến trường hay yếu tố ngẫu nhiên mang tính chính trị, câu chuyện thành công của kinh tế Israel còn phải tính đến hiệu quả của các chính sách do Chính phủ nước này ban hành.

Mọi quốc gia đều có những khó khăn và hạn chế, nhưng hướng tiếp cận và xử lý vấn đề của Israel luôn khiến các nước khác kinh ngạc. Từ một quốc gia thiếu nước, Israel trở thành quốc gia dẫn đầu ở vùng hoang mạc với công nghệ tưới nhỏ giọt và khử mặn. Cùng với đó, ngân sách lớn chi cho nghiên cứu và phát triển để giải quyết các vấn đề quân sự thông qua công nghệ cao đã giúp Israel khởi động, đào tạo và duy trì khối công nghệ dân sự.

Ngày nay, các nhà đổi mới và sáng tạo của Israel đang thúc đẩy ứng dụng công nghệ trong mọi lĩnh vực đời sống như: không gian mạng, y tế, xe tự lái, năng lượng, công nghệ nông nghiệp, máy bay không người lái, hàng không vũ trụ... Hơn 8% lực lượng lao động ở Israel được tuyển dụng trong lĩnh vực công nghệ cao, so với chỉ hơn 2% ở châu Âu. Ngoài ra, phụ nữ đại diện cho hơn 36% tổng số nhân viên công nghệ cao ở Israel, so với 32% ở châu Âu. Có hơn 7.000 công ty khởi nghiệp trên cả nước và khoảng 1.000 công ty hoạt động chỉ riêng ở Tel Aviv.

Singapore - Thành quả từ phát triển nền kinh tế tri thức

Những quốc gia tự cường nổi tiếng trên thế giới ảnh 4

Từ một đảo quốc hầu như không có tài nguyên thiên nhiên, nguồn nguyên liệu đều phải nhập từ bên ngoài, Singapore đã có bước phát triển ngoạn mục trong hơn 50 năm qua, trở thành một trong những quốc gia có GDP bình quân đầu người cao nhất thế giới. Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới (WB), GDP của Singapore năm 2018 đạt 364,16 tỷ USD. Dự kiến, GDP của Singapore năm 2019 đạt 389,65 tỷ USD. Hiện Singapore là 1 trong 10 nước có thu nhập bình quân đầu người cao nhất thế giới. Cụ thể, theo Quỹ Tiền tệ quốc tế, GDP bình quân đầu người của Singapore năm 2018 đạt hơn 100.345 USD, đứng thứ 3 thế giới.

Sự phát triển của Singapore là kết quả của chính sách xây dựng nền kinh tế tri thức, sử dụng kiến thức để tạo ra hàng hóa và dịch vụ với phần lớn lao động có kỹ năng. Các nhà nghiên cứu hàng đầu về Singapore nhận xét rằng, nhân tố chủ yếu của sự thành công ở đây chính là tri thức con người. Các chính sách về khai thác chất xám con người một cách hiệu quả, tránh lãng phí nguồn lực con người từ những nhà lãnh đạo có tầm nhìn của Singapore đã giúp cho quốc gia này trở nên giàu có và phồn thịnh.

Chính phủ Singapore đã tập trung ngân sách rất lớn tài trợ cho hệ thống giáo dục, đặc biệt là giáo dục sau đại học. Chính phủ ban hành chương trình giáo dục bắt buộc và miễn phí trong vòng 10 năm (từ 6 đến 16 tuổi). Đối với việc học sau đại học, chính sách phát triển vốn con người dựa trên hai chiến lược quan trọng. Một là, lựa chọn người đi học căn cứ vào năng lực và mang tính cạnh tranh cao. Nhà nước chi trả toàn bộ chi phí đào tạo cho những nhân tài. Hai là, lồng ghép việc phát triển hệ thống giáo dục và đào tạo vào trong các chính sách công nghiệp hoá, bao gồm việc đưa nguồn nhân lực vào các khu vực sản xuất công nghệ cao, các tập đoàn đa quốc gia nước ngoài. Đây được xem là chiến lược quan trọng nhằm học hỏi và chuyển giao công nghệ từ các nước phương Tây cho nguồn nhân lực của đất nước Singapore.

Thực tế cho thấy chính sách này đã làm nền tảng cho mục tiêu đi đầu trong việc phát triền nền kinh tế tri thức hiện đại của Singapore, giúp quốc gia này trở thành một trong những con rồng kinh tế năng động nhất châu Á.

Tin cùng chuyên mục